Khi nhà bảo hiểm gặp… rủi ro

(ĐTCK) Nhìn lại năm 2013, những sự kiện pháp lý nổi bật của thị trường bảo hiểm trải dài mọi mặt hoạt động của các nhà bảo hiểm từ tranh chấp với khách hàng đến vấn đề nhân sự và cả vấn đề đầu tư. Dưới đây là 5 sự kiện đáng chú ý của năm.

Khách hàng trục lợi
Một vụ kiện được coi là khá điển hình cho hành vi gian dối để đòi bồi thường bảo hiểm của khách hàng vừa có bản án có hiệu lực vào tháng 11/2013. Đó là vụ tranh chấp giữa khách hàng Đinh Công Hiền và Bảo hiểm Bảo Việt.
Giá trị tranh chấp không lớn, tình huống không mới lạ. Một đêm tối trời, chiếc xe ô tô mới mua được 2 ngày đã đâm vào bức tường nhà điều hành của Công ty Nam Đạt do chính khách hàng làm chủ.
Vấn đề là trong quá trình bồi thường, khi nhà bảo hiểm đề nghị cơ quan công an làm rõ nguyên nhân tai nạn, kết luận giám định cho thấy dấu vết thiệt hại trên xe không phải là do va chạm với bức tường!
Khách hàng vẫn khăng khăng khởi kiện với niềm tin rằng, kết luận giám định không phải là cơ sở duy nhất để kết luận một vụ án.
Quả thực, bản án sơ thẩm đã “vạch lỗi” cả hai bên đương sự và chia tỷ lệ 70:30, nhà bảo hiểm bồi thường 70% và khách hàng chịu thiệt hại 30% dù đã có thêm một kết luận giám định do chính Tòa sơ thẩm trưng cầu với kết quả cho thấy hiện trường vụ án không đúng như khách hàng khai báo.
Tại tòa phúc thẩm, quan điểm của Viện kiểm sát cho rằng, khách hàng điều khiển phương tiện giao thông khi không có giấy đăng kiểm là vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, thuộc trường hợp ngoại trừ bảo hiểm.

alt

Không chỉ các khách hàng bảo hiểm, ngay chính các DNBH cũng có thể gặp rủi ro khi tiến hành các giao kết hợp đồng bảo hiểm

