Hôi nhãn ở Quảng Bình: La làng để… đòi bảo hiểm?

Nếu vụ hôi của này do chủ xe vu khống, thì tại sao họ có thể bịa ra một câu chuyện kinh khủng như thế này, có liên quan gì tới bảo hiểm hàng hóa?

Vụ việc xe container mang biển kiểm soát 89C-01653 của công ty Bích Thị, do lái xe Lê Văn Công điều khiển, chở gần 18 tấn nhãn bị lật ở xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa, Quảng Bình với hình ảnh người dân vây kín xung quanh nhặt nhãn mang đi hiện vẫn là chủ đề nóng hổi dư luận.

“Người dân có hôi của thật hay không?” đang là một câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn bởi có hai luồng thông tin trái ngược nhau về vụ việc này vừa được công bố. Phía chính quyền địa phương huyện Minh Hóa thì khẳng định không có chuyện người dân “hôi của” như một số tờ báo nêu và trong vụ tai nạn đó, lực lượng chức năng tại đây đã làm hết trách nhiệm với sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân. Còn ngược lại, Cty cổ phần Bích Thị vẫn cho rằng có việc “hôi của” nên gửi công văn đề nghị Công an huyện Minh Hóa làm rõ việc này.

Tuy nhiên, khi xem lại video “hôi nhãn” ở Minh Hóa, Quảng Bình, sự thật là người dân không hề vội vã, “hôi của một cách man rợ” như thông tin một số báo đưa trước đó.

Nếu vụ hôi của này không phải là sự thật mà do nhà xe và chủ lô hàng vu khống, thì lý do tại sao họ có thể bịa ra một câu chuyện kinh khủng như thế này?

Liệu có thật đã xảy ra vụ hôi nhãn ở Quảng Bình hay không?

Là một trong những người theo dõi sát sao về vụ việc trên các kênh truyền thông, TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng, có thể mục đích của nhà xe và chủ hàng là kêu bị hôi của để dư luận biết và yêu cầu bảo hiểm bồi thường tiền hàng.

Theo một chuyên viên tư vấn bảo hiểm của Bảo Minh, đối với bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ nội địa hoặc từ Việt Nam đi các nước và ngược lại, trừ những trường hợp loại trừ, thông thường các hãng bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường đối với những mất mát, hư hỏng xảy ra cho hàng hóa được bảo hiểm do hậu quả trực tiếp của một trong những nguyên nhân sau đây: Cháy hoặc nổ; động đất, bão lụt, gió lốc, sóng thần và sét đánh; phương tiện vận chuyển bị đắm, bị lật đổ, bị rơi, mắc cạn, đâm va nhau hoặc đâm va vào vật thể khác hay bị trật bánh; cây gẫy đổ, cầu cống, đường hầm và các công trình kiến trúc khác bị sập đổ, phương tiện chở hàng mất tích; Hy sinh tổn thất chung.

Trường hợp xảy ra tổn thất thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm như trên, các hãng bảo hiểm còn chịu trách nhiệm đối với những chi phí sau đây: Những chi phí hợp lý do người được bảo hiểm, người làm công hay đại lý của họ đã chi ra nhằm phòng tránh hoặc giảm nhẹ tổn thất cho hàng hóa được bảo hiểm; những chi phí hợp lý cho việc dỡ hàng, lưu kho và gửi tiếp hàng hóa được bảo hiểm tại một nơi dọc đường đi do hậu quả của rủi ro thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm; những chi phí hợp lý cho việc giám định và xác định tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm; chi phí tổn thất chung và chi phí cứu hộ.

Còn theo chuyên viên tư vấn bảo hiểm hàng hóa của Công ty bảo hiểm Groupama, với gói bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ thông thường, khi vận chuyển hàng, nếu gặp tai nạn, xe trật bánh, cầu cống gãy, thiên tai, cháy nổ… thì số hàng hóa bị hư hỏng sẽ dc đền bù. Còn với tài sản bị cướp, mất trộm, hôi của thì sẽ không được bảo hiểm đền bù. Trừ khi doanh nghiệp mua gói bảo hiểm đặc biệt là “Mọi rủi ro” thì với bất cứ rủi ro gì, doanh nghiệp cũng sẽ được bồi thường nếu có thiệt hại về hàng hóa.

Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, việc hôi của của người dân có thể dẫn đến chủ xe không được bồi thường hoặc nếu có thì cũng khá khó khăn vì một số lý do. Thứ nhất, các gói bảo hiểm thông thường sẽ coi tài sản bị trộm cắp, cướp, công nhiên chiếm đoạt sẽ loại trừ trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm . Tuy nhiên cũng có những gói bảo hiểm giá trị lớn vẫn bảo hiểm cả cho tài sản bị trộm cắp, cướp, công nhiên chiếm đoạt (hôi của)…. Thứ hai, trong các hợp đồng bảo hiểm thường quy định bên được bảo hiểm có nghĩa vụ phải giữ hiện trường. Do vậy nếu do hôi của, hoặc ngay cả khi chủ xe cho người dân lấy hàng thì đều dẫn đến hiện trường không còn. Có nghĩa là bên được bảo hiểm đã vi phạm nghĩa vụ. Trường hợp có xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương thì cũng có thể được xem xét nhưng nói chung đó vẫn là một tình tiết gây khó khăn cho người được nhận bảo hiểm.

Liên quan tới vụ việc, ở một khía cạnh khác, nhiều người vẫn thắc mắc không hiểu tại sao vụ tai nạn trên xảy ra từ ngày 21/1 nhưng mãi 20 ngày sau, phía Công ty Bích Thị mới làm đơn gửi cơ quan công an huyện Minh Hóa mà không gửi đơn ngay.

Bên cạnh đó, sau khi vụ tai nạn xảy ra, ông Bùi Văn Duyên, Giám đốc Công ty Bích Thị đã cung cấp cho một tờ báo, nói số hàng đó là 18 tấn, trị giá 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây, ngày 12/2, Cục hải quan Quảng Bình đã có văn bản số 124/HQQB-NV nói về giá trị thật của lô hàng này.

Theo đó, vào lúc 10h50 ngày 21/1, xe chở hàng của công ty Bích Thị đã thông quan, lô hàng trên xe có trọng lượng 22.000 kg, tổng giá trị 13.200USD, tức là chỉ ở mức 280 triệu đồng tiền Việt Nam chứ không thể là 1,3 tỷ như công ty Bích Thị đã khai báo.

Theo (Kienthuc.net.vn)

{fcomment}

Comments are closed.