Không được thỏa thuận trả BHXH, BHYT vào lương

(Chinhphu.vn) – Bà Nguyễn Tố Uyên (touyenn@…) đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được 15 tháng, khi vào làm việc cho 1 công ty tư nhân bà Uyên được công ty thỏa thuận trả tiền BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT) vào lương hàng tháng. Bà Uyên hỏi, công ty làm như vậy là có đúng không và nếu bà Uyên ngừng đóng BHXH tự nguyện để chuyển qua đóng BHXH bắt buộc thì bà phải làm những thủ tục gì?

Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 2  Điều 2 Luật BHXH quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như sau:

–  Công dân Việt Nam, là người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc;

–  Người sử dụng lao động (NSDLĐ) tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

Được bảo lưu thời gian đóng BHXH tự nguyện

Tại Khoản 2 Điều 73, Điều 74, Điều 75 Luật BHXH quy định:

– NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, khi không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được hưởng BHXH một lần. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

– NLĐ dừng đóng  BHXH tự nguyện mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa nhận BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 4 Nghị định 190/2007/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện thì: “Người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện”.

Trường hợp bà Nguyễn Tố Uyên hỏi, nếu bà ký kết HĐLĐ có thời hạn từ 3 tháng trở lên với công ty thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Việc công ty thỏa thuận với bà trả tiền BHXH và BHYT vào lương để đóng BHXH tự nguyện là trái với quy định của Luật BHXH.

Bà Uyên cần yêu cầu công ty đóng BHXH bắt buộc cho bà, lập hồ sơ để bà được cấp sổ, đóng và hư­ởng BHXH; bảo quản sổ BHXH của bà trong thời gian  bà làm việc tại công ty. Ngoài việc tham gia BHXH bắt buộc, bà còn được tham gia BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với thời gian 15 tháng bà Uyên đã tham gia BHXH tự nguyện, bà có thể đề nghị cơ quan BHXH trả trợ cấp một lần, hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH tự nguyện.

Trường hợp bà Uyên bảo lưu thời gian đóng BHXH tự nguyện để tham gia BHXH bắt buộc, thì tổng thời gian đã  đóng BHXH tự nguyện và thời gian đóng BHXH bắt buộc là cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
BÁO ĐIỆN TỬ CỦA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Comments are closed.