Hỗ trợ một phần mệnh giá thẻ là điều cần thiết để khuyến khích nông dân tham gia BHYT, tiến tới việc thực hiện BHYT toàn dân
Sáng nay (21/10), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về Dự thảo Luật bảo hiểm Y tế (BHYT).
Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XII, Dự án Luật này đã được đưa ra thảo luận tại Hội trường. Tại phiên họp thứ 11, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật BHYT.
Về cơ bản, hầu hết các đại biểu đều nhất trí việc ban hành Luật Bảo hiểm y tế là cần thiết, để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, tạo nên những thay đổi quan trọng trong cơ chế, chính sách tài chính y tế, góp phần hình thành và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội ở nước ta.
Cần hỗ trợ người dân trong việc mua thẻ BHYT
Vấn đề bảo hiểm y tế cho nông dân cũng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Một số ý kiến đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ một phần để người nông dân tham gia BHYT nhằm thực hiện chính sách phúc lợi xã hội đối với nông dân. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, không nên quy định tỷ lệ hỗ trợ cụ thể, mà việc này nên giao cho Nhà nước quyết định phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội ở từng giai đoạn.
Tuy nhiên, đại biểu Võ Thị Dễ (đoàn Long An) thì cho rằng, Luật nên quy định cụ thể mức hỗ trợ tối thiểu cho nông dân 30% mệnh giá thẻ bảo hiểm tế, như vậy mới khuyến khích được toàn dân tham gia BHYT.
Liên quan đến mức đóng bảo hiểm, các đại biểu băn khoăn rằng, nếu quy định của dự thảo Luật BHYT, nếu người nông dân tham gia BHYT với mức đóng tối đa bằng 6% mức lương tối thiểu (hiện nay tương đương khoảng 350.000 đồng/năm/người), thì đây là mức đóng khá cao so với thu nhập của nông dân. Thực tế trong nhiều năm thực hiện thí điểm BHYT cho thấy, khó khăn nhất vẫn là triển khai BHYT cho nông dân. Mặc dù ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, một bộ phận người cao tuổi… song vẫn còn hàng chục triệu nông dân, đặc biệt là nông dân trực tiếp làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp chưa có cơ hội tham gia BHYT.
Nên hỗ trợ thẻ BHYT cho “Cấp phó” ở xã, phường, thị trấn
Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu đề nghị là Nhà nước nên hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho những người làm cấp phó ở xã, phường, thị trấn. Các đại biểu Võ Thị Dễ (đoàn Long An), Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá), Nguyễn Thanh Thuỷ (Đoàn Bình Định) cho rằng, những người này hiện nay không được hưởng biên chế Nhà nước như cấp trưởng, nhưng công việc của họ lại khá nhiều, vì vậy với việc hỗ trợ BHYT cho họ 30.000 đồng/tháng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, vừa khuyến khích họ chuyên tâm vào công tác.
Về vấn đề cùng chi trả, một số đại biểu cho rằng, cùng chi trả là giải pháp mà đa số các quốc gia đang áp dụng và đây cũng là giải pháp để người tham gia BHYT cùng kiểm soát mức chi phí khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ và góp phần giữ cân đối quỹ BHYT. Vì thế, cần thiết phải quy định việc cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần phải điều chỉnh mức cùng chi trả thế nào cho hợp lý. “Không nên cùng chi trả trong việc khám chữa bệnh ở tuyến y tế của xã, phường, thị trấn, cũng như cần quy định cần quy định chi phí tối thiểu cho mỗi lần bệnh nhân khám bệnh để tránh việc tuỳ tiện, lạm dụng mà vẫn bảo đảm được quyền lợi của người dân”- Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) đề nghị.
Cũng về vấn đề này, Ngô Văn Hưng (đoàn Quảng Nam) và một số đại biểu lại cho rằng, không nên thực hiện cùng chi trả vì sẽ gây phiền hà, tốn kém thêm cho người bệnh, mặt khác việc lạm dụng BHYT là do các nguyên nhân khác nhau không nên bắt người bệnh phải gánh chịu.
Quản lý quỹ BHYT tập trung, thống nhất trên cả nước
Về quỹ bảo hiểm y tế, đa số đại biểu đồng tình với quy định như trong Dự thảo Luật, nghĩa là cần quản lý tập trung, thống nhất trên cả để tránh xảy ra tình trạng cùng tham gia BHYT nhưng quyền lợi được hưởng của người có thẻ lại khác nhau giữa các địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá), Hồ Thị Thu Hằng (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, cần có sự cân đối hợp lý hơn quỹ BHYT. Bởi thực tế vừa qua, việc quản lý quỹ BHYT theo hướng tập trung tối đa ở Tung ương đã dẫn đến tình trạng ở các tỉnh điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thì quỹ BHYT lại kết dư do chi phí khám bệnh, chữa bệnh thấp và số kết dư đó được chuyển về Trung ương để bù đắp cho các tỉnh bị thâm hụt quỹ BHYT, đa số là tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khá.
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu cũng quan tâm đến nhiều vấn đề như Bảo hiểm Y tế cho đối tượng chính sách, người tàn tật, về đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm y tế…
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Theo TinNhanh.com
Comments are closed.