Khi cổ đông lớn bất đồng

altDN hay than phiền về sự “gây rối” của cổ đông lớn, nhưng nhìn từ góc độ thị trường, đó lại là điều cần thiết để ban lãnh đạo DN nhìn lại mình.

Tại một số công ty đại chúng gần đây xuất hiện tình huống các cổ đông lớn là các quỹ, tổ chức đầu tư nước ngoài không đồng tình với ban lãnh đạo công ty về một vấn đề nào đó và dùng quyền phủ quyết toàn bộ tờ trình trong ĐHCĐ, gây sức ép lên ban lãnh đạo công ty.

Điều này khiến dư luận cho rằng, các cổ đông này là đối tượng gây rối tại ĐHCĐ, nhưng xét nguyên nhân dẫn tới hành động phủ quyết của các tổ chức đầu tư thì vấn đề không hẳn đã là như vậy.

ĐHCĐ lần 2 của CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPP) vào ngày 21/5 vừa qua đã không suôn sẻ khi nhóm cổ đông lớn phủ quyết toàn bộ 9 nội dung xin ý kiến và phủ quyết luôn cả Biên bản cuộc họp. Trước đó, ngày 29/4, công ty này triệu tập ĐHCĐ lần 1 bất thành do các cổ đông lớn đến dự nhưng không đăng ký tư cách cổ đông.

Nhóm cổ đông này gồm 3 quỹ lớn là VinaCapital, Vietnam Holding và Duxton sở hữu hơn 37% vốn cổ phần của Công ty. Có sự bất đồng của các quỹ này về việc DN chưa niêm yết, về số thành viên HĐQT là đại diện của quỹ, về kế hoạch lợi nhuận, dự án đầu tư… Mặc dù trước khi ĐHCĐ diễn ra, Ban lãnh đạo Công ty và các cổ đông lớn đã có cuộc thảo luận riêng, nhưng hai bên đã không đi đến thống nhất. Dường như bất đồng giữa nhóm cổ đông là quỹ đầu tư và các cổ đông còn lại là về mục tiêu lợi nhuận, khi một bên muốn tối đa hóa lợi nhuận, còn một bên muốn đạt thêm các mục tiêu khác ngoài lợi nhuận. Câu chuyện của AGPP đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu ra trước Quốc hội, vì công ty này nhiều khả năng sẽ được Nhà nước thông qua SCIC tăng sở hữu lên để làm công cụ điều tiết nông nghiệp, nông thôn ở An Giang.

Trong khi đó, cũng trong một tình huống tương tự nhưng CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (VCS) đã tổ chức thành công ĐHCĐ bất thường. Sau khi các cổ đông lớn, trong đó có Red River phủ quyết toàn bộ nội dung tại ĐHCĐ thường niên, VCS đã tổ chức ĐHCĐ bất thường vào ngày 11/6 với sự nhượng bộ của Ban lãnh đạo Công ty, trong đó đưa các nội dung chia cổ tức 2012, thưởng cho Ban lãnh đạo và phát hành cổ phần tăng vốn ra khỏi chương trình.

Thực tế thì ngay khi đọc tài liệu công bố trước ĐHCĐ năm 2012 của VCS, một số NĐT đã phản ánh một điểm bất hợp lý của phương án tăng vốn điều lệ là phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, trong đó bao gồm cả Ban lãnh đạo Công ty. Đương nhiên, Red River là quỹ đầu tư  theo trường phái đầu tư giá trị, không chấp nhận nội dung này.

Theo ghi nhận của ĐTCK, không chỉ riêng với VCS, quỹ đầu tư này cũng không muốn chia cổ tức bằng tiền mặt ở một số DN niêm yết khác, khi mà chi phí vốn vay cao, công ty cần vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh. Trong một tình huống khác như ở ĐHCĐ của Coteccons (CTD), Red River ủng hộ chủ trương của HĐQT Công ty tăng tỷ lệ sở hữu của CTD ở công ty thành viên lên mức chi phối, nhưng đại diện quỹ này muốn HĐQT trình ĐHCĐ phương án mua trước khi thực hiện, còn HĐQT muốn được ĐHCĐ ủy quyền thực hiện. Với sự ủng hộ của đa số cổ đông bên ngoài, tờ trình tăng tỷ lệ sở hữu ở công ty thành viên của CTD được thông qua, nhưng Red River vẫn phủ quyết vì không thống nhất được cách quyết định phương án mua, cho thấy họ có quan điểm riêng.

Có thể nói, các quỹ đầu tư nước ngoài dù sở hữu trên 5% hay không đều sử quyền biểu quyết một cách triệt để để bày tỏ ý kiến của mình. Và trong khi một số công ty than phiền về sự “gây rối” của tổ chức đầu tư nước ngoài tại ĐHCĐ năm nay thì nhìn từ góc độ thị trường, đó lại là những điều cần thiết để ban lãnh đạo DN nhìn lại mình.

(ĐTCK).

Comments are closed.