Khổ vì đi khám bằng bảo hiểm y tế

kho_vi_kham_bhyt.jpgBệnh nhân bảo hiểm y tế đến bao giờ mới được coi như “thượng đế”? Đó là điều không thể không băn khoăn sau lần đến Khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện tỉnh Thanh Hoá.

Bước vào khu khám bệnh, ai cũng hài lòng vì cơ sở vất chất khá khang trang, sạch sẽ, khuôn viên cây cảnh, phòng chờ rộng rãi, thoáng mát. Nhưng từ khi xuất trình giấy chuyển viện, tôi đã bắt đầu nếm trải nỗi khó khăn mà bệnh nhân bảo hiểm y tế phải gánh chịu. 

 

 

Theo hướng dẫn, tôi lên tầng 3. Xem giấy, y tá phòng khám răng hàm mặt bảo tôi xuống tầng 1 làm thủ tục. Tôi đành ôm hàm răng đau buốt đến phòng 101 nhận phiếu đăng kí, rồi trở lại tầng 3.

 

Sau khi, vào sổ, kiểm tra thẻ, quyết định nhổ bỏ răng sâu…, bác sỹ phát cho tôi hai phiếu xét nghiệm rồi dặn đi dặn lại: “Xuống tầng 1 lấy dấu, rồi lên tầng 3 lấy bệnh phẩm; xét nghiệm xong, bác lại xuống phòng 101 (tầng 1) lấy đủ giấy tờ lên đây cháu nhổ răng cho”…

 

Tôi vừa lấy mẫu máu và nước tiểu xong đã có nhân viên đưa đi. Công việc xét nghiệm tiến hành nhanh, chừng gần 30 phút thì có kết quả. Nhưng mấy chục bệnh nhân đều phải vây quanh cái thùng có ghi dòng chữ “Nơi trả kết quả xét nghiệm”. Răng đau, tôi đành ra hiệu nhờ một người khác tìm hộ. Ai cũng phải chen chúc lật đi lật lại tập phiếu dầy cộp đó.

 

Trở về tầng 1, nỗi vất vả của một bệnh nhân bảo hiểm thực sự bắt đầu. Khoảng 30 người bệnh chờ cô nhân viên đối chiếu phiếu xét nghiệm với phiếu đăng kí khám chữa bệnh. Cô tất bật lần giở mấy chục tờ đăng kí để tìm lấy phiếu cần trả… Chờ gần 2 tiếng đồng hồ, lên xuống ba lần, tôi mới có đủ giấy tờ… nhổ một cái răng sâu.

 

Nhổ răng xong, tôi lại quay xuống phòng 101 để bộ phận kế toán tính chi phí khám chữa bệnh. Phải mất 30 phút chờ đợi, lúc ấy đã hơn 10 giờ, tôi mới được cầm tờ giấy đi lấy thuốc. Tưởng thế là xong, nào ngờ tôi còn phải đến thường trú bảo hiểm y tế để xét duyệt. Xét xong thì hết giờ làm việc, tôi đành ra về, buổi chiều lại đến và tiếp tục chờ đợi.

 

Về nhà, tôi mới điều kiện đọc những gì ghi trên hồ sơ khám bệnh. Chi phí cận lâm sàng và thăm dò chức năng, khám chữa bệnh: 68.000 đồng (trong đó tiền xét nghiệm hết 65.000 đồng); tiền thuốc: 110.320 đồng. Tổng chi phí buổi khám chữa bệnh hết 178.320 đồng.

 

Nhớ lại, tôi đã tiếp xúc với hơn 20 thầy thuốc, nhân viên hành chính, kế toán; 14 người để lại chữ kí trên hồ sơ khám bệnh. Tôi thương và thông cảm vì trong một buổi, một nhân viên kế toán đã phải lập biểu, kí duyệt hồ sơ của 600 bệnh nhân. Nhưng tôi buồn vì nỗi vất vả kia không làm giảm phiền hà cho người bệnh.

 

Thầy thuốc không mặn mà với khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng phải thôi. Trong phiếu thanh toán, bảo hiểm chi trả tiền công khám chữa bệnh cho tôi chỉ có 3.000 đồng (ít hơn tiền gửi xe).

 

Nhiều người cho rằng, mua lẻ Fradotic 250mg (30 viên); Paracetamol 500mg (20 viên); Thenvita b (30 viên); Anphapet 10mg (20 viên) ở thị trường tự do sẽ thấp hơn 110.320 đồng. Từ thực tế này, phải chăng ai nắm quyền cho phép cơ sở kinh doanh dược phẩm cung cấp thuốc bảo hiểm y tế sẽ được hưởng nhiều bổng lộc?

 

Thuật lại một lần đi khám chữa bệnh ngoại trú bằng thẻ bảo hiểm y tế, tôi thiết tha mong các cơ quan chức năng ở Thanh Hoá cải tiến lề lối làm việc, quản lí để bệnh nhân bớt vất vả. Hãy giảm đội ngũ hành chính cồng kềnh, giảm các thủ tục không cần thiết, tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho đội ngũ bác sĩ, đầu tư công nghệ thông tin để phục vụ bệnh nhân thuận tiện hơn.

 

Theo Vietnamnet 

Comments are closed.