Hợp tác thúc đẩy cơ chế bảo hiểm thảm họa thiên tai

rui_ro_thien_tai_resize.jpgNhật Bản và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa cam kết thúc đẩy các chương trình phát triển các cơ chế bảo hiểm và tái bảo hiểm các rủi ro do thảm họa thiên tai trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.

 

 

Sự cam kết này xuất phát từ kết luận của một hội nghị với sự tham gia của hơn 250 đại biểu từ các nước thành viên của ADB, các quan chức của Bộ Tài chính Nhật Bản, của Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ khác, các nhà khoa học và nhiều đại diện các tập đoàn bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu, cũng như các nhà môi giới tài chính khác.

 

Một hội thảo tập trung vào bảo hiểm thảm họa cho các siêu đô thị Châu Á đã được tổ chức. Hội thảo thứ hai, do Ngân hàng Thế giới đồng tài trợ, đề xuất thảo luận việc phát triển các cơ chế chuyển giao rủi ro thảm họa đối với khu vực đảo Thái Bình Dương. Hàng năm, thiên tai đã gây thiệt hại to lớn cho các nền kinh tế và thiệt hại về người thuộc các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc phát triển hiện nay của các thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm và rủi ro tài chính, kết hợp với sự nhấn mạnh mới vào giảm thiểu rủi ro trong cộng đồng hỗ trợ thiên tai, đã tạo ra những công cụ mới có khả năng trợ giúp quản lý rủi ro thiên tai trong khu vực.

 

Các đại biểu đã thảo luận các phát triển mới giữa nhu cầu hành động nhanh chóng với tình trạng nóng lên toàn cầu và cân nhắc sự ghi nhận của cộng đồng phát triển về tầm quan trọng của chủ động quản lý rủi ro thiên tai. ADB lưu ý rằng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hiện tại đang đối mặt với những thách thức của việc chuyển đổi sang quản lý hạn chế rủi ro. Là một ngân hàng phát triển, ADB đã áp dụng Chính sách Hỗ trợ Thiên tai và Tình trạng khẩn cấp, một chính sách nhấn mạnh những ưu điểm của việc hợp tác với các đối tác là các công ty tư nhân, bao gồm cả các chuyên gia của ngành bảo hiểm như Munich Re và Tập đoàn Bảo hiểm Mitsui Sumitomo. Các đại biểu cũng xem xét nhiều sự lựa chọn trong việc thiết lập các quỹ chuyển giao rủi ro thảm họa đối với các quốc đảo Thái Bình Dương và các siêu đô thị của Châu Á.

 

ADB có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các chính phủ tạo môi trường cho thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm lớn mạnh, cũng như hợp tác với khu vực tư nhân để xây dựng các quỹ bảo hiểm các thảm họa thiên nhiên. Phó Chủ tịch phụ trách Quản lý Tri thức và Phát triển Bền vững của ADB, Ursula Schaefer-Preuss cho rằng các nước thành viên của ADB với các quan hệ đối tác với các thể chế phù hợp và các tổ chức xã hội dân sự xuyên quốc gia, sẽ phải cam kết tiến hành các công việc cần thiết để “giảm thiểu những rủi ro và chuẩn bị một cách thích hợp đối với thiên tai mà tất cả chúng ta đều biết rõ là sẽ xảy đến”.

 

Ngân hàng ADB, trụ sở chính đóng tại Manila, Philipin, hoạt động với sứ mệnh giảm đói nghèo ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế toàn diện, tăng trưởng bền vững về môi trường và hội nhập khu vực. Được thành lập năm 1966, hiện nay ADB có 67 nước thành viên, trong đó gồm 48 nước thành viên trong khu vực. Năm 2007, ADB đã phê duyệt 10,1 tỷ USD cho các khoản vay, 673 triệu USD cho các dự án viện trợ không hoàn lại và 243 triệu USD cho các khoản hỗ trợ kỹ thuật.

 

PV(Từ Manila)

 

Theo Báo Điện Tử Thế Giới và Việt Nam

Comments are closed.