Kênh phân phối Bancassurance tại Việt Nam thực trạng và giải pháp

Sự phát triển của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sự phát triển của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, đã làm xuất hiện các kênh phân phối mới bên cạnh các kênh phân phối truyền thống. Trong đó, phân phối qua mạng lưới kết hợp ngân hàng (Bancassurance) nổi lên như một kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm đặc biệt hiệu quả.
Bancassurance là một thuật ngữ tiếng Pháp, được dùng để chỉ việc bán các sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng. Một cách tổng quát có thể hiểu

Bancassurance là việc Ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm liên kết, cùng nhau phát triển thông qua việc bán các sản phẩm của họ cho cùng một cơ sở khách hàng.
Thực tế cho thấy, Bancassurance ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng trên thế giới, thậm chí ở nhiều nơi nó đã trở thành một trong những kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm chính, chẳng hạn ở Tây Ban Nha tỷ lệ doanh thu phí BH khai thác qua Ngân hàng trên tổng doanh thu chiếm 72%, ở Italia con số này là 70%, ở Pháp là 60%… Sự phát triển mạnh mẽ của kênh Bancassurance được lý giải bởi chính những ưu điểm vượt trội mà kênh phân phối này mang lại. Bancassurance ra đời mang lại lợi ích cho cả ba bên bao gồm: khách hàng, ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Với công ty bảo hiểm, khi sử dụng kênh phân phối này sẽ giúp công ty không những tiếp cận được với nguồn khách hàng mới mà còn giảm bớt các chi phí phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, khi bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm giảm thiểu những rủi ro phát sinh từ việc giao dịch bằng tiền mặt, giải quyết tốt bài toán thu phí, thanh toán quyền lợi bảo hiểm bằng tiền mặt…
Với các ngân hàng, Bancassurance giúp ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh bằng việc đa dạng hóa các dịch vụ cho khách hàng lựa chọn, thu hút thêm khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Hơn nữa, các ngân hàng có thể quảng bá rộng rãi hình ảnh cùng với các công ty bảo hiểm, từ đó góp phần làm gia tăng giá trị thương hiệu của ngân hàng. Ngoài ra, Bancassurance còn giúp ngân hàng tăng nguồn vốn huy động từ phí bảo hiểm, hạn chế rủi ro không thu được nợ, tăng thu nhập thông qua việc nhận hoa hồng từ bán bảo hiểm, cho thuê mặt bằng giao dịch,…
Bên cạnh đó, kênh phân phối Bancassurance còn mang lại lợi ích cho chính khách hàng tham gia. Khách hàng có thể sử dụng một gói các sản phẩm tài chính (các sản phẩm ngân hàng, bảo hiểm,…) nhờ đó giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí, thời gian, cũng như các thủ tục phải thực hiện và tăng được tiện ích của gói sản phẩm: nộp phí, nhận bồi thường đơn giản, nhanh chóng, sử dụng kết hợp với nhiều dịch vụ khác của ngân hàng,…
Nhìn chung, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kênh phân phối này như: thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều tiềm năng, hệ thống ngân hàng có mạng lưới phủ kín cả nước… Dẫu vậy, hoạt động phân phối bảo hiểm sử dụng Bancassurance chỉ mới xuất hiện ở nước ta trong thời gian gần đây.
Thực tế cho thấy, từ năm 2000 trở về trước các công ty bảo hiểm và các ngân hàng chưa có liên kết hoạt động Bancassurance. Chủ yếu chỉ dừng lại ở các công ty bảo hiểm mở tài khoản tại ngân hàng, vay vốn, gửi tiền tại các ngân hàng các khoản vốn nhàn rỗi. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2001 tình hình của hoạt động này đã có sự khác biệt đáng kể. Các công ty bảo hiểm đã nhận ra việc phân phối sản phẩm qua ngân hàng là một hướng mới đầy triển vọng phát triển. Thế nhưng mãi đến năm 2005, ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm mới tung ra các sản phẩm liên kết hoặc ký các hợp đồng hợp tác ở mức đơn giản.
