Khủng hoảng tài chính: Vai trò của bảo hiểm tiền gửi đến đâu?

currencyusdollars.jpgKhủng hoảng tài chính đang diễn ra tại Mỹ được đánh giá là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 80 năm qua đối với một nền kinh tế lớn nhất thế giới, hiện nó đã vượt ra khỏi biên giới của nước Mỹ và lây lan sang nhiều nước Châu Âu, Châu Á.

Mức độ thiệt hại của cuộc khủng hoảng này là rất lớn, có nguy cơ làm cho kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái, hoạt động của nhiều ngân hàng trên thế giới có dấu hiệu suy giảm nhanh, niềm tin của người gửi tiền vào các ngân hàng bị xói mòn.

Đứng trước bối cảnh đó, Chính phủ, Ngân hàng Trung ương và các cơ quan khác của một loạt các quốc gia trên thế giới đã có những động thái nhằm ổn định tình hình, trấn an người gửi tiền, giảm thiểu hậu quả của khủng hoảng, trong đó vai trò của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi đã được phát huy.

Các công ty Bảo hiểm tiền gửi trên thế giới đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như: Tiếp nhận xử lý các tổ chức tài chính có vấn đề, nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tiền gửi, hoặc công bố chính thức về tình hình tài chính ổn định của quốc gia, v.v…

Tại Mỹ, Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi (FDIC) đã đóng vai trò tích cực trong việc tiếp nhận xử lý ngân hàng gặp vấn đề. Từ đầu năm 2008 tới nay, FDIC đã tiếp nhận và xử lý 16 ngân hàng đổ vỡ.

Ngoài ra, trong bản kế hoạch giải cứu ngành tài chính trị giá 700 tỉ USD được quốc hội thông qua ngày 1.10.2008, FDIC đã nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi từ 100.000USD lên 250.000USD (hạn mức này duy trì đến hết năm 2009) để củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính.

Các quốc gia Châu Âu cũng có những phản ứng hết sức mau lẹ và tích cực. Ngày 7.10.2008, các bộ trưởng tài chính 27 nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã họp và nhất trí tăng giá trị bảo hiểm tiền gửi, theo đó hạn mức bảo hiểm tối thiểu được nâng lên 50.000EUR, đồng thời cam kết hỗ trợ các định chế tài chính để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ngoài việc cam kết mức bảo hiểm tối thiểu, một số nước trong liên minh còn gia tăng hạn mức bảo hiểm để đảm bảo an toàn cho tiền gửi của người gửi tiền như: Ngày 3.10.2008, Chính phủ Anh tuyên bố nâng hạn mức bảo hiểm từ 35.000GBP lên 50.000GBP; ngày 5.10.2008, Thủ tướng Đức tuyên bố sẽ bảo đảm toàn bộ tiền gửi của người dân tại các ngân hàng, khoảng 500 tỉ EUR, Bộ trưởng Tài chính Áo công bố Chính phủ sẽ tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi nhằm giảm tình trạng rút tiền của dân chúng và ngăn chặn dòng tiền chảy sang Đức; ngày 8.10.2008, Hy Lạp cũng quyết định nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi từ 20.000EUR lên 100.000EUR trong vòng 3 năm.

Các diễn biến tài chính tại Châu Á có phần lắng dịu hơn so với Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên trong thời gian gần đây một số quốc gia như Malaysia, Đài Loan cũng đã lên tiếng để trấn an người gửi tiền. Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Malaysia tuyên bố hệ thống tài chính trong nước vẫn hoạt động tốt và tổ chức này có đủ điều kiện để đảm bảo an toàn cho người gửi tiền tại Đài Loan, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi được tăng gấp 2 lần, lên 3 triệu đôla Đài Loan.

Đối với trường hợp của Ngân hàng Chinfon (có chi nhánh hoạt động tại Việt Nam), ngân hàng chính thức được kiểm soát bởi Uỷ ban Giám sát tài chính Đài Loan từ ngày 26.9.2008 do hoạt động kinh doanh thua lỗ thì Uỷ ban Giám sát tài chính Đài Loan đã ủy quyền cho Công ty Bảo hiểm tiền gửi Đài Loan (CDIC) quản lý toàn bộ hoạt động và tài sản của Ngân hàng Chinfon. Ngay sau khi tiếp quản ngân hàng, CDIC đã thông báo tình hình cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV). Theo đó, CDIC là cơ quan tiếp quản, quản lý hoạt động và tài sản của Ngân hàng Chinfon, bao gồm cả các chi nhánh tại Việt Nam.

Ngoài ra, các khoản tiền gửi của người gửi tiền và các khoản nợ liên ngân hàng của Ngân hàng Chinfon được bảo đảm toàn bộ bởi Quỹ Tái cấu trúc tài chính của Đài Loan (RTC fund). Như vậy, quyền lợi của người gửi tiền hiện được đảm bảo bởi DIV và CDIC.

Có thể nói, trong điều kiện khủng hoảng tài chính, khi các diễn biến tài chính trở nên phức tạp thì việc duy trì niềm tin của người gửi tiền là một trong những điều kiện tiên quyết góp phần ổn định hệ thống tài chính.

Thực tế từ đầu năm 2008 tới nay cho thấy hệ thống các công ty bảo hiểm tiền gửi trên thế giới đã thực hiện các biện pháp nhằm củng cố niềm tin, bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt đưa ra các chính sách về bảo hiểm tiền gửi linh hoạt, góp phần ổn định hệ thống tài chính.

Hoàng Ánh Ngọc (Lao Động)

Comments are closed.