(baodautu.vn) Theo Văn phòng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 28/2/2011, có tổng cộng 305 đơn vị (chủ yếu là các doanh nghiệp trên địa bàn) nợ BHXH bắt buộc từ 3 tháng trở lên, với số tiền nợ gần 35 tỷ đồng.Trong danh sách này, có 41 doanh nghiệp (DN) có số tiền nợ trên 100 triệu đồng, trong đó, có 8 DN nợ trên 1 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lưu Quang Hùng, Chánh văn phòng BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong danh sách DN nợ đọng BHXH, có một số làm ăn rất khấm khá, như Công ty cổ phần Viglacera Bỉm Sơn, nhưng vẫn cố tình trây ỳ không đóng BHXH.
Như vậy, mục đích của việc nợ đọng BHXH ở đây là gì?
Có thể lý giải rằng, đây là một cách chiếm dụng vốn hợp lý và dễ nhất mà các DN trên đang tận dụng triệt để. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, nếu các DN trên đi vay 35 tỷ đồng từ ngân hàng, ngoài những thủ tục bắt buộc, với lãi suất bình quân 18%/năm, thì mỗi năm, các DN phải bỏ ra một khoản gần 6,3 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH ban hành ngày 29/6/2006, đối với việc vi phạm Luật BHXH, thì DN vi phạm mỗi lần chỉ bị phạt tối đa không quá 30 triệu đồng (đối với mỗi cấp được ra quyết định xử phạt). Khoản phạt này chưa đủ lớn để mang tính răn đe.
Để chấn chỉnh tình hình, từ tháng 11/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thành lập hai đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra tình trạng nợ đọng BHXH bắt buộc (do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì).
Ông Mai Xuân Khôi, Phó chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong quá trình thanh tra, hai đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Một mặt, công việc này mang tính chất kiêm nhiệm, ngoài việc thực hiện công việc chuyên môn, các thành viên trong đoàn thanh tra được bổ sung, điều động công việc theo chức năng. Do đó, việc phối hợp để có đủ thành phần tiến hành kiểm tra không phải lúc nào cũng thuận.
Mặt khác, các đối tượng bị thanh tra lại thiếu tinh thần hợp tác cũng gây không ít khó khăn trong việc xử lý vi phạm. Cũng theo ông Khôi, tính từ tháng 12/2010 tới nay, đoàn thanh tra mới kiểm tra được 8 DN nợ BHXH trên 1 tỷ đồng và ra quyết định xử phạt hành chính 7 DN, với số tiền hơn 125 triệu đồng.
Rõ ràng, hiện tượng chiếm dụng vốn thông qua nguồn BHXH bắt buộc đang diễn ra khá phổ biến tại Thanh Hóa. Song những biện pháp và chế tài hiện tại của các ngành, cơ quan chức năng là chưa đủ mạnh. Xét cho cùng, ở đây, người lao động vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất về quyền lợi chính đáng của mình.
8 DN nợ bảo hiểm trên 1 tỷ đồng Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Long Vinashin (nợ 21 tháng, hơn 1,6 tỷ đồng); Công ty cổ phần Khai khoáng – Luyện kim Thanh Hà (nợ 28,5 tháng, hơn 1,5 tỷ đồng); Công ty cổ phần Viglacera Bỉm Sơn (nợ 16,2 tháng, 2,875 tỷ đồng); Công ty cổ phần Licogi 15 (nợ 24,2 tháng, hơn 3 tỷ đồng); Công ty cổ phần Xây dựng K2 (nợ 11,26 tháng, gần 3 tỷ đồng); Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Thanh Hóa (nợ 13 tháng, gần 1,5 tỷ đồng); Công ty Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa (nợ 28,5 tháng, hơn 3,8 tỷ đồng) Công ty TNHH 1 thành viên Xây dựng công trình giao thông 892 (nợ 23 tháng, hơn 1,6 tỷ đồng).
|
Sĩ Chức
Báo Đầu tư
Comments are closed.