Trong kỳ họp vào trung tuần tháng 10 tới, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Gần 20 năm (từ năm 1992) thực hiện BHYT, những hạn chế nào về cơ chế chính sách cần được khắc phục để người có BHYT không còn “ám ảnh” vì sự phân biệt khi đến bệnh viện?
Chỉ 50% đối tượng diện bắt buộc tham gia BHYT
Đầu năm 2005, BHYT dư 2.000 tỷ đồng, bị dư luận lên tiếng phê phán, nhưng sang năm 2006, riêng đối tượng tự nguyện đã bội chi hơn 1.000 tỷ đồng (thu 746 tỷ đồng, chi 1.843 tỷ đồng). Thời điểm đó, nhiều bệnh viện lâm vào tình trạng người nào cầm được thẻ BHYT thì đi khám vô tội vạ. Thậm chí khám để lấy thuốc đem ra ngoài bán và đòi khám bằng những kỹ thuật cao.
Chưa hết, mới mua BHYT hôm trước, ngay lập tức hôm sau vào bệnh viện… chạy thận nhân tạo. Song song đó, phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT hiện đang áp dụng chủ yếu dựa trên phí dịch vụ nên dẫn đến việc lạm dụng dịch vụ, thuốc, đặc biệt là cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…), tăng chi phí hành chính cho cả phía bệnh viện và cơ quan BHYT.
Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề rằng, có phải vì gấp rút “thanh lý” 2.000 tỷ đồng dư mà lại đẩy BHYT vốn là chủ trương đúng, hợp lòng dân, một lần nữa trở thành nỗi ám ảnh của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Rồi những bất cập trong việc đưa thẻ BHYT tự nguyện đến người dân, tại sao chỉ có những người bị bệnh mới mua thẻ hay trong gia đình 5 người thì chỉ có 3 người mua…
Trong khi đó, ai cũng hiểu BHYT là một hình thức người giàu chia sẻ với người nghèo, người lành gánh cho người bệnh. Phía người bệnh thì bị quy trình, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT “hành” dẫn đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chưa đáp ứng với yêu cầu…
Theo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ chế bảo hiểm phải tuân theo nguyên tắc 3 bên: bên tham gia, bên cung ứng dịch vụ, bên quản lý quỹ. Vấn đề mấu chốt nhất để thu hút người dân tham gia BHYT là chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế.
Quá trình thực hiện BHYT vừa qua cho thấy chỉ cần các bệnh viện nới lỏng quản lý sẽ dẫn đến việc lạm dụng BHYT và Quỹ BHYT sẽ rất khó khăn. Sự bất cập về giá thuốc cũng là vấn đề phải xem xét thấu đáo. Giá thuốc mà Quỹ BHYT phải thanh toán cho một số bệnh viện lại cao hơn giá bên ngoài.
Còn theo Bộ Y tế, do chính sách BHYT tự nguyện chưa sát với thực tiễn, thiếu chặt chẽ, nên chỉ những người thường xuyên ốm, người mắc bệnh mãn tính hoặc người điều trị bệnh có chi phí lớn tham gia. Còn lại, đối tượng tham gia BHYT chủ yếu là diện bắt buộc.
Thế nhưng, tình trạng các doanh nghiệp tư nhân trốn đóng BHYT cho người lao động vẫn còn ở mức cao và chưa có thuốc “trị”. Hiện mới chỉ khai thác được khoảng 50% đối tượng diện bắt buộc tham gia BHYT thuộc khối doanh nghiệp.
Luật lại là… luật khung!
Tuy nhiên, trong dự thảo luật, những nội dung quan trọng liên quan đến BHYT như mức chi, bộ máy quản lý Quỹ BHYT lại chỉ quy định dưới dạng khung, nguyên tắc. Bởi vì, các chính sách liên quan đến BHYT như viện phí, tiền lương còn đang ở giai đoạn biến động nhiều trong những năm tới. Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, lý giải như vậy chưa thỏa đáng.
Thực tiễn gần 20 năm thực hiện BHYT từ thí điểm đến mở ra diện rộng đã cho thấy những khó khăn của việc mở rộng BHYT, chính sách BHYT lúc quá tả, lúc quá hữu. Những bài học đó đã đủ cơ sở để đúc kết và quy định thành luật.
Nếu Quốc hội ban hành Luật BHYT với những nguyên tắc chung để rồi sau đó các ngành vẫn tiếp tục hướng dẫn thi hành với quá nhiều văn bản dưới luật như hiện nay thì kết quả là chính sách BHYT lại tiếp tục thiếu ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của thực tiễn.
Những năm qua, nhiều ý kiến cử tri, chuyên gia và đại biểu Quốc hội cho rằng không nên tiếp tục ban hành luật khung, gây chậm trễ trong việc thi hành, giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng BHYT, dự thảo luật quy định còn rất chung chung, cơ bản là giao cho Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện. Theo nhiều ý kiến, dự thảo luật cần quy định rõ viện phí là căn cứ để Quỹ BHYT chi trả khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT (trong viện phí, Quỹ BHYT chỉ thanh toán các loại thuốc, dịch vụ y tế theo danh mục do Bộ Y tế ban hành). Viện phí do Chính phủ ban hành trên cơ sở tính đúng, tính đủ và quy định cụ thể khoản nào do Nhà nước trả và khoản nào do bệnh nhân phải trả.
Trong nhiều năm thí điểm BHYT, khó khăn nhất vẫn là triển khai BHYT cho nông dân. Mặc dù ngân sách đã hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, một bộ phận người cao tuổi… Song vẫn còn hàng triệu nông dân chưa có cơ hội tham gia BHYT.
Theo quy định của dự thảo luật, người nông dân có mức sống trung bình trở lên chỉ có cơ hội tham gia BHYT tự nguyện với mức đóng khoảng 250.000 đồng/thẻ/người/năm, đây là mức đóng khá cao so với thu nhập của họ. Do vậy, cần thiết phải có sự hỗ trợ nhất định để nông dân làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp tham gia BHYT.
Trần Toàn
Comments are closed.