Đến nay, sau 10 năm triển khai, hoạt động Bancassurance ở Việt Nam đã có những kết quả bước đầu, từng bước bắt nhịp với trình độ phát triển của thế giới. Một số mô hình Bancassurance đã được xây dựng và nhân rộng như: mô hình ngân hàng ký các thỏa thuận phân phối sản phẩm với các DNBH, mô hình tập đoàn dịch vụ tài chính hay ngân hàng đầu tư góp vốn thành lập DNBH mới để cùng kinh doanh… Hiện nay, trên thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có một số doanh nghiệp triển khai khá thành công kênh phân phối này, tiêu biểu như:
Liên kết Bảo Việt nhân thọ-Techcombank: là một trong các liên kết ngân hàng và bảo hiểm ở Việt Nam cho ra đời các sản phẩm Bancassurance đầu tiên. Vào ngày 01/08/2006 hai bên đã ký kết hợp tác cho ra đời hai sản phẩm là “Tài khoản tiết kiệm giáo dục” và “ Tín dụng cho nhà mới và ô tô xịn”. Ngày 20/11/2007 Bảo Việt và Techcombank tiếp tục triển khai 2 sản phẩm mới là sự kết hợp “An tâm tiêu dùng” của Bảo Việt và “Cho vay tiêu dùng trả góp” và “Cho vay trả góp mua hàng” của Techcombank. Việc chính thức ra mắt các sản phẩm Bancassurance mới này đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động Bancassurance giữa Techcombank và Bảo Việt Nhân thọ.
Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC): Là thành viên của một trong những ngân hàng quốc doanh lớn nhất cả nước, BIC có nhiều lợi thế để phát triển Bancassurance. Năm 2010, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh phân phối Bancassurance đạt 62 tỷ đồng, tăng trưởng 66 % so với năm 2009. Trong đó, doanh thu qua BIDV chiếm tỷ trọng lớn nhất. Bên cạnh hệ thống BIDV, BIC cũng đã liên kết với nhiều ngân hàng TMCP khác như Seabank, Bắc Á, Phương Đông…Tính đến hết năm 2010, BIC đã đặt quan hệ hợp tác với 22 ngân hàng/chi nhánh ngân hàng ngoài BIDV, tiếp tục dẫn đầu thị trường về mạng lưới ngân hàng liên kết.
Một doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng đã thu được những thành công bước đầu trong lĩnh vực này là Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC): Tỷ trọng doanh thu Bancassurance tại ABIC chiếm 27,5% năm 2008; 49% năm 2009; 56,6% năm 2010 và năm 2011 dự kiến 65% – tương đương với các công ty bảo hiểm ở những nước có Bancassurance phát triển. Hiện tại, ABIC triển khai Bancassurance tại hơn 100 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp cấp I trên toàn quốc với doanh thu năm 2008 là 50,9 tỷ đồng, năm 2009 tăng 277% với năm 2008 và năm 2010 tăng 427% so với năm 2008.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ phí bảo hiểm khai thác qua kênh phân phối Bancassurance toàn thị trường Việt Nam chưa tới 5%. Trong khi đó ở các nước trên thế giới, thậm chí tại một số nước mới triển khai hoạt động Bancassurance chưa lâu, Bancassurance cũng đã chiếm tỷ lệ trên dưới 50% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Ngay tại thị trường châu Á, thị phần Bacassurance đang tăng trưởng nhanh và chiếm một vai trò quan trọng trong thị trường bảo hiểm. Có thể kể đến một số nước có doanh thu phí bảo hiểm từ Bancassurance chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh thu phí bảo hiểm như Malaysia 49% , Hong Kong 40%…
Sở dĩ hoạt động Bancassurance chưa thực sự khởi sắc tại thị trường Việt Nam là do còn có những hạn chế, trở ngại trong việc triển khai kênh phân phối này, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Bancassurance đòi hỏi phải được thiết lập dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, nhưng có thể nói đây là điểm yếu của các ngân hàng và công ty bảo hiểm tại Việt Nam (ngoại trừ các ngân hàng và công ty bảo hiểm có yếu tố vốn nước ngoài). Khó khăn này không thể khắc phục trong một sớm một chiều mà cần phải mất một thời gian khá dài và tốn kém khá nhiều chi phí.
Thứ hai, Bancassurance sẽ gắn liền thương hiệu của ngân hàng với thương hiệu của các công ty bảo hiểm. Do đó, nếu xảy ra những trường hợp như: Công ty bảo hiểm làm ăn kém hiệu quả, gian dối, đội ngũ nhân viên của các công ty bảo hiểm không chuyên nghiệp, giao tiếp với khách hàng vụng về,… sẽ ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của khách hàng và sự tín nhiệm của khách hàng đối với thương hiệu của ngân hàng. Điều này có thể gây tâm lý e dè của một số ngân hàng trước khi hợp tác với các công ty bảo hiểm.
