Hơn 141 nghìn tỷ đồng từ bảo hiểm được đầu tư trở lại nền kinh tế

6 tháng đầu năm, bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, với tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng ước đạt 30.536 tỷ đồng, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DN bảo hiểm ước đạt 141.532 tỷ đồng.

Cục trưởng Cục QLBH Phùng Ngọc Khánh phát biểu tại Hội nghị.

Đây là số liệu được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, ngày 15/7/2015 tại Hà Nội.

Tăng trưởng doanh thu hơn 19%

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng, Cục quản lý giám sát bảo hiểm (QLBH) Bộ Tài chính Doãn Thanh Tuấn cho biết, trong bối cảnh kinh tế – xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức tuy nhiên thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, đảm bảo an toàn tài chính và tiếp tục phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Theo đó, 6 tháng đầu năm tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 30.536 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ. Tổng tài sản toàn thị trường ước đạt 175.139 tỷ đồng, tăng 11,67 % so với cùng kỳ; tổng số tiền đầu tư ước đạt 141.532 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ; tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 104.907 tỷ đồng (tăng 22,5 % so với cùng kỳ)…

Về đóng góp kinh tế – xã hội, Phó Cục trưởng Doãn Thanh Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới gần 10 triệu tỷ đồng (vào khoảng 500 tỷ USD).

Đặc biệt, các DNBH cũng đã thực hiện bồi thường, bù đắp thiệt hại tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp, cư dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống với tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước đạt 11.434 tỷ đồng; trên 6 triệu người được bảo hiểm nhân thọ, trên 4 triệu người và 12 triệu học sinh được bảo vệ về tai nạn, sức khỏe; trên 940 triệu lượt hành khách (đường bộ, đường sắt, đường không) được bảo vệ; tạo lập công ăn việc làm cho trên 400.000 lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo cơ bản về tài chính, bảo hiểm.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, công tác quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm được Cục đặc biệt quan tâm. Theo đó, Cục đã đôn đốc các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) bồi thường, tạm ứng bảo hiểm cho các DN bị thiệt hại, đến nay đã bồi thường 666 tỷ đồng cho 406 DN có thiệt hại liên quan đến sự kiện Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh. Đồng thời, theo dõi, cập nhật thông tin và tham gia ngay đoàn công tác đến hiện trường vụ tai nạn sập giàn giáo đặc biệt nghiêm trọng tại công trường cảng nước Sơn Dương thuộc Khu kinh tế Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh, đôn đốc DNBH tạm ứng số tiền bồi thường bảo hiểm trên 395 triệu đồng cho các công nhân tử nạn và bị thương.

Tăng cường quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm

Trong 6 tháng đầu năm, công tác quản lý, giám sát của Cục đã được tăng cường; số lượng doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra nhiều hơn so với cùng kỳ; các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo luật định cũng được thực hiện tốt, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hiệu quả.

Theo đó, trong những tháng cuối năm để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu theo Quyết định số 2330/QĐ-BTC về kế hoạch triển khai các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015; Quyết định 1826/QĐ-TTg về tái cấu trúc DNBH… Cục sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện dự thảo, trình Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2007/NĐ-CP và Nghị định 46/2007/NĐ-CP (quý IV/2015); Nghị định quy định chi tiết về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng (tháng 10/2015); Thông tư hướng dẫn triển khai bảo hiểm vi mô (tháng 12/2015)…

Bên cạnh đó, sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; rà soát, triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm chính sách bảo hiểm nông nghiệp; nghiên cứu, xây dựng phương án hoàn thiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới…

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục QLBH Phùng Ngọc Khánh cho biết, thời gian tới Cục sẽ phối hợp tốt hơn với các đơn vị trong Bộ, các Bộ, ban ngành và địa phương, đồng hành cùng DNBH, bám sát địa bàn, nắm bắt nhu cầu bảo hiểm của người dân, của các tổ chức, DN, kịp thời báo cáo, đề xuất trình Bộ, Chính phủ theo thẩm quyền xem xét, giải quyết việc hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNBH, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường phát triển, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm góp phần bảo vệ môi trường đầu tư và quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, người tham gia bảo hiểm. Đồng thời, tăng cường hiện đại hóa, đổi mới phương thức, hiệu quả quản lý, giám sát, tập trung các vấn đề tuân thủ pháp luật, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính; tăng cường thanh, kiểm tra các DNBH…, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra và đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2015 là 65.297 tỷ đồng, tăng 17,2 % so với cùng kỳ./.

Trong 6 tháng đầu năm, Cục QLBH đã ban hành gần 750 văn bản hành chính về quản lý nhà nước đối với hoạt động của thị trường bảo hiểm. 

Trong đó, lĩnh vực nhân thọ, đã trình Bộ phê chuẩn 26 sản phẩm mới, phê duyệt sửa đổi, bổ sung sản phẩm; trình Bộ cấp giấy phép điều chỉnh mở 2 chi nhánh, 1 VPĐD, tăng vốn điều lệ cho 3 DN, mở rộng phạm vi hoạt động cho 2 DN; chấp thuận chuyển địa điểm cho 15 chi nhánh, VPĐD…

Trong lĩnh vực phi nhân thọ, trình Bộ chấp thuận đăng ký điều chỉnh quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe cơ giới của 25/25 DNBH phi nhân thọ, phê chuẩn 9 sản phẩm bảo hiểm sức khỏe phi nhân thọ của 7 doanh nghiệp…

Theo (TBTCO)

{fcomment}

Comments are closed.