Khám chữa bệnh BHYT: Hết thời chạy quanh nhiều cửa

Giảm nhiều phiền toái cho người bệnhThủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê luôn là nỗi lo lắng và bức xúc của người bệnh tham gia khám chữa bệnh BHYT. Điều này thậm chí trở thành nỗi “ám ảnh” của họ mỗi khi vào viện bởi phải lo quá nhiều thủ tục, chạy qua quá nhiều “cửa” để xin xác nhận, xin chữ ký. Hậu quả là hình ảnh về khám chữa bệnh BHYT ngày càng trở nên thiếu hấp dẫn trong mắt người bệnh.

Song từ khi triển khai luật BHYT, nhiều nơi trên phạm vi cả nước đã có những cải thiện đáng kể về quy trình giải quyết thủ tục hồ sơ cho các đối tượng tham gia BHYT sao cho cách nhanh chóng, thuận lợi mà vẫn đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Từ đó, cơ chế “một cửa” trong quy trình giải quyết các hồ sơ thủ tục cho các đối tượng tham gia BHYT đã ra đời, rút ngắn được thời gian cho tất cả các bên tham gia.

BHYT chỉ còn “1 cửa”

Trước đây, để có được kết quả chẩn đoán cũng như theo dõi sau mổ, bệnh nhân, nhất là những người có thẻ BHYT phải làm nhiều thủ tục như lấy giấy  xét nghiệm, đóng tiền, lấy xác nhận của từng đơn vị tham gia khám, chữa bệnh… Các bác sĩ cũng mất nhiều thời gian hơn cho việc xác nhận, duyệt đơn thuốc, cân đối vật tư tiêu hao đi kèm với những thuốc chỉ định dùng cho bệnh nhân (trong trần BHYT cho phép) như truyền dịch, truyền thuốc.

Cách làm như trên khiến mỗi lần bệnh nhân có chỉ định lại phải chạy qua nơi đóng tiền, sau đó lại tiếp tục lòng vòng đến các phòng, ban khác để giải quyết thủ tục rồi mới quay lại làm tiếp các thủ thuật. Còn các bác sỹ và đội ngũ làm hành chính cũng khổ không kém vì một ngày cũng phải tiếp bao nhiêu lượt bệnh nhân, qua mỗi lượt lại là một vòng chuyển giao giấy tờ rất phức tạp.
Để hạn chế tình trạng trên, ngay từ những ngày đầu triển khai luật BHYT, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã thành lập riêng tổ giám định BHYT trực hằng ngày và thực hiện quy trình khám chữa bệnh “một cửa”.

Nhờ vậy, khoảng 5.000 bệnh nhân mãn tính thường xuyên điều trị tại bệnh viện này không cần phải qua phòng tiếp đón mà được đến thẳng phòng khám của bác sỹ. Đây là thuận lợi ban đầu được các bệnh nhân đánh giá cao khi khám chữa bệnh theo Luật BHYT mới.

Bệnh viện Xanh Pôn có khoảng 150.000 người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện, mỗi ngày có khoảng 800 lượt người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh. Bên cạnh đó số bệnh nhân không có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh lớn gấp 3-4 lần bệnh nhân có thẻ BHYT.

Tuy khối lượng bệnh nhân rất lớn, nhưng từ khi bệnh viện phối hợp với BHXH Hà Nội thực hiện khám chữa bệnh theo quy trình “một cửa” thì người bệnh nói chung và người bệnh có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh không phải chờ đợi lâu, thủ tục hành chính đơn giản.

Bên cạnh đó, chất lượng khám điều trị được tăng lên, quá trình khám chữa bệnh diễn ra trật tự văn minh. Kết quả đó được người bệnh đón nhận, số lượng người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện Xanh Pôn ngày một tăng.

Cơ chế “một cửa” không chỉ được thực hiện tại các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện đa khoa tại các thành phố lớn mà còn lan về các địa phương khác (như Yên Bái là một ví dụ).

Phối hợp nhịp nhàng, giảm nhiều phiền toái cho người bệnh

Để có thể giải quyết các thủ tục khám chữa bệnh BHYT theo cơ chế “một cửa”, các bệnh viện đều bố trí khu vực riêng có nhân viên bệnh viện tiếp đón, phát số và hướng dẫn người bệnh sang bàn làm việc của cán bộ giám định Bảo hiểm y tế. Sau đó chính các nhân viên này (chứ không phải bệnh nhân) sẽ thu nhận chứng từ, phiếu khám chữa bệnh và đơn cấp thuốc Bảo hiểm y tế khi bệnh nhân đi khám chữa bệnh xong quay trở lại đồng thời tính chi phí đợt khám chữa bệnh, viết biên lai thu tiền viện phí theo quy định phần (từ 5 đến 20% chi phí khám chữa bệnh của đối tượng thực hiện cùng chi trả để) người bệnh đi lĩnh thuốc và ra về điều trị ngoại trú.

Công đoạn sau cùng là chuyển giao cho cán bộ giám định Bảo hiểm y tế các chứng từ chi phí khám chữa bệnh để vào máy vi tính, phục vụ cho việc tổng hợp chi phí khám chữa bệnh.
Thực hiện đồng thời, tiếp nối và nhịp nhàng với các hoạt động trên, cán bộ giám định BHYT (thuộc BHXH VN) sẽ kiểm tra phiếu khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế và giấy tờ tuỳ thân có ảnh, nhập dữ liệu, in, ký, đóng dấu và phát phiếu khám chữa bệnh. Các nhân viên giám định sẽ giữ thẻ (phiếu khám chữa bệnh) Bảo hiểm y tế, viết giấy hẹn và trả thẻ cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú, xác nhận vào bệnh án, phát phiếu điều trị nội trú. Họ cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân đến các phòng khám bệnh, Xét nghiệm, X quang và phòng thực hiện thủ thuật.

Sau cùng, họ nhập số liệu chi phí khám chữa bệnh vào máy vi tính, thống kê chi phí, đối chiếu, in bảng tổng hợp chi phí khám chữa bệnh phục vụ cho các kỳ quyết toán.

Tất cả các công đoạn này được thực hiện theo một chu trình khép kín, nhịp nhàng. Bệnh nhân sẽ đến phòng tiếp đón, bắt đầu quy trình khám chữa bệnh tại phòng này và kết thúc cũng ở phòng này. Như vậy bệnh nhân không còn phải chạy loanh quanh nhiều vòng để làm thủ tục.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc BV Bạch Mai thì để thực hiện được cơ chế một cửa như trên cần sự phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng của tất cả các bên liên quan, gồm cán bộ giám định BHYT, nhân viên của bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo BHXH.

Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đã được bệnh nhân BHYT ghi nhận trong thực tế: “Trước đây vào viện, chạy nhiều vòng nhiều cửa tôi lo lắm, bệnh viện thì nhiều khoa, nhiều khi không biết đâu mà lần. Nhưng nay đi khám tôi được chỉ dẫn tận tình, tuy vẫn phải chờ đợi vì quá đông song bệnh nhân chúng tôi cũng đã yên tâm phần nào”, bà Nguyễn Thị Tuyết, khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai cho biết.

    * Ngọc Anh
Báo VietNamNet,

Comments are closed.