Hỗ trợ bệnh nhân nghèo khi thực hiện đồng chi trả Bảo hiểm y tế

(VOV) – Đối với cán bộ hưu trí, người nghèo chẳng may mắc bệnh phải điều trị dài ngày thì việc đồng chi trả bảo hiểm y tế khiến họ dễ rơi vào hoàn cảnh đói nghèo. 
Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành đã được 1 năm. Một trong những điểm mới của Luật Bảo hiểm y tế là người tham gia phải cùng chi trả một phần viện phí khi điều trị. Việc đồng chi trả sẽ góp phần kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế. Thế nhưng, với những bệnh nhân nghèo mắc bệnh mạn tính, việc thực hiện đồng chi trả viện phí là một gánh nặng. Làm thế nào để đảm bảo công bằng giữa những người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời giảm bớt khó khăn cho những bệnh nhân nghèo? Phóng viên VOV trao đổi với bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Y tế.

Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh sẽ hỗ trợ bệnh nhân nghèo

** Xin bà cho biết kết quả đạt được sau một năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế?

 Sau 1 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện luật. Cùng với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo hiểm y tế, Bộ Y tế còn triển khai kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở các bệnh viện, phát hiện những vấn đề vướng mắc, những điểm chưa phù hợp để kịp thời tháo gỡ.

Cho đến nay, đã có 35 tỉnh, thành ban hành quy chế phối hợp hoặc đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện luật. Rất nhiều tỉnh đã ban hành các quyết định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng cận nghèo và học sinh, sinh viên. Một số địa phương làm rất tốt như TP. HCM đã có quyết định hỗ trợ 15% chi phí khám chữa bệnh cùng chi trả cho đối tượng người nghèo, cận nghèo. Khánh Hoà đã có nghị quyết hỗ trợ một phần cùng chi trả viện phí 5% cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Các bệnh viện cũng triển khai hoạt động trên cơ sở nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Nhiều bệnh viện đã từng bước cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh.

** Xin bà cho biết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế?

Thứ nhất là việc phát hành thẻ bảo hiểm y tế. Đến ngày 1/1/2010, đa số các tỉnh chưa kịp phát hành thẻ mới. Việc không thống nhất trong thực hiện giữa cơ quan bảo hiểm và Bộ Y tế khiến các cơ sở khám chữa bệnh lúng túng trong khi thực hiện khám chữa bệnh. Vì thế, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ tình trạng này. Theo đó, sau 1/1/2010, tất cả các trường hợp thẻ bảo hiểm y tế còn hạn sử dụng nếu chưa được đổi hoặc chưa được cấp thẻ mới thì vẫn có giá trị sử dụng.

Thứ hai là việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Hiện nay, theo quy định của Thông tư 10, sở y tế các tỉnh, thành chịu trách nhiệm quy định nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, phân bổ số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở các địa phương. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa sở y tế và BHYT ở các tỉnh, thành chưa được chặt chẽ, nên có cơ sở được phân bổ quá nhiều thẻ, có cơ sở lại được phân bổ quá ít thẻ. Hoặc có địa phương, do nghiên cứu không kỹ đã chuyển toàn bộ số thẻ khám chữa bệnh từ các bệnh viện tỉnh xuống hết tuyến huyện, tuyến xã trong khi tuyến huyện, tuyến xã lại chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Chúng tôi cũng đã kịp thời chỉ đạo BHYT phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế thống nhất những cơ sở được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.

Thứ ba là thủ tục chuyển tuyến và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện nay, BHYT Việt Nam quy định thủ tục để chuyển tuyến là cơ sở khám chữa bệnh nơi bệnh nhân chuyển đến phải cung cấp bản photocopy giấy khám chữa bệnh của tuyến trước. Điều này không đúng với quy chế khám, chữa bệnh, gây phiền hà và khó thực hiện cho các cơ sở khám chữa bệnh và cả người bệnh.

** Việc đồng chi trả viện phí hiện vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận, nhất là đối với bệnh nhân nghèo bị bệnh mạn tính phải điều trị dài ngày với chi phí lớn. Vậy, quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này như thế nào?

Chúng ta có quy định cùng chi trả nhưng chia ra các mức theo các nhóm đối tượng. Đối tượng đồng chi trả 20% rất ít, chủ yếu là 5%, thêm nữa, các địa phương cũng có các quỹ hỗ trợ cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo. Bên cạnh đó, Luật Khám chữa bệnh được thông qua đã bổ sung quy định thành lập Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh để hỗ trợ những đối tượng tham gia bảo hiểm y tế mà không có khả năng chi trả 5%.

** Thời gian tới, ngành y tế sẽ triển khai những biện pháp gì để Luật Bảo hiểm y tế thực sự đi vào cuộc sống?

Ngành y tế tập trung vào công tác tuyên truyền theo hướng nhấn mạnh vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm y tế; xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân tham gia bảo hiểm y tế; xác định trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, người dân trong tuân thủ Luật Bảo hiểm y tế, đặc biệt là trong việc cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng tập trung nghiên cứu đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm y tế. Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo, đầu tư nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến xã trở lên đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế sẽ có những cuộc họp đánh giá sau một năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Xin cảm ơn bà!

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Các địa phương nên có quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Việc phân loại đối tượng đồng chi trả bảo hiểm y tế còn phức tạp nên chúng ta làm chưa được tốt. Nếu phân loại đối tượng đồng chi trả không chính xác, việc cấp thẻ cũng không thể chính xác. Việc đồng chi trả đối với bệnh nhân nghèo là cả một vấn đề. Bệnh viện Bạch Mai đã kiến nghị với Bộ Y tế, Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ đối tượng này. Chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì Quyết định 139, các địa phương nên thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Quỹ hỗ trợ người nghèo nhiều địa phương đã thành lập từ lâu rồi. Vấn đề là phải hoạt động như thế nào cho có hiệu quả. Bệnh viện chúng tôi cũng đã xây dựng quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, miễn giảm một nửa chi phí đồng chi trả, miễn viện phí cho những trường hợp đặc biệt khó khăn, hỗ trợ suất ăn miễn phí, tặng quà cho bệnh nhân…

Ông Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: Các điều khoản của Luật cần linh hoạt, dễ áp dụng

Đối với cán bộ hưu trí, người nghèo chẳng may mắc bệnh phải điều trị dài ngày thì việc đồng chi trả khiến họ dễ rơi vào hoàn cảnh đói nghèo. Khoảng dao động từ 5 – 20% là sự chênh lệch lớn. Vì thế, quy định trong các điều khoản của Luật Bảo hiểm y tế cần linh hoạt, dễ áp dụng theo hướng có lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt là với người nghèo…

Bà Trương Thị Khâm, quê ở Hà Nam, bệnh nhân Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai: Việc đồng chi trả là áp lực quá lớn đối với bệnh nhân nghèo

Mỗi tháng tôi phải ra Hà Nội 12 lần để chạy thận. Trước đây, tôi được miễn hoàn toàn viện phí. Nhưng bây giờ tôi và những bệnh nhân chạy thận sẽ phải chi trả 5% viện phí, như vậy mỗi lần chạy thận, tôi sẽ phải đóng khoảng 360.000 đồng. Việc đồng chi trả này là áp lực quá lớn đối với bệnh nhân nghèo chúng tôi. Nhà nước đề ra thì chúng tôi phải chấp hành thôi nhưng nói thật là tôi cũng chưa biết kiếm đâu ra tiền để mà chi trả.

Lan Hương-Ngọc Hà (Báo TNVN)

Đài Tiếng nói Việt Nam – 58 Quán sứ, Hà nội

Comments are closed.