Kiểm soát tín dụng chặt hơn(webbaohiem)

(ĐTCK-online) TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc chỉnh sửa một số điểm tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN như trong Thông tư 19/2010/TT-NHNN ngày 27/9 là phù hợp với điều kiện hiện nay, chủ yếu để giúp các ngân hàng nhỏ “dễ thở hơn” chứ sẽ không khiến tín dụng tăng lên đáng kể bởi tinh thần kiểm soát chất lượng hoạt động ngân hàng trong Thông tư 13 hầu như được giữ nguyên.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với TS Trần Du Lịch xung quanh vấn đề này.

Với sự chỉnh sửa một số điểm trong Thông tư 13 vừa được NHNN công bố, theo ông, điều đó có thực sự tốt hơn đối với thị trường cũng như hệ thống các ngân hàng thương mại?

Nếu so với các quy định đưa ra ban đầu, thì việc chỉnh sửa một số điểm của Thông tư nói trên thực sự không phải nhiều. Song theo tôi, các chuẩn mực được đưa ra tại Thông tư 13 là phù hợp, nhằm tiến tới việc thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2011. Tuy nhiên, trong điều kiện của thị trường Việt Nam hiện nay, cũng cần có sự điều chỉnh như trong Thông tư 19/2010/TT-NHNN vừa được NHNN ban hành để giúp các ngân hàng có thêm điều kiện. Còn với hệ thống ngân hàng, không thể chủ quan trong việc quản lý rủi ro.

 

Nhiều người cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ được tác động tích cực từ việc chỉnh sửa Thông tư 13 và theo chiều hướng giảm. Đánh giá của ông như thế nào về vấn đề này?

Theo tôi, điều đó chưa hẳn sẽ tác động tích cực đến diễn biến của mặt bằng lãi suất trên thị trường hiện nay mà chủ yếu giúp một số ngân hàng đang lo thanh khoản, cơ cấu nguồn có thêm thời gian để chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu mới đưa ra. Bởi thực tế, việc điều chỉnh Thông tư 13 không nhiều như mọi người mong đợi. Mặt khác, với kỳ vọng lạm phát trong năm nay là 8% thì lãi suất tiền gửi khó giảm so với hiện nay. Thực sự, ở các nước trên thế giới hiện nay, lãi suất thấp hơn nhiều so với Việt Nam, trong đó có nhiều quốc gia còn áp dụng mức lãi suất bằng 0%/năm và gửi tiền không lỗ đã là may mắn đối với người tiêu dùng. Và nếu lạm phát 8% như kỳ vọng trong năm 2010 thì lãi suất tiết kiệm chỉ áp dụng ở mức 9%/năm là đã thực dương. Nhưng với người dân Việt Nam hiện nay không thể làm khác được, vì kỳ vọng lãi suất của họ hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 9 tháng đầu năm nay là 6,4% và nếu kiểm soát tốt thì 3 tháng còn lại của năm 2010, mỗi tháng CPI cũng phải 0,5%. Như vậy, tính ra, lạm phát cả năm cũng đã lên đến 8% nên lãi suất không thể giảm xuống dưới 10,5%/năm. Vì thế, tôi cho rằng, mức lãi suất tiền gửi các ngân hàng đang áp dụng hiện nay 11 – 11,2%/năm là khó giảm xuống. Kéo theo lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng sẽ trên 13%/năm.

 

Vậy có nghĩa, chủ trương giảm lãi suất đầu vào xuống 10%/năm và đầu ra 12%/năm mà Chính phủ đưa ra sẽ không dễ thực hiện, cho dù Thông tư 13 đã được chỉnh sửa, thưa ông?

Với diễn biến thị trường hiện nay, theo tôi, lãi suất giảm như thời gian qua là đã có sự cố gắng và khó có thể giảm mạnh trong thời gian tới. Đồng thời, nếu muốn giảm thêm lãi suất đầu vào, cần xem xét để giảm lãi suất trái phiếu chính phủ. Trong khi đó, hiện lãi suất trái phiếu chính phủ chưa giảm được vì cần huy động được vốn. Với lãi suất trái phiếu Chính phủ như hiện nay (10,5%/năm), các ngân hàng thương mại đã bỏ vốn mua, sau đó tái chiết khấu cho NHNN (với lãi suất 8%/năm) để kiếm chênh lệch 2,5%/năm.

Qua đó cũng có thể tạo thêm điều kiện tốt cho các ngân hàng trong việc giảm lãi suất, do có được nguồn vốn giá rẻ từ việc tái chiết khấu trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, trong lúc này, theo tôi, các ngân hàng cũng không muốn đẩy mạnh cho vay mà chủ yếu tập trung cho các khách hàng ruột, nhằm giữ tỷ lệ yêu cầu về cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động (không quá 80%), đồng thời đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định mới là 9%.

 

Như vậy, theo ông, sau khi các quy định của Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 1/10, tín dụng sẽ được kiểm soát chặt hơn, nhất là với tín dụng kinh doanh chứng khoán và bất động sản, vì quy định hệ số rủi ro là 250%?

Điều đó là chắc chắn, vì nếu không kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn. Còn với tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán và kinh doanh bất động sản, trên thực tế, chủ trương không khuyến khích đối với loại hình tín dụng này. Do đó, thay vì cấm cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản  thì với quy định tỷ lệ rủi ro như trên sẽ hạn chế dần loại hình tín dụng này. Theo tôi, điều đó là cần thiết, bởi phát triển tín dụng cần tập trung vào sản xuất – kinh doanh.

 

Nhưng nguồn vốn đưa ra nền kinh tế được dự báo sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến đà tăng trưởng trong thời gian tới. Nhận định của ông như thế nào về vấn đề này?

Theo tôi, với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay, không thể ồ ạt đẩy mạnh hơn nữa. Bởi nếu đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế mà không đảm bảo hiệu quả sử dụng thì tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức cao là rất nguy hiểm. Vì thế, các doanh nghiệp cũng cần tính toán lại hiệu quả sử dụng vốn trong quá trình sản xuất – kinh doanh. Tôi cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% thì tăng trưởng tín dụng 25% là đã cao hơn so với trước đây, chứ không thể nói là thấp. Do đó, chưa cần thiết để nới lỏng tín dụng, vì nếu nới lỏng không đúng thời điểm sẽ tạo ra bong bóng và khó tránh rủi ro.

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.