Hậu trường đàm phán bán vốn ngoại ngành bảo hiểm

thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục khẳng định sức hút với nhà đầu tư nước ngoài, khi mới đây hãng bảo hiểm hàng đầu Hàn Quốc bỏ hơn 25 triệu USD mua 20% cổ phần của Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO).

Vốn bảo hiểm ngoại

Thị trường bảo hiểm Việt vẫn hấp dẫn

Cuối tuần qua, PJICO đã chính thức hợp tác với hãng bảo hiểm hàng đầu Hàn Quốc là Samsung Fire & Marine Insurance Company Limited (SFMI) thông qua việc bán 20% cổ phần cho hãng này.

Thương vụ bán cổ phần cho đối tác Samsung của PJICO, theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bảo hiểm Việt Nam nói riêng trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế, PJICO là doanh nghiệp cuối cùng