Thứ ba, do trình độ của nhân viên ngân hàng còn chưa đáp ứng được yêu cầu khi triển khai kênh phân phối này. Nhân viên ngân hàng không được đào tạo đầy đủ về nghiệp vụ bảo hiểm nên rất khó khăn trong việc tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm và nếu tư vấn không đúng đắn thì rất dễ khiến cho khách hàng hiểu nhầm về lợi ích của sản phẩm cũng như ngộ nhận về quyền lợi bảo hiểm từ đó kéo theo các hệ quả như tranh chấp, kiện tụng gây mất uy tín cho cả ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Thứ tư, chưa có nhiều các sản phẩm chuyên biệt, đặc thù dành cho kênh phân phối Bancassurance. Hiện nay, trên 90% doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của thị trường Việt Nam là từ các sản phẩm tiết kiệm, do vậy tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp đối với tiết kiệm ngân hàng. Đấy cũng là một trong những lý do khiến ngân hàng không mấy mặn mà trong việc bán sản phẩm bảo hiểm.
Qua những lợi ích mà Bancassurance mang lại, rõ ràng cần phải có những biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế, phát huy những mặt mạnh để công tác khai thác các sản phẩm bảo hiểm qua kênh phân phối này ngày một khởi sắc và phát triển hơn.
Cụ thể, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, nâng cao trình độ về công nghệ thông tin của ngân hàng và công ty bảo hiểm, trình độ này phải đạt đến mức độ nhất định đảm bảo liên thông dữ liệu về cơ sở khách hàng, về cơ chế thu chi hộ, thanh toán định kỳ … đặc biệt là phần mềm quản lý tập trung để hai bên có thể giám sát được kết quả hợp tác một cách thường xuyên.
Hai là, các công ty bảo hiểm cần chú trọng tới việc quảng bá hình ảnh của mình rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ bảo hiểm trên thị trường qua khả năng bồi thường tổn thất, mức độ chi trả hợp đồng dịch vụ bảo hiểm, chính sách chăm sóc khách hàng…. Điều này sẽ tạo lòng tin cho khách hàng và cho chính các ngân hàng.
Ba là, tổ chức các khóa đào tạo về Bancassurance cho cán bộ của ngân hàng trong cả nước nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc hợp tác phân phối sản phẩm. Các khóa học sẽ cung cấp cho học viên những kiến thức tổng quan và cơ bản nhất về bảo hiểm và các sản phẩm sẽ triển khai qua kênh Bancassurance. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo phần kỹ năng bán hàng giành cho các nhân viên ngân hàng như: kỹ năng tư vấn, giới thiệu và thuyết phục khách hàng…
Bốn là, công ty bảo hiểm cần kết hợp với ngân hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi và mở rộng chương trình hậu mãi cho khách hàng: Vay tiền ở ngân hàng thông qua hợp đồng bảo hiểm, ưu đãi trong sử dụng thẻ ATM,….
Năm là, chú trọng đến việc thiết kế các sản phẩm bảo hiểm đặc thù, chuyên biệt dành cho kênh phân phối Bancassurance. Việc thiết kế sản phẩm bảo hiểm cần phải đơn giản dễ hiểu đối với nhân viên ngân hàng và quan trọng hơn là với chính các khách hàng tham gia. Vì sản phẩm càng dễ hiểu bao nhiêu thì khách hàng càng hiểu một cách sâu sắc về sản phẩm bảo hiểm và sẽ càng tin tưởng vào sản phẩm đó bấy nhiêu.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm Banccassurance đã và đang phát triển mạnh tại các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, ở nước ta Bancassurance vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ nên những tồn tại trong việc xây dựng mô hình là điều khó có thể tránh khỏi.
Trong thời gian tới, để có thể nâng cao hiệu quả hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ phía các cơ quan nhà nước hữu quan, các ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Cùng với sự nỗ lực của các bên, hy vọng kênh phân phối Bancassurance tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong tương lai không xa./.
6-2011
Kim Cúc

Gửi bình luận

Comments are closed.