Khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm xã hội

Khám chữa bệnh, ảnh minh họaLuật gia Vũ Xuân Tiền (*)
(TBKTSG) – Ngày 22-4-2010 tại TPHCM, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã họp phiên thứ 11 và một trong những nội dung quan trọng của phiên họp này là nghe Chính phủ báo cáo, giải trình về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Vấn đề rất quan trọng được nêu trong phiên họp là năm 2008, số tiền nợ, chậm đóng BHXH cộng dồn hơn 2.286 tỉ đồng, trong đó nợ khó đòi là 966 tỉ đồng (chiếm 42,25%), nợ gối đầu là 1.320 tỉ đồng. Năm 2009, số nợ cộng dồn là 2.093 tỉ đồng, nợ khó đòi là 529 tỉ đồng (chiếm 25,3%) và nợ gối đầu là 1.564 tỉ đồng.
Hơn nữa, hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động? Đó là câu hỏi cũng chưa có đáp án chính xác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo có 400.000 doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH, còn BHXH Việt Nam thì cho biết chỉ thu được BHXH ở 100.000 doanh nghiệp! Thống kê từ 14 triệu người lao động thuộc diện tham gia BHXH thì chỉ có 9 triệu người được tham gia BHXH!

Vị trí đặt quảng cáo

Tình trạng các doanh nghiệp né tránh trách nhiệm đóng BHXH, nợ đọng tiền BHXH không phải là vấn đề mới phát sinh ở nước ta. BHXH TPHCM và Hà Nội đã xử lý khá kiên quyết bằng việc khởi kiện các doanh nghiệp cố tình dây dưa, nợ đọng BHXH ra tòa.

Song, biện pháp đó không phải là tối ưu và cũng khó có thể thực hiện “thường xuyên, liên tục”. Bởi lẽ, theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng, trước một “vụ án” về nợ đọng BHXH, các cấp tòa án ở mỗi nơi, mỗi địa phương lại có những cách giải quyết khác nhau. Vì vậy, nếu không nghiên cứu, tìm ra giải pháp hữu hiệu và giải quyết ngay, vấn đề được nêu ra và cho là “vô cùng cấp bách” hôm nay chắc chắn sẽ được nêu lại và cũng vẫn là “vô cùng cấp bách” vào ngày mai.

BHXH là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Luật BHXH đã được ban hành và có hiệu lực. Do đó, tình trạng nêu trên chứng tỏ rằng, việc thực hiện luật không nghiêm, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực này đang tỏ ra… bất lực.

Để khắc phục tình trạng nêu trên rất cần những sửa đổi cơ bản cả về tổ chức, bộ máy, sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi Luật BHXH và chính sách BHXH. Trong bước đầu nghiên cứu, xin kiến nghị:

1. Trao cho BHXH Việt Nam quyền kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Luật BHXH ở các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế. Hiện nay, hầu như không có cơ quan nào kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thực hiện nghĩa vụ này. Do đó, doanh nghiệp nào tôn trọng các quy định của pháp luật thì thực hiện, DN nào cố tình không thực hiện hoặc sử dụng các “tiểu xảo” khác nhau để né tránh nghĩa vụ nộp BHXH cho người lao động thì cũng… vô tư.

Bản thân người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lại không quan tâm, thậm chí có không ít trường hợp yêu cầu chủ doanh nghiệp không được trừ lương để nộp BHXH! Điều đó đã dẫn đến sự bất công nghiêm trọng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. BHXH chỉ “nắm” được những doanh nghiệp nghiêm túc và chính những doanh nghiệp nghiêm túc này lại bị “thiệt thòi” về hiệu quả kinh doanh so với những doanh nghiệp phạm luật!

2. BHXH Việt Nam cần thực hiện ngay một đợt rà soát để có được danh sách chính xác những doanh nghiệp đang hoạt động nhưng không đăng ký tham gia BHXH cho người lao động. Đây là việc làm không khó khăn gì lắm. Bởi lẽ, chỉ cần lấy thông tin từ cơ quan thuế về các doanh nghiệp đang thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối chiếu với danh sách các doanh nghiệp đã đăng ký và tham gia BHXH ở cơ quan BHXH các cấp là có ngay danh sách những doanh nghiệp chưa đóng BHXH. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam có văn bản nhắc nhở, yêu cầu chủ doanh nghiệp đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

3. Cần kiểm tra, thanh tra đột xuất ở một số doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong danh sách chưa đăng ký tham gia BHXH. Trên cơ sở đó, xử phạt vi phạm hành chính một cách nghiêm minh đối với những trường hợp cố tình không đăng ký tham gia BHXH mặc dù đã có văn bản nhắc nhở, yêu cầu của BHXH Việt Nam. Với những trường hợp, chủ doanh nghiệp đã khấu trừ tiền lương của người lao động nhưng không nộp BHXH, phải coi đó là hành vi lừa đảo và rất cần khởi tố một số trường hợp để làm gương. Tất nhiên, điều kiện đặc biệt quan trọng để việc kiểm tra, thanh tra về nghĩa vụ tham gia BHXH đạt kết quả là lực lượng tham gia kiểm tra, thanh tra phải thực sự “trong sạch”, không bị “vô hiệu hóa” bằng “phong bì”.

4. Rất cần nghiên cứu một cách nghiêm túc và sửa đổi các tỷ lệ thu của BHXH. Các khoản thu của BHXH gồm: tiền BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đều được quy định bằng tỷ lệ phần trăm trên tiền lương. Trong khi đó, tiền lương tối thiểu được điều chỉnh tăng liên tục trong thời gian vừa qua. Vì vậy, trong bối cảnh các yếu tố đầu vào của sản xuất, kinh doanh đều tăng với tỷ lệ cao, tỷ lệ thu của BHXH cũng đã vượt quá sức chịu đựng của khá nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp cố tình né tránh việc thực hiện nghĩa vụ nộp BHXH cho người lao động. Vì vậy, hạ tỷ lệ thu BHXH xuống thấp hơn hiện nay để thu được ở diện rộng hơn và dễ hơn, thiết nghĩ là biện pháp hợp lý hơn là đặt tỷ lệ thu cao và chỉ thu được ở một số ít doanh nghiệp.

______________________

(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Comments are closed.