ILO kêu gọi G20 tăng cường tập trung vào việc làm

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhấn mạnh về “một thị trường lao động mong manh” do thất nghiệp cao trong thời gian dài, tăng trưởng việc làm thấp và tiền lương giảm là những quan ngại mà ILO) nêu lên tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Seoul để kêu gọi chú trọng vào “việc làm có năng suất và các chính sách tăng trưởng tạo nhiều việc làm”. Tổng giám đốc của ILO, ngài Juan Somavia, đã tham dự hội nghị.

Trong báo cáo thống kê cập nhật chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 11-12 tháng 11 với những liệu được gộp thành ba nhóm: Châu Âu bao gồm Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, và Vương quốc Anh. Các nền kinh tế có thu nhập cao (trừ châu Âu) bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Các nền kinh tế đang nổi lên bao gồm Argentina, Brazil, Indonesia, Mexico, Nga, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ,  ILO cho biết, so với năm 2009, vào năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng tại 10 quốc gia của G20 nhưng lại giảm tại 8 quốc gia khác của nhóm. Thống kê cũng cho thấy, trong năm 2010, tỷ lệ việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm ở hầu hết các nền kinh tế đang nổi lên.
Mặc dù báo cáo cho thấy việc làm tăng trưởng dương tại tất cả các nước trong năm 2010 – các nền kinh tế đang nổi lên có mức tăng cao hơn so với các nền kinh tế có thu nhập cao, tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng việc làm này không đủ mạnh để đảo ngược sự trì trệ của thị trường lao động do ảnh hưởng tích tụ từ cuộc khủng hoảng kinh tế.
Đồng thời, phân tích của ILO cho thấy số người thất nghiệp dao động ở mức cao nhất từ trước đến nay là 210 triệu, nhiều hơn khoảng 30 triệu so với trước khủng hoảng năm 2007, trong khi tiền lương thực tế đã giảm trung bình 4% so với trước khủng hoảng.
Hiện nay, sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và tăng trưởng lương thấp hoặc không tăng của đa số lao động làm công ăn lương dẫn đến sự thâm hụt trong tổng cầu và mất cân bằng tài khoản vãng lai.
Phân tích của ILO cho thấy các nước G20 cần phải tạo ra khoảng 21 triệu việc làm mỗi năm trong thập kỷ tới – khoảng một nửa nhu cầu trên tổng số 44 triệu việc làm của toàn cầu – chỉ để theo kịp với sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động.
Ông Rafael Diez de Medina, Giám đốc Vụ Thống kê của ILO, cho biết “Thất nghiệp không phải là vấn đề duy nhất”. Ông lưu ý rằng ILO nhận thấy giờ làm việc và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đang giảm tại các nền kinh tế có thu nhập cao, trong khi đó số lượng lao động thoái chí lại gia tăng đáng kể.
Cũng theo ông Rafael Diez de Medina, “Điều này rất đáng lo ngại vì con số này không được tính vào số liệu thất nghiệp nhưng lại có ảnh hưởng rõ rệt đến sự gắn kết về xã hội. Tình trạng thiếu việc làm theo thời gian đã ổn định trong năm 2010, nhưng vẫn còn duy trì ở mức cao tại một số quốc gia của G20”.
Các điểm quan trọng khác trong báo cáo ILO là:
·                     Theo số liệu thu thập trong sáu tháng đầu năm 2010 tại 18 nước, có 70 triệu người đăng ký chính thức là thất nghiệp (15,5 triệu tại châu Âu, 22 triệu tại các nền kinh tế có thu nhập cao khác và 32,5 triệu ở các nền kinh tế đang nổi lên).
·                     Tỷ lệ thiếu việc làm tại các nước G20 dao động trong khoảng từ 5 đến 25% với mức trung bình là 7,8%. Vào giữa năm 2010, tại các nước có thu nhập cao (trừ châu Âu) tỷ lệ thiếu việc làm cao hơn 70% so với mức trước khủng hoảng và tại châu Âu tỷ lệ này cao hơn 30%.
·                     Tại tất cả các quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của nam giới gia tăng so với nữ giới.
·                     Trung bình tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao gấp đôi so với tỷ lệ thất nghiệp chung, đứng ở mức 19% tại các nước G20.
·                     Cuộc khủng hoảng làm gia tăng nhanh sự thay đổi cơ cấu của các nền kinh tế, việc làm trong ngành công nghiệp chế biến của tất cả các nền kinh tế thuộc nhóm G20 giảm mạnh (trong khoảng 1,5 đến 3 điểm phần trăm trên tổng số việc làm). Việc làm trong khu vực xây dựng cũng giảm ở hầu hết các nước.
·                     Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới giảm ở tất cả các vùng trong khi tỷ lệ này của lao động nữ lại gia tăng ở châu Âu và các nền kinh tế mới nổi.  
Kế thừa những đóng góp trước đó của ILO tại các hội nghị thượng đỉnh G20, báo cáo của ILO kêu gọi một cách tiếp cận theo định hướng thu nhập dựa trên việc làm có năng suất và những chính sách tăng trưởng tạo nhiều việc làm bao gồm tăng cường đầu tư và tiếp cận tín dụng, quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệm nhỏ và từng bước mở rộng bảo trợ xã hội cơ bản tại các quốc gia, tiền lương thực tế tăng tương ứng với tăng năng suất lao động và cải thiện bảo trợ cho những người có thu nhập thấp thông qua lương tối thiểu. Báo cáo cũng cho thấy, cần có thời gian dài để các chính sách này có thể góp phần thu hẹp mất cân bằng toàn cầu tại các quốc gia./.
Thảo Lan

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

www.molisa.gov.vn

Comments are closed.