Khó triển khai Luật Bảo hiểm thất nghiệp

lao_dong_thep_resize.jpgTheo Bộ LĐTBXH, hiện chưa xác định được số người đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là bao nhiêu, nhưng dự tính có khoảng 5-6 triệu người tham gia. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin về triển khai luật từ 1.1.2009 được công bố, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tính khả thi của nó, đặc biệt trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, tài chính hiện nay.

 

 

Khó thu 1% từ các DN

Theo TS Nguyễn Minh Phong – Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Hà Nội, mức đóng 1% tiền lương tuy không cao, nhưng trong thời điểm khó khăn, quỹ lương chịu nhiều sức ép, doanh nghiệp (DN) vẫn có thể sẽ tìm cách trốn đóng.

Về điểm này, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước và công đoàn cũng tỏ ra lo ngại về tính khả thi của BHTN khi trên thực tế, các DN luôn tìm mọi cách trốn tránh với các khoản thu bắt buộc. Ông Nguyễn Mạnh Hải- Phó ban chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN cho rằng: “Việc thu BHTN từ DN sẽ dễ  hơn do BHXH VN đã quản lý các DN bằng BHXH. Nhưng năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử ngành BHXH, TPHCM đã khởi kiện các DN nợ lương, nợ đọng BHXH lên tới vài chục tỉ đồng. Nhưng đó là những vụ nợ đọng lên hàng tỉ đồng tại các Cty có quy mô lớn. Còn BHTN, áp dụng khởi điểm đối với các DN có từ 10 LĐ trở lên thì việc khởi kiện là rất khó khăn nếu không muốn nói là quá phức tạp”.

Đại diện Liên minh Hợp tác xã VN, ông Phạm Vĩnh Điển- Phó ban chính sách phát triển cũng tỏ ý băn khoăn vì nếu áp dụng thời điểm này sẽ gây khó khăn cho các khối các DN HTX vừa và nhỏ. Ông Điển cho rằng: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách này, nhưng hiện nay, trong 118.000 DN HTX thì có hơn 10.000 HTX nông nghiệp. Các HTX này, NLĐ chủ yếu có thu nhập thấp nên rất khó để cả DN và NLĐ có thể thực hiện”.

Sẽ có chế tài với DN

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn thực hiện tốt Luật BHTN, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của ba đơn vị: LĐLĐ, Sở LĐTBXH và BHXH. Cụ thể, tại các DN, vai trò bảo vệ, giám sát đảm bảo quyền lợi cho NLĐ được đặt lên vai tổ chức công đoàn, trong đó, CĐ cơ sở có nhiệm vụ rất quan trọng. Về vấn đề này, ông Đặng Quang Điều – Phó ban Chính sách Kinh tế – xã hội Tổng LĐLĐVN cho biết: “Thời gian qua, CĐ đã tích cực giám sát và đưa ra ánh sáng nhiều vụ nợ đọng, trốn nợ BHXH của các DN. Song tại TPHCM và các địa phương khác trong cả nước, các DN ngoài quốc doanh luôn tìm cách trốn tránh việc thành lập CĐCS hoặc thành lập nhưng chỉ mang tính hình thức nên rất khó kiểm soát”.   

Trao đổi với Báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa cho biết: “Thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành nghị định thay thế cho Nghị định 113 (ngày 16.4.2004) quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật LĐ nhằm “mạnh tay” hơn đối với việc thực hiện BHXH, BHTN của DN. Các quy định sẽ được cụ thể hoá trong thông tư hướng dẫn được ban hành vào cuối tháng 12 này”.

Cũng theo lãnh đạo bộ, nếu các DN cố tình trây ỳ, dựa trên các quy định pháp luật, BHXH hoàn toàn có thể kiện DN ra tòa. Kinh nghiệm của TPHCM trong việc khởi kiện các DN nợ BHXH cần nhân ra các tỉnh, TP trong cả nước. Bộ LĐTBXH sẽ có chế tài xử phạt nặng đối với DN nào không thực hiện nghiêm túc BHTN.

Ngọc Bảo

 

Theo LAODONG.COM.VN

 

Comments are closed.