Hội đồng xét xử nhận định, các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan công an, Viện kiểm sát, Bộ Quốc phòng đã thu thập chứng cứ đúng trình tự thủ tục quy định…
Do đó, hai kết luận giám định là khoa học khách quan và đủ cơ sở kết luận không có tai nạn xảy ra vào 21h ngày 1/7 tại bãi cát thôn Cao Đình, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh như khai báo của khách hàng.
Như vậy, sau khoảng một năm rưỡi kể từ khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, tranh chấp bồi thường cơ bản kết thúc với kết quả chỉ rõ khách hàng đã có hành vi gian dối, lập hiện trường giả để đòi bồi thường bảo hiểm.
Tuy nhiên, đây cũng là tình huống mà nhiều nhà bảo hiểm khác đã gặp phải. Mới đây, theo phản ánh của một nhà bảo hiểm, một khách hàng sau khi gặp tai nạn đã yêu cầu bồi thường hơn 400 triệu đồng.
Khách hàng khai báo khi tai nạn đã gọi điện báo cho một số người, tuy nhiên, khi nhà bảo hiểm yêu cầu khách hàng rà soát lịch sử cuộc gọi thì khách hàng không thể đưa ra bằng chứng. Tuy vậy, cũng phải chờ đến khi có kết luận giám định của cơ quan chức năng, khách hàng mới chịu rút đơn yêu cầu bồi thường.
Mạo danh đại lý
Trong khi luôn bị “bao vây” bởi ma trận trục lợi của khách hàng, nhà bảo hiểm còn phải lo lắng từ chính những vấn đề trong nội bộ, vấn đề trị nhân sự.
Năm 2013 chứng kiến một vụ án hình sự đình đám liên quan đến bảo hiểm và liên quan đến một thương hiệu nhân thọ hàng đầu. Đó là vụ án Bùi Thị Thu Hằng và 16 đồng bọn dùng danh nghĩa đại lý Prudential để lừa đảo chiếm đoạt 230 tỷ đồng của 59 bị hại.
Từ tháng 4/2010, Hằng giả mạo là trưởng phòng kinh doanh và sau đó giả làm “giám đốc văn phòng phát triển kinh doanh khu vực Quảng Ninh” thuê nhà làm trụ sở văn phòng và lôi kéo một số đối tượng khác tham gia lừa đảo.
Hằng chào bán gói bảo hiểm “Phú an khang Hưu trí” với phí khoảng 100 triệu đồng và sau đó là “Hợp đồng VIP” hay còn gọi là gói “Bảo hiểm VIP” có thời hạn 90 ngày với lãi suất cao lên tới 50%. Hằng đã sử dụng phiếu thu thật của Prudential và nhiều lần báo mất để được cấp thêm. Sau đó, để Prudential không phát hiện, Hằng đã làm giả các phiếu thu khác.
Vì sao Hằng có thể khiến cho nhiều người tin tưởng và bỏ ra số tiền lớn đến vậy? Phải nhìn thẳng vào nguyên nhân quản lý bởi Hằng đã nhiều lần báo mất phiếu thu và được cấp lại trái với quy trình quản lý của Prudential, tổ chức các buổi tri ân khách hàng rầm rộ tại các khách sạn sang trọng ngay giữa thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) mà Prudential hoàn toàn không biết.
Bản án, trong phần trách nhiệm bồi thường dân sự, đã buộc Hằng có nghĩa vụ phải trả cho các bị hại số tiền bị chiếm đoạt. Prudential được cho rằng không có trách nhiệm với những khách hàng này. Tuy nhiên, các bị hại cho rằng, họ tin tưởng vào thương hiệu Prudential, rằng thấy Hằng có tên trên danh sách đại lý vàng của Prudential nên mới tin, rằng Prudential phải có trách nhiệm với khách hàng…
Bất kể là có phải bồi thường hay không, tên tuổi Prudential đã bị gắn với một vụ lừa đảo đại lý bảo hiểm và sẽ được ghi vào “sách giáo khoa” bảo hiểm.
Nhân viên sơ suất
Cũng vẫn chuyện nhân sự, dù chưa “dính” phải những vụ hình sự đình đám như Prudential, nhưng các thương hiệu khác không tránh khỏi thiệt hại do sơ suất của nhân sự.
Chẳng hạn như vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại của chiếc cần trục giữa PVI và Công ty Anh Sơn. Chiếc cần trục này đã được mua bảo hiểm tại PVI – chi nhánh Đông Đô.
Theo Giấy chứng nhận bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm có giá trị 1 năm kể từ ngày 14/7/2010, phí bảo hiểm hơn 17 triệu đồng, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm là 4 tỷ đồng, mức miễn thường là 30 triệu đồng.
Khi tổn thất xảy ra (cần giàn bị gãy), hai bên đã có mâu thuẫn trong bồi thường. Hai bên đã thống nhất sử dụng kết quả giám định của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) là cơ sở để các bên chấp hành.
Tuy nhiên, sau đó, PVI bất ngờ có công văn từ chối bồi thường với lý do tổn thất này nằm ngoài phạm vi bảo hiểm, căn cứ vào Quy tắc bảo hiểm máy móc và thiết bị xây dựng của PVI.
Công ty Anh Sơn đã khởi kiện yêu cầu PVI bồi thường 417 triệu đồng. Theo Công ty Anh Sơn, khi ký kết hợp đồng, chỉ có “Bản câu hỏi và giấy yêu cầu bảo hiểm máy móc thiết bị xây dựng”; danh mục máy móc thiết bị tham gia bảo hiểm; phiếu kết quả kiểm định mà không có bất cứ một văn bản, hay phụ lục kèm theo. Quy tắc bảo hiểm mà PVI viện dẫn, chỉ khi tranh chấp xảy ra, phía PVI mới chìa ra.
Tòa án cho rằng, trong lời khai các bên, thì Giấy chứng nhận bảo hiểm được xem như một hợp đồng. Nhưng trong hợp đồng này không có phần điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cụ thể. Luật kinh doanh bảo hiểm quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm phải được nêu rõ trong hợp đồng. Giấy chứng nhận cũng không đề cập đến Quy tắc bảo hiểm như là một phần phụ lục hợp đồng. Do đó, Quy tắc bảo hiểm không được Tòa án chấp nhận như là một căn cứ giải quyết vụ tranh chấp và buộc PVI phải bồi thường.
Tranh chấp nội bộ
May mắn hơn các nhà bảo hiểm khác, vụ việc đại lý giành khách, giả chữ ký khách hàng của Manulife chưa đem lại thiệt hại, tổn thất tài sản nào của khách hàng.
Một đại lý của Manulife thực hiện giao dịch và ký hợp đồng bảo hiểm với khách hàng, nhưng một nhân viên khác lại chiếm dụng hợp đồng đó bằng cách giả mạo chữ ký của khách hàng.
Đại lý Nguyễn Thị Quỳnh Phương đã lợi dụng uy thế làm việc lâu năm, lừa đảo, chiếm đoạt hợp đồng, giữ phiếu thu đại lý trái phép, giả mạo chữ ký. Trong quá trình giải quyết khiếu nại trong nội bộ, Manulife được coi là đã không có xử lý thích đáng dẫn tới đại lý đã có đơn thư tới cơ quan báo chí.
Manulife đã xác nhận có việc tranh giành hợp đồng, giả mạo chữ ký khách hàng, nhưng đã Công ty đã nhanh chóng xử lý tình hình và đại lý Nguyễn Thị Quỳnh Phương.
Tin nhầm đối tác
Không chỉ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc khó khăn, với những vấn đề chung của nền kinh tế suy thoái, các nhà bảo hiểm gặp rủi ro trong cả hoạt động đầu tư.
Chưa nói đến những khoản đầu tư có độ rủi ro cao như đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, vàng, nhà đất… ngay cả khoản tiền gửi tổ chức tín dụng cũng có nguy cơ mất trắng.
Đó là trường hợp của Bảo hiểm Toàn cầu khi gửi 30 tỷ đồng vào Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy VFC (thuộc Vinashin). Thời kỳ dầu, VFC trả lãi đầy đủ nhưng đến khi hợp đồng đáo hạn, VFC đã không thể trả được gốc và lãi và Bảo hiểm Toàn cầu đã đệ đơn khởi kiện.
Phiên tòa diễn ra “suôn sẻ” khi bị đơn thừa nhận các con số gốc, lãi và việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Vấn đề chỉ là với tình hình chung của Vinashin cũng như tại VFC, thì VFC hoàn toàn không có khả năng thi hành bản án.

Nguồn:tinnhanhchungkhoan.vn

{fcomment}

Comments are closed.