Ngày 24/9/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức tổng kết Dự án giảm nghèo khu vực miền Trung. Ông Bùi Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội nghị.
Dự án Giảm nghèo khu vực miền trung được thực hiện tại 153 xã của 14 huyện miền núi thuộc 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Kon Tum, với tổng vốn đầu tư là 76 triệu đô – la. Mục tiêu của dự án là nhằm cải thiện một cách ổn định, lâu dài và an toàn lương thực cho các hộ gia đình; tăng thu nhập cho người nghèo thông qua việc tăng năng suất nông nghiệp và tạo cơ hội gia tăng thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp cùng với sự hỗ trợ từ cung cấp tài chính vi mô và phát triển cơ sở hạ tầng để tăng khả năng tiếp cận thị trường và tăng năng suất nông nghiệp cho nhân dân vùng dự án; tăng cường năng lực cho cộng đồng trong việc sử dụng và quản lý các nguồn lực; tăng năng lực cho các cơ quan hỗ trợ của Chính phủ và các đơn vị khác trong việc đáp ứng các sáng kiến từ cấp cơ sở nhằm cải thiện việc cung cấp các dịch vụ ở các xã vùng cao; chuyển giao kiến thức quản lý và thực hiện dự án cho các cán bộ chính quyền địa phương, đặc việt là ở cấp xã thông qua hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và hỗ trợ về tài chính.
Theo Thứ trưởng Bùi Quang Vinh, dự án đã đạt và vượt được hầu hết các mục tiêu ban đầu đề ra, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân vùng dự án theo hướng sinh kế bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đói trong vùng dự án, cụ thể là theo tiêu chí hộ nghèo mới, năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo khu vực dự án tỉnh Quảng Bình là 41,4%, Quảng Trị 34,5%, Thừa Thiên – Huế là 19,3% và Kon Tum là 38,28%. Bên cạnh đó, các hoạt động thuộc hợp phần an ninh lương thực đã giúp tăng lượng calo trong khẩu phần ăn của người nghèo. Các hoạt động thuộc hợp phần tạo thu nhập đã tăng nguồn thu nhập hộ gia đình nhờ phát triển các ngành nghề mới, tăng năng suất lao động. Cộng đồng dân cư vùng dự án đã tích cực và chủ động hơn trong tham gia các hoạt động về phát triển cộng đồng.
Đại diện ADB đánh giá cao tính bền vững của dự án, mà trước hết là nhờ cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương đã hướng đến đối tượng thụ hưởng là người dân và chính nhân dân là người tổ chức thực hiện. So với các dự án khác, nhận thức về giới, dân tộc ít người và xã hội đã được nâng lên. Kiến thức mọi mặt về xã hội, kỹ thuật canh tác, thị trường, cho đến tập quán về vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em… đều đã được thay đổi theo hướng tích cực. Tính bền vững còn được thể hiện ở cơ sở hạ tầng được xây dựng kiên cố, cụ thể là hầu hết các hộ gia đình trong thôn, xã đã có vườn rau gia đình; các hộ vay tín dụng hoàn trả vốn với tỷ lệ cao; nhiều mô hình có khả năng nhân rộng, đặc biệt là mô hình nuôi cá, dê, bò, heo, trồng tre lấy măng, trồng cà phê… Bên cạnh đó, thông qua việc tổ chức các khoá tập huấn về lập kế hoạch và quản lý hành chính đã giúp cho 153 xã xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương và đã được UBND huyện chấp nhận.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Comments are closed.