Hỗ trợ thực hiện bảo hiểm nông nghiệp – kinh nghiệm từ Hàn Quốc

altTrong cách thức ứng xử với các thảm họa cấp quốc gia, nếu chủ động thực thi chính sách bảo hiểm (BH) trước khi thảm họa xảy ra thì công tác ứng phó vừa có tính chủ động, vừa bảo đảm ổn định tài khóa và mang tính công bằng hơn. BH có nhiều công cụ quản trị rủi ro nên việc phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả tài chính của thảm họa cũng sẽ hiệu quả hơn việc hỗ trợ sau khi có thảm họa xảy ra. Bảo hiểm nông nghiệp không nằm ngoài quy luật đó.

Là một trong những loại hình BH rủi ro cấp độ quốc gia, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) được Chính phủ các nước trên thế giới luôn quan tâm và có sự dự phòng tài chính ưu tiên để tài trợ các chương trình BH này cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đợt tìm hiểu, trao đổi về BHNN tại Hàn Quốc năm 2012, sau các cuộc làm việc với Bộ Lương thực, Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Hàn Quốc, Công ty BH Samsung Fire&Marine, Công ty tái BH Hàn Quốc, Công ty môi giới UIB, một số nội dung và bài học kinh nghiệm chính về BHNN tại Hàn Quốc rất đáng để Việt Nam suy ngẫm. Tại Hàn Quốc, ngành nông nghiệp chỉ chiếm 3,8% GDP, có 1,2 triệu hộ nông dân trong đó 785.000 hộ thuần nông. Các sản phẩm nông nghiệp chính bao gồm lúa, cây có củ, lúa mì, rau, cây ăn quả, đại gia súc, lợn, gà, sữa, trứng và cá. Quy mô hộ sản xuất nhỏ. Các rủi ro chính trong canh tác cây trồng gồm bão và mưa đá, bên cạnh đó là sương giá vụ xuân và vụ đông, mưa lớn; các rủi ro chính trong nuôi trồng thủy sản bao gồm bão, lốc, triều dâng, lũ lụt, tuyết rơi và tảo.

Trong giai đoạn từ 2002 đến 2011, tổng kinh phí chi khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra là 2.675 tỷ KRW (tương đương khoảng 2,675 tỷ USD) trong đó, ngân sách trung ương chi: 1.813 tỷ KRW; ngân sách địa phương chi: 418 tỷ KRW; vay: 226 tỷ KRW; viện trợ nhân đạo: 8 tỷ KRW; các nạn nhân tự chịu: 210 tỷ KRW. Các rủi ro được BH bao gồm bão và mưa đá. Mục đích thực hiện BHNN của Chính phủ Hàn Quốc là nhằm giúp nông dân tránh khỏi phá sản và dễ dàng khôi phục tái sản xuất; giúp ổn định chi tiêu của Chính phủ.

Cách thức mở rộng chương trình của Hàn Quốc thường được thực hiện sau thí điểm trên cả nước tại một số ít loại đối tượng BH, sau đó các đối tượng này được đưa vào chương trình BH chính và trong khi tiếp tục mở rộng thí điểm với các đối tượng khác. Sự hỗ trợ của Chính phủ cho thấy, đối với cây trồng, Chính phủ trung ương hỗ trợ 50% phí kỹ thuật; chi 100% chi phí quản lý, chuyển kinh phí trực tiếp cho công ty BH và 4,4% tính trên mức giữ lại, coi như là khoản hỗ trợ tái BH; chính quyền địa phương hỗ trợ 25% phí kỹ thuật; Hợp tác xã – nơi người nông dân tham gia BH là thành viên, nếu có khả năng tài chính, cũng hỗ trợ thêm về phí. Ngoài ra, Chính phủ chịu trách nhiệm chi bồi thường cho những khoản vượt quá 180% phí BH.

Để có nguồn kinh phí chi cho các khoản bồi thường này, Chính phủ thu lại 5,5% tổng phí. Trong chương trình thủy sản, Chính phủ chịu trách nhiệm chi tổn thất trên 140% tổng phí (BH lũ lụt sẽ hỗ trợ 50% phí kỹ thuật và 90% chi phí quản lý; BH thủy sản hỗ trợ 50% phí kỹ thuật và 70% chi phí quản lý).

Công ty BH Samsung cho biết, quá trình thực hiện BHNN có hai phương án dẫn đến thất bại: quy định phí BH quá cao thì nông dân không tham gia, còn nếu quá thấp thì các công ty BH không tham gia. Phương án duy nhất thành công là phải có hỗ trợ phí của Chính phủ bảo đảm phí ở mức chịu được đối với nông dân và đủ hấp dẫn đối với các công ty tham gia. Kinh nghiệm của Hàn Quốc năm 2002 cho thấy, vì có tổn thất lớn do cơn bão Rusa gây ra nên năm 2003 phí BH tăng không đủ yêu cầu, và các công ty BH rút khỏi chương trình. Do đó, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc phải giữ lại 100% và chịu tổn thất lớn năm đó, và cuối cùng Chính phủ lại phải đứng ra bồi thường cho Ngân hàng Nông nghiệp Hàn Quốc (Nonghuyp). Năm 2004, Chính phủ phải lập tổ công tác khuyến khích các công ty BH tham gia vì chỉ có như vậy chương trình mới phát triển bền vững. Kết quả các công ty BH tư nhân đã tham gia trở lại cùng với Chính phủ và Nonghuyp, theo hình thức hợp tác công-tư (PPP).

Về tổ chức thực hiện, tại Hàn Quốc, Viện phát triển BH Hàn Quốc thực hiện định phí, còn Nông hiệp (Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp) thực hiện chương trình BH cây trồng và Ngư hiệp (Liên hiệp hợp tác xã ngư nghiệp) thực hiện chương trình BH thủy sản. Các công ty BH phi nhân thọ trong nước tham gia nhận tái BH từ Nông hiệp/Ngư hiệp; Công ty Tái BH Hàn quốc thu xếp tái BH ra nước ngoài. Kết quả cho thấy, tỷ lệ bồi thường chương trình chính là 94% và chương trình thí điểm là 90,7%, từ đó làm cho các công ty tham gia bị lỗ (riêng năm 2012 tỉ lệ tổn thất ước tính 300%). Vì vậy, dự tính sang năm 2013, Chính phủ phải điều chỉnh tăng phí và nâng tỷ lệ chi bồi thường của Chính phủ lên đáng kể thì mới thu hút được sự tham gia của các công ty BH.

Trong chương trình BH thủy sản, cũng giống chương trình BH cây trồng, Chính phủ chịu trách nhiệm chi tổn thất trên mức 140%. Phần dưới 140%, Suhuyp giữ lại 20% và nhượng tái BH cho Korean Re 80%.

Từ thực tế trên, bài học rút ra từ chương trình BHNN của Hàn Quốc cho thấy, sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ là điều kiện cần thiết nhất để duy trì chương trình phát triển bền vững. Thực tế, Mỹ và châu Âu cũng áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ nông nghiệp, nhưng phải bảo đảm phù hợp với quy định của WTO. Sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ, tuy khó nhận thấy hơn hỗ trợ bằng tiền, nhưng vô cùng quan trọng. Sự điều chỉnh của Chính phủ Hàn Quốc về BHNN khá linh hoạt, thay đổi phí hàng năm, nhưng luôn chú ý đến lợi ích của cả nông dân và các công ty BH để bảo đảm chương trình phát triển bền vững.

Ngoài ra, với cách thức mở rộng chương trình bằng cách thử nghiệm một loại cây trồng 2-3 năm, sau đó đưa vào chương trình chính, có thể thấy đây là cách thức thực hiện thí điểm và triển khai BHNN rất đáng nghiên cứu (tại Việt Nam, sau lúa có thể tính đến cây lương thực hoặc cây công nghiệp khác). Bên cạnh đó, cách thức hỗ trợ kinh phí của Hàn Quốc (100% chi phí quản lý) có lợi là giúp giảm phí (thí dụ tại Việt Nam chuyển thẳng 35% chi phí cho công ty BH thì phí BH sẽ giảm đáng kể), đồng thời bảo đảm các công ty vẫn có đủ kinh phí hoạt động, bởi nếu phân ra nhiều món (trung ương, địa phương, chi phí quản lý, chi phí tái BH) sẽ gây phức tạp trong quản lý.

Theo Sông Trà – nhandan.org.vn

{fcomment}

Comments are closed.