Hội nghị cấp cao về các giải pháp thúc đẩy thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020

Ngày 8.12.2010, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị cấp cao bàn về các giải pháp thúc đẩy thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Ông Nguyễn Thế Trung – Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự, có bà Suzzette Mitchell – Trưởng đại diện Quỹ Phát triển Phụ nữ của Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các cán bộ, chuyên gia cao cấp và những người làm công tác nghiên cứu khoa học liên quan.

        Mục đích của hội nghị là nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới 2011-2015; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp uỷ và hệ thống chính trị trong việc đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cấp uỷ Đảng, Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc hội từ trung ương đến cơ sở nhiệm kỳ 2011-2015 và những nhiệm kỳ tiếp theo, đúng như mục tiêu của Đảng đã đề ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

        Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thế Trung cho biết: Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam trong xã hội được nâng lên một bước, khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội dần được thu hẹp. Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác, bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và là rào cản đối với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển bền vững đất nước và hội nhập mà biểu hiện dễ thấy nhất là trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp uỷ, chính quyền, đại biểu dân cử các cấp còn thấp, chưa ngang tầm với năng lực và yêu cầu phát triển. Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới cần phải được coi như một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Và cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, hệ thống và toàn diện ở tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cơ sở.

        Dự thảo Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 do Chủ tịch UBQG Vì sự tiến bộ của phụ nữ Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày đã nêu 7 mục tiêu cụ thể mà chiến lược đã đặt trọng tâm ưu tiên như sau:

        Thứ nhất,  tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Cụ thể, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 đạt từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 đạt từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016-2020 đạt trên 35%; Đến năm 2015, có 80% và đến năm 2020 có 95% các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có cán bộ lãnh đạo là nữ; Đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 95% cơ quan, đơn vị thuộc tổ chức Đảng, cơ quan dân cử, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và tổ chức chính trị – xã hội các cấp có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên có cán bộ lãnh đạo là nữ.

        Thứ hai, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và việc làm. Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động. Trong đó, đảm bảo ít nhất 40% cho mỗi giới trong tổng số người được tạo việc làm mới hàng năm; Tăng tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp lên 30% vào năm 2015 và đạt 35% trở lên vào năm 2020; Đảm bảo 25% lực lượng lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật vào năm 2015 và tăng lên 50% vào năm 2020; Tăng tỷ lệ phụ nữ ở hộ nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 80% vào năm 2015 và tăng lên 100% vào năm 2020.

        Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Cụ thể,  phổ cập biết chữ cho 90% nam giới và phụ nữ ở độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn vào năm 2015 và tăng lên 95% vào năm 2020; Đạt tỷ lệ 40% nữ thạc sỹ trong tổng số thạc sỹ vào năm 2015 và tăng lên 50% vào năm 2020. Đạt tỷ lệ 20% nữ tiến sỹ trong tổng số tiến sỹ vào năm 2015 và tăng lên 25% vào năm 2020.

        Thứ tư, bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Giảm tỷ suất tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 65/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2015 và đạt dưới 50/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2020; Giảm tỷ lệ phụ nữ mang thai trong toàn quốc bị nhiễm HIV/AIDS xuống 0,3% vào năm 2015 và đạt dưới 0,2% vào năm 2020;  Giảm tỷ lệ phá thai xuống 50/100 trẻ để sống vào năm 2015 và dưới 25/100 trẻ đẻ sống vào năm 2020. Giảm tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên xuống 15% vào năm 2015 và dưới 5% vào năm 2020 trong tổng số ca phá thai.

        Thứ năm, bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin.

        Thứ sáu, bảo đảm bình đẳng giứoi trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

        Thứ bảy, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận những nội dung như  xác định trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo trong cấp uỷ Đảng, Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2015;

cơ chế phối hợp nhằm cụ thể hóa, ràng buộc trách nhiệm, quy định rõ trách nhiệm của từng cấp uỷ Đảng, HĐND, UBND, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đoàn thể chính trị xã hội…trong việc thực hiện chiến lược; những giải pháp đột phá nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong chiến lược…

Mỹ Hạnh

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

www.molisa.gov.vn

Comments are closed.