Khám chữa bệnh BHYT : Sòng phắng công – tư để nâng cao chất lượng phục vụ

bhyt_song_phang_cong_tu.jpgTại TPHCM, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khoảng gần 3 triệu người. Tuy vậy, hệ thống bệnh viện tư chỉ đang phục vụ khoảng 1/30 số lượng bệnh nhân thuộc đối tượng trên. Các bệnh viện tham gia lĩnh vực này ngày càng đông và tìm mọi biện pháp mở rộng thị phần. Đây cũng là biện pháp được BHXH VN khuyến khích để nâng chất lượng phục vụ bệnh nhân BHYT.

Tự làm khó mình

Quá tải bệnh nhân BHYT ở bệnh viện công đã được nhắc đến trong nhiều năm qua và nguyên nhân cũng được nhận diện nhưng biện pháp giải quyết thì lại quá chậm. Hiện nay, khám chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu (tuyến 1) hầu như thuộc hệ thống bệnh viện công. Khi cần điều trị chuyên sâu, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện tuyến 2. Một giám đốc bệnh viện tư cho biết: Từ lâu tồn tại “luật bất thành văn” rằng: Bệnh nhân KCB ở bệnh viện công tuyến 1 thì sẽ được chuyển đến bệnh viện công tuyến 2. Vì vậy, tình trạng quá tải cứ tiếp tục kéo dài từ năm này qua năm khác dù bệnh viện công cứ than phiền là quá tải.

Tình trạng càng khó khăn khi hệ thống bệnh viện công tại TPHCM phải “cõng” một số lượng lớn bệnh nhân từ các tỉnh lân cận: Bình Dương, Đồng Nai, thậm chí là các tỉnh miền Tây… Ông Bùi Đức Tráng, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết: Hệ thống y tế các tỉnh, thành lân cận đủ sức KCB phần lớn các bệnh thông thường. Thế nhưng, người bệnh cứ muốn đổ xô vào TPHCM nên tình hình quá tải thêm trầm trọng. Tại TPHCM, tổng thu BHYT trong một năm khoảng 600 tỉ đồng, nhưng chi ra đến 1.000 tỉ đồng.

Phát huy thế mạnh từng bệnh viện

Dù có số lượng bệnh nhân BHYT chưa nhiều, nhưng hệ thống bệnh viện tư tại TPHCM đã đầu tư rất lớn để phát huy thế mạnh từng chuyên ngành của mình. Bác sĩ Hà Thị Kim Cương, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp Bệnh viện Quốc tế Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn (Sài Gòn Ito), cho biết: Đây là xu thế tất yếu để nâng hiệu quả chữa trị của từng bệnh viện. Tại Sài Gòn Ito, thời gian qua đã trang bị máy Laser Yag điều trị trong giảm áp đĩa đệm, bắn laser qua da thay cho phẫu thuật, nội soi khớp… Mục tiêu của Sài Gòn Ito là sẽ trở thành một trong những bệnh viện chấn thương chỉnh hình hàng đầu ở TPHCM. Những kỹ thuật cao như trên đều được phục vụ bệnh nhân BHYT và giảm 10% phần thanh toán chênh lệch. Rất nhiều bệnh viện tại TPHCM chọn Sài Gòn Ito để chữa trị chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình.

Còn tại Bệnh viện Y tế Viễn Đông Việt Nam (Bệnh viện FV), trong thời gian qua đã đầu tư chuyên sâu vào các kỹ thuật điều trị ung thư. Để tăng hiệu quả trong quá trình hóa trị, xạ trị chữa ung thư, bệnh nhân được sử dụng kèm loại thuốc đặc trị rất đắt tiền, từ 15-30 triệu đồng cho mỗi lần điều trị. Loại thuốc này quá hiếm và quá đắt trên thị trường. Vừa qua, Bệnh viện FV đã kiến nghị cơ quan chức năng cho phép cơ quan BHYT thanh toán 50% tiền thuốc này cho bệnh nhân BHYT. Đề nghị này đã được chấp thuận và đã tạo điều kiện rất lớn cho bệnh nhân ung thư vượt qua khó khăn. Ngoài ra, hàng loạt bệnh viện khác được đầu tư chuyên sâu để phục vụ bệnh nhân BHYT: Viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học, Trung tâm Chẩn đoán Y khoa, Bệnh viện Đại học Y Dược…

Mở rộng cơ hội chọn lựa

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH VN phối hợp tổ chức chương trình giám sát và nâng chất lượng dịch vụ y tế, cả hệ thống y tế công cũng như y tế tư. Ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Giám định Y tế – BHXH VN, nhận định: Thời gian qua, việc đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chưa được chú trọng đúng mức để theo kịp nhu cầu của người dân. Riêng trong lĩnh vực BHYT vẫn còn quá nhiều bất cập trong KCB, nhất là hệ thống công.

Hiện nay, việc mở rộng cơ chế cho bệnh viện tư tham gia KCB BHYT đã được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành: Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Huế, Thanh Hóa… Sự phát triển hệ thống bệnh viện tư ngày càng mạnh thì cơ hội chọn lựa dịch vụ y tế của người dân nói chung và người tham gia BHYT nói riêng ngày càng rộng mở.

Một số bệnh viện tư nhân ở TPHCM tham gia KCB BHYT

1. Bệnh viện Đại học Y Dược

2. Trung tâm Chẩn đoán Y khoa

3. Bệnh viện Hoàn Mỹ

4. Bệnh viện Mắt Sài Gòn

5. Bệnh viện Sài Gòn Ito

6. Bệnh viện FV

7. Viện Tim Tâm Đức

8. Bệnh viện An Sinh

9. Bệnh viện Đa khoa Vạn Xuân

10. Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh

Phạm Hồ (Người lao động)

Comments are closed.