Khi “mối duyên” bancassurance đứt gãy

Trong quan hệ kinh doanh nói chung, giữa bảo hiểm và ngân hàng nói riêng, hợp tác là để các bên cùng có lợi và sự hợp tác sẽ dừng lại khi yếu tố này không còn được đảm bảo, song không phải cuộc chia tay nào cũng diễn ra êm ả.

Bancasuran đứt gẫy

Không có gì là mãi mãi

Nếu không kể đến những tác động khách quan bất khả kháng khiến mối quan hệ bảo hiểm – ngân hàng đứt gãy và để lại nhiều hệ lụy cho các bên, nhất là bên đối tác bảo hiểm như câu chuyện của SCB và Manulife Việt Nam, thì ở những mối quan hệ khác, dù đã đặt bút ký hợp đồng hợp tác độc quyền, nhưng nếu lợi nhuận không như kỳ vọng thì mối lương duyên “độc quyền” tưởng chừng bền chặt đó cũng không khó để phá bỏ.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra vào cuối tháng 4/2023, đại diện ABBank cho biết, trong năm qua, ngân hàng này phải chi hơn 200 tỷ đồng phí bồi thường hợp đồng do dừng hợp tác với đối tác bảo hiểm nhân thọ.

Được biết, FWD Việt Nam từng là đối tác bảo hiểm nhân thọ độc quyền của ABBank. Hai bên ký kết thỏa thuận bancassurance vào năm 2016 với thời hạn 15 năm. Tuy nhiên, đến năm 2022, mối hợp tác này chính thức kết thúc. Thay vào đó, vào tháng 12/2022, ABBank có đối tác mới khi công bố hợp tác chiến lược với Dai-ichi Life Việt Nam. Theo giới quan sát, dù có phải đền bù hợp đồng vì dừng hợp tác trước hạn, nhưng giá trị của thương vụ hợp tác sau này đủ lớn để bù đắp, cho dù không phải là hợp tác độc quyền.

Trong một diễn biến khác, ngày 4/4/2023, Dai-ichi Life Việt Nam mới chính thức thông báo ngừng hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và dịch vụ chăm sóc khách hàng liên quan tới HDBank. Theo hãng bảo hiểm này, kể từ ngày 1/1/2023, Dai-ichi Life Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất thực hiện tất cả hoạt động chăm sóc khách hàng và phục vụ hợp đồng bảo hiểm hiện tại của toàn bộ khách hàng đã tham gia bảo hiểm nhân thọ của Dai-ichi Life Việt Nam thông qua kênh HDBank (bao gồm các dịch vụ thu phí bảo hiểm, giải quyết khiếu nại, giải quyết quyền lợi bảo hiểm…).

Đồng thời, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ phân công đại lý để tiếp tục thực hiện công việc tư vấn và phục vụ hợp đồng theo quy định của hợp đồng bảo hiểm nhằm thay thế cho đại lý/nhân viên của HDBank trước đây. Các quyền lợi và điều khoản nhận quyền lợi bảo hiểm của khách hàng vẫn được đảm bảo theo đúng hợp đồng bảo hiểm đã giao kết giữa khách hàng và Dai-ichi Life Việt Nam…

Được biết, vào năm 2015, HDBank và Dai-ichi Life Việt Nam công bố hợp tác kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, trong 10 năm, kể từ tháng 7/2015, Dai-ichi Life Việt Nam là đối tác cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua mạng lưới HDBank toàn quốc. Tuy nhiên, chưa hết thời hạn hợp tác, có vẻ như mối lương duyên này đã hết “mặn nồng”.

Trong một báo cáo về thị trường tài chính, Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, HDBank và Dai-ichi Life Việt Nam đã gỡ bỏ điều khoản độc quyền trong hợp đồng bancassurance kéo dài trong 10 năm giữa 2 bên. Hợp đồng được ký kết năm 2015 và chi phí trả trước ở thời điểm đó tương đối nhỏ nếu so sánh với các thương vụ bancassurance độc quyền gần đây. Do đó, SSI Research cho rằng, 2 bên có thể rà soát và đàm phán lại các điều khoản chính. Động thái này có thể cho phép HDBank hợp tác với các công ty bảo hiểm khác và đa dạng danh mục sản phẩm cung cấp cho khách hàng, đồng thời mở ra cơ hội cho HDBank có thể đàm phán một thương vụ bancassurance độc quyền mới.

