Khiếu nại một đằng, trả lời một nẻo!

Ông Trần Thanh Quang (trái) đang được tư vấn để khiếu nại quyền lợiTiền lương là căn cứ để trích nộp BHXH nên không thể trả lương thấp mà buộc phải trích nộp BHXH cao.“Tôi gửi đơn khiếu nại dựa vào căn cứ nào UBND quận 3 – TPHCM chỉ đồng ý chi trả 22 tháng tiền lương vô cớ giữ của tôi 10 năm trước theo mức lương tối thiểu tại thời điểm năm 2001 và năm 2002, nhưng UBND quận 3 lại trả lời là do tôi không đến nhận lương chứ không phải đơn vị không chi trả. Văn bản trả lời của UBND quận 3 là quá vô lý và thiếu trách nhiệm bởi ai cũng biết lúc đó, tôi đã khó nhọc đi đòi lương như thế nào!”.

Ông Trần Thanh Quang (ngụ tại đường Lê Văn Sỹ, quận 3 – TPHCM) cho biết như vậy trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Người Lao Động và LĐLĐ TPHCM mới đây.

Đã sai còn chống chế

Trước đó, ngày 14-2, Báo Người Lao Động đã có bài viết “Vô cớ giữ 22 tháng lương” phản ánh từ tháng 9-2000 đến tháng 7-2002, ông Quang không được Trường THCS Lê Lợi (quận 3-TPHCM) – nơi ông làm việc – trả lương. Các biên bản liên quan đến giải quyết khiếu nại của ông Quang thể hiện việc không trả lương cho ông Quang là theo chỉ đạo của lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 3 lúc bấy giờ sau khi ông Quang có bài viết về một vụ việc tiêu cực trong ngành GD-ĐT quận 3 đăng trên báo của ngành.
Sau rất nhiều đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng, đến cuối năm 2010, ông Quang mới được Phòng Nội vụ quận 3 mời đến để trả lại 22 tháng lương đã giữ gần 10 năm trước với mức lương tối thiểu và hệ số lương vào thời điểm năm 2000 và năm 2001 (mức lương tối thiểu năm 2000 là 180.000 đồng và năm 2001 là 210.000 đồng).
Ông Quang không đồng ý bởi ông không có lỗi trong việc bị giữ lương. Mặt khác, khi ông làm thủ tục truy đóng BHXH, cơ quan BHXH yêu cầu ông phải đóng với mức lương tối thiểu hiện nay là 830.000 đồng. Vì vậy, ông Quang tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến UBND quận 3.
Ngày 28-4, UBND quận 3 có văn bản trả lời cho ông Quang với nội dung: “Vào thời điểm trên (thời điểm năm 2001, năm 2002 ông Quang bị giữ lương – PV) do ông Quang không nhận tiền lương nên Kho bạc Nhà nước quận 3 giữ đến cuối năm thì hoàn trả ngân sách”.
Ông Quang bức xúc: “Tôi nhiều lần đến nhận lương nhưng không được chi trả. Tôi đi làm là mong nhận được lương để nuôi sống bản thân và gia đình thì làm gì có chuyện không đến nhận lương. Rất nhiều đồng nghiệp và những người liên quan biết rõ chuyện này. UBND quận 3 đã trả lời không đúng sự thật để chối bỏ trách nhiệm của mình”.

Phải căn cứ vào lương tối thiểu hiện hành

Tiếp xúc với chúng tôi mới đây, một cán bộ phụ trách việc phát lương ở Trường THCS Lê Lợi tại thời điểm năm 2002 khẳng định: “Việc ông Quang không được trả lương là do có sự chỉ đạo của cấp trên chứ không phải do ông Quang không đến nhận”.

Ông Tạ Văn Doanh, Tổng Biên tập Báo Giáo dục TPHCM – nơi ông Quang đang công tác, là một trong những người nắm rõ vụ việc, cho biết: “Nói anh Quang không chịu nhận lương là vô lý. Giả sử anh Quang không nhận lương thì về phía nhà trường tại sao cũng không trích đóng BHXH, BHYT cho anh Quang để đến giờ bắt anh phải truy đóng? Cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể đã vô cớ giữ lương của anh Quang”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết: “Theo Quyết định 902 ngày 26-6-2007 của BHXH Việt Nam thì tại thời điểm năm 2011, việc truy đóng BHXH cho ông Quang phải dựa trên mức tiền lương, tiền công và mức lương tối thiểu tại thời điểm truy đóng. Điều đó có nghĩa tiền lương truy trả cho ông Quang cũng phải căn cứ trên mức lương tối thiểu hiện hành (830.000 đồng) bởi tiền lương là căn cứ để thu BHXH”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TPHCM:

Buộc bồi hoàn thiệt hại

Theo khoản 5 điều 39 Pháp lệnh Cán bộ công chức thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại cho người khác thì phải hoàn trả cho cơ quan, tổ chức khoản tiền mà cơ quan, tổ chức đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Do đó, UBND quận 3 cần chỉ đạo đơn vị ông Quang công tác trước đây trả lương cho ông Quang theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người sai phạm và buộc bồi hoàn khoản thiệt hại đã gây ra do hành vi không trả lương cho người lao động.

Bài và ảnh: Trường Hoàng
Báo Người Lao Động Điện tử – Tiếng nói của Liên đoàn Lao động TPHCM

Comments are closed.