Hưởng bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động “bị động”

 Anh Hoàng Ngọc Tùng, công nhân Công ty in đường sắt Hà Nội đến làm thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp BHTN.(VnMedia) –  Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những thủ tục bắt buộc để đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Nó lại không thuộc quyền chủ động của người lao động (NLĐ) mà tuỳ thuộc vào doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Điều này khiến NLĐ không thể chủ động trong việc tiến hành các thủ tục nhận trợ cấp…

Người lao động “bị động”

Ngày 7/1/2010, trao đổi với VnMedia, bà Nguyễn Thị Kim Loan, trưởng phòng BHTN, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, những hồ sơ mà Trung tâm tiếp nhận đăng ký hầu hết đều chưa có sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), một điều kiện bắt buộc để có thể thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều người lao động (NLĐ) cho biết, lo lắng vì công ty họ làm trước khi nghỉ việc hẹn đến lấy sổ BHXH sau, nhưng chưa biết bao giờ mới có.

Theo quy định của pháp luật là trong vòng 7 ngày kể từ ngày mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động, NLĐ phải đi đăng ký thất nghiệp. Trong vòng 15 ngày sau đó, NLĐ phải nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng cộng thì NLĐ có 22 ngày để hoàn tất hồ sơ. Nếu không đăng ký kịp, NLĐ sẽ bị coi như là từ chối hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Mai, Công ty TNHH chuyên kinh doanh máy tính bức xúc: “Tôi nhận được quyết định thôi việc từ ngày 31/12/2009 và Công ty hẹn một tháng mới trả sổ BHXH. Đến lúc đó đã hết hạn giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, bây giờ chẳng biết thế nào?”.

Tương tự, chị Huyền làm việc cho một tổ chức phi Chính phủ từ tháng 9/2009, và chấm dứt hợp đồng lao động với tổ chức này ngày  31/12/.201. “Họ hữa sẽ trả sổ BHXH cho tôi sớm, nhưng việc làm thủ tục BHXH của bên đó phải thông qua Cục phục vụ ngoại giao đoàn nên thời gian hoàn tất chắc cũng mất thời gian”,  chị Huyền lo lắng.
Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm Hà Nội cho biết, do thị trường lao động Hà Nội ổn định hơn, không giống như thi trường  lao động của thành phố Hồ Chí Minh nên số lượng NLĐ đến đăng ký hưởng trợ cấp BHTN chưa nhiều. Vấn đề cốt lõi để người lao động được hưởng trợ cấp BHTN đó là phải nộp sổ BHXH. Việc chốt sổ BHXH thì bên BHXH khẳng định là làm ngay, nhưng theo phán ảnh của người lao động thì vẫn còn chậm trễ, cần phải rà soát lại.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Mai, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan BHXH đang nỗ lực giải quyết nhanh việc chốt sổ BHXH để NLĐ hoàn tất hồ sơ xin trợ cấp đúng thời hạn, đồng thời hỗ trợ tối đa cho Sở LĐTB-XH trong việc cung cấp thông tin về quá trình đóng BHTN để sở chủ động việc tính toán và ra quyết định hưởng trợ cấp.

Ngoài ra, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để khi NLĐ có quyết định giải quyết trợ cấp thì cũng có thể đến cơ quan BHXH quận, huyện – nơi đăng ký nhận BHTN nhanh chóng. Cùng với đó, chúng tôi cũng đề nghị các đơn vị sử dụng lao động, ngay sau khi ra quyết định thôi việc, quyết định chấm dứt hợp đồng với NLĐ thì phải cung cấp thông tin và hồ sơ kịp thời cho cơ quan BHXH để việc chốt sổ cho NLĐ được thuận lợi, không bị chậm trễ.

Hà Nội: Người đến đăng ký hưởng BHTN quá ít

Tình đến thời điểm này, tại thành phố Hồ chí Minh đã có hơn một nghìn người đến đăng ký hưởng BHTN, tuy nhiên tại Hà Nội, số lượng người lao động đến đăng ký chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, trưởng phòng BHTN, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (số 285 phố Trung Kính, Yên Hoà, Cầu Giấy) cho biết, tính đến trưa ngày 7/1 chỉ có gần 20 người đến đăng ký trợ cấp BHTN.
 
Hầu hết tất cả các trường hợp đến Trung tâm là những người nhận được giấy chấm dứt Hợp đồng lao động. Họ đến tư vấn và đăng ký thủ tục trợ cấp BHTN. Duy nhất chỉ có một trường hợp là anh Hoàng Ngọc Tùng, công nhân Công ty in đường sắt Hà Nội có đầy đủ hồ sơ khi đăng  ký trợ cấp BHTN.
 
Ngoài ra, còn có cán bộ nhân sự của 2 doanh nghiệp tới tư vấn để chốt sổ bảo hiểm và hoàn tất thủ tục cho công nhân hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lý do, sắp tới 2 doanh nghiệp này sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với một số lượng công, bà Loan cho biết thêm.
 
Ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này tạ chưa có người lao động nào đến đăng ký trợ cấp BHTN. 

Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp lợi hơn trợ cấp thôi việc

Theo quy định thì mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được tính như sau: người lao động đóng BHTN bằng 1% tiền lương, tiền công tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng và Nhà nước sẽ hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên. So với trợ cấp thôi việc, mất việc trước đây, BHTN có lợi hơn rất nhiều, nhất là đối với người lao động và doanh nghiệp.

Ví dụ như với mức lương trung bình là 2 triệu đồng, hằng tháng một lao động chỉ phải trích nộp BHTN là 20.000 đồng. Đóng đủ 12 tháng trở lên trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động sẽ được hưởng 60% mức lương bình quân trong 3 tháng. Nếu trừ 240.000 đồng (tổng số phải đóng trong 12 tháng) thì họ vẫn nhận về hơn 3,3 triệu đồng. Ngoài ra, nếu lao động có thời gian đóng BHTN dài hơn, tiền trợ cấp BHTN được hưởng sẽ lớn hơn. Trong khi đó, theo chế độ trợ cấp mất việc thì NLĐ chỉ được hưởng mỗi năm làm việc là một nửa tháng lương và không được hưởng bất cứ chế độ gì khác.

Người lao động tham gia BHTN không chỉ được đảm bảo trợ cấp bằng tiền để trang trải cho cuộc sống của mình mà còn được hưởng BHYT. Khoản chi phí này cũng rất lớn nếu không may người lao động thất nghiệp bị ốm đau thì mọi chi phí khám chữa bệnh sẽ được bảo hiểm y tế chi trả, ngoài ra còn được hỗ trợ tìm việc và đào tạo nghề. Do đó, nếu xét về phương diện kinh tế thì chế độ trợ cấp thất nghiệp có lợi hơn chế độ trợ cấp thôi việc.

Kim Thảo

Comments are closed.