Huy động vàng không phụ thuộc vào bảo hiểm

altTheo vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc cho phép giao dịch vàng tài khoản, phát hành các chứng chỉ vàng… cũng đã là một cách bảo hiểm.

Theo dự thảo luật Luật Bảo hiểm tiền gửi, vàng bạc, đá quý và ngoại tệ sẽ không được bảo hiểm. Do vậy, có ý kiến cho rằng, nếu không được bảo hiểm, sẽ khó huy động nguồn vốn này trong dân.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, việc các ngân hàng thương mại huy động vàng và ngoại tệ trong dân không phụ thuộc vào việc vàng, ngoại tệ có được bảo hiểm hay không.

Theo ông, việc quản lý, huy động vàng, bảo vệ quyền sở hữu vàng của người dân đã được thể hiện ở Dự thảo Nghị định Quản lý vàng và Dự thảo Đề án Huy động vàng trong dân. Trong đó, việc mở thêm các kênh giao dịch vàng khác, như vàng tài khoản, phát hành các chứng chỉ vàng… cũng là một cách bảo hiểm.

Song, ông Kiên cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có những hành động quyết liệt hơn như tăng cường công tác kiểm tra giám sát và đặc biệt là phân công người chịu trách nhiệm cụ thể từng lĩnh vực, từng khu vực. Làm được như vậy, đề án Huy động vàng trong dân sẽ thành công, đảm bảo quyền lợi cho cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, ông Kiên nói.

Về ngoại tệ, thời gian qua, việc người dân ngại gửi vào ngân hàng là do NHNN đã không chỉ đạo tốt hệ thống ngân hàng trong việc chuyển đổi từ ngoại tệ sang tiền đồng và ngược lại, ông Kiên nhận xét.

“Người dân có toàn quyết quyết định với đồng vốn của mình, song Chính phủ phải định hướng cho người dân để họ sử dụng số vốn đó thế nào để có lợi nhất cho bản thân cũng như cho nền kinh tế quốc gia”, ông kết luận.

(Theo Báo đầu tư).

Comments are closed.