Tới cuối năm 2021, HDBank công bố chính thức triển khai hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm của FWD Việt Nam qua hệ thống kênh phân phối của ngân hàng này trên toàn quốc, nhưng đây không phải là hợp đồng hợp tác độc quyền.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 của HDBank, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc chưa ký độc quyền hợp đồng bancassurance, đại diện ngân hàng này nói rằng, chưa có đối tác bảo hiểm nào đủ hấp dẫn để HDBank ký hợp đồng độc quyền. Mặt khác, HDBank còn nhiều room tăng trưởng doanh số nên chưa cần đến hỗ trợ độc quyền của các đối tác bảo hiểm. Dù vậy, Ban lãnh đạo HDBank sẽ cân nhắc thời điểm chọn lựa đối tác độc quyền bancassurance trong thời gian tới.

Chia tay “đòi quà”

Trên thực tế, cũng như các mối quan hệ kinh doanh khác, việc hợp tác độc quyền hay không giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm xét cho cùng đều hướng đến việc các bên phải cùng có lợi, nên khi yếu tố này không còn được đảm bảo thì việc ngừng hợp tác cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không phải cuộc chia tay nào cũng diễn ra êm ả.

Lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ từng chia sẻ, đã phải mất một thời gian dài để giải quyết câu chuyện “hậu chia tay”, bởi kể từ khi ngân hàng từng là đối tác trở thành đối tác độc quyền cho một công ty bảo hiểm khác, công ty ông liên tục nhận được phản ánh của khách hàng về việc khi đến ngân hàng này để đóng phí và mua thêm sản phẩm bảo hiểm bổ sung cho hợp đồng bảo hiểm cũ thì liên tục bị chèo kéo hủy hợp đồng hiện hữu để chuyển sang hợp đồng mới, hoặc gợi ý mua sản phẩm của đối tác bảo hiểm nhân thọ hiện tại “để hưởng quyền lợi tốt hơn”.

Bancassurance hấp dẫn vì thỏa mãn nhu cầu của cả ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm, khách hàng cũng sẽ thuận lợi hơn khi được tiếp cận “một cửa” cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng. Tuy nhiên, với những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh nêu trên, không chỉ quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng, mà bức tranh bảo hiểm nhân thọ cũng bị méo mó.

Thực tế, sau cuộc khủng hoảng truyền thông lớn nhất từ trước tới nay liên quan đến việc bán bảo hiểm qua ngân hàng vừa diễn ra, các công ty bảo hiểm đều nhận thấy những tồn tại về chất lượng tư vấn và dịch vụ bảo hiểm. Chính vì vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý có thẩm quyền bằng việc siết chặt hơn việc bán bảo hiểm qua ngân hàng, các doanh nghiệp cũng chủ động đưa ra các giải pháp chấn chỉnh công tác bán bảo hiểm qua các kênh đối tác của mình theo hướng chuyên nghiệp và thực chất hơn.

Đối với các mối quan hệ hợp tác đối tác ngân hàng – bảo hiểm, theo giới quan sát, thời kỳ bùng nổ “deal” giá cao dường như đã qua đi. Dù số lượng ngân hàng chưa ký độc quyền hay chưa hợp tác bán bảo hiểm trên thị trường hiện không nhiều, nhưng thực tế các mối quan hệ hợp tác với đối tác ngân hàng thời gian qua cũng phần nào mang đến những bài học đắt giá. Những thương vụ có giá trị “khủng” có thể vẫn diễn ra, nhưng các điều khoản ràng buộc trách nhiệm cả về chất lượng tư vấn, dịch vụ cũng như tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm sẽ khắt khe hơn trước rất nhiều nhằm đảm bảo sự hợp tác này phải thực sự “win – win – win” cho 3 bên: Ngân hàng thu được phí, công ty bảo hiểm có thêm nhiều khách hàng, người mua bảo hiểm có sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu và dịch vụ chăm sóc khách hàng hàng tốt.

Trao đổi với truyền thông mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã chỉ đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm tăng cường quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo quản lý đồng bộ việc kinh doanh bảo hiểm từ cả các ngân hàng thương mại lẫn doanh nghiệp bảo hiểm.

Đối với công tác hoàn thiện pháp lý, nhiều quy định mới về hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm (bao gồm cả kênh bancassurance) đã được cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ và đầy đủ hơn trong các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và kỳ vọng sẽ được ban hành sớm để chấn chỉnh các kênh phân phối bảo hiểm nói chung, kênh bancassurance nói riêng theo hướng bảo vệ nhiều hơn quyền lợi khách hàng.

Theo ĐTCK