Hội thảo về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường các tỉnh khu vực miền Bắc

Hội thảo nói trên do Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức ngày 12/10/2010, tại Hà Nội nhằm đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ; công tác đào tạo cán bộ, nhu cầu nhân lực của ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian 5 – 10 năm tới và thảo luận những giải pháp tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở phía Bắc, nhằm chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc của ngành về vấn đề này sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới.


           Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng số cán bộ, viên chức toàn ngành có khoảng 45.600 người (ở trung ương 12.000 người, ở địa phương có 33.600 người). Trong tổng số công chức, viên chức nêu trên, có khoảng 12.000 công chức hành chính trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, còn khoảng 30.000 công chức, viên chức làm công tác tài nguyên và môi trường ở các ngành, lĩnh vực quản lý Nhà nước khác; cán bộ chuyên trách về tài nguyên và môi trường đang công tác trong các khu công nghiệp, các tập đoàn kinh tế Nhà nước và tổng công ty Nhà nước.

Tổng số cán bộ công tác trong ngành tài nguyên và môi trường các tỉnh khu vực phía Bắc có khoảng 10.400 người (cấp tỉnh: 3.400 người; cấp huyện: 2.200 người và cấp xã khoảng 4.800 người). Về trình độ, cấp tỉnh có khoảng 1,9% cán bộ có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ; đại học: 58% , cao đẳng: 4%, trung cấp 26%; Cấp huyện: thạc sỹ, tiến sỹ: 0,4%, đại học: 52%, cao đẳng: 4%, trung cấp: 23%; Cấp xã: đại học: 15,5%, cao đẳng: 3,1%, trung cấp: 68%. Số còn lại có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo.

Nhìn chung, đội ngũ công chức, viên chức của ngành hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, mất cân đối về cơ cấu. Hầu hết các lĩnh vực quản lý đều thiếu cán bộ. Cơ cấu về ngành nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao. Ở trung ương một số lĩnh vực có sự hụt hẫng về đội ngũ công chức, viên chức có trình độ cao, chuyên môn sâu; ở địa phương nhìn chung đội ngũ công chức, viên chức đặc biệt ở các lĩnh vực địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý. Đội ngũ cán bộ chưa được chuyên nghiệp, chuẩn hoá, hiện đại hoá.

Sự mất cân đối về số lượng, chuyên ngành đào tạo làm ảnh hưởng đến việc thực thi các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường ở địa phương. Các địa phương đứng trước tình trạng khan hiếm nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Số lượng cán bộ chuyên môn có chuyên ngành phù hợp và trình độ vững vàng không nhiều. Việc tuyển dụng người có năng lực chuyên môn, được đào tạo chính qui là rất khó. Đội ngũ cán bộ địa chính xã, phường không ổn định và năng lực không đồng đều ở các vùng, miền khác nhau. Việc bố trí công tác chưa phù hợp, thường xuyên có sự luân chuyển, nhất là ở cấp xã.

Công tác đào tạo nhân lực của ngành còn nhiều hạn chế, bất cập, mất cân đối giữa các ngành, cấp đào tạo. Hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm thiếu thốn, lạc hậu.

Trước nhu cầu nhân lực giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 48 nghìn người ở các lĩnh vực, ngành Tài nguyên và Môi trường cần tiến hành nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác đào tạo, phát triển nhân lực thì mới có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới./.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

www.molisa.gov.vn

Comments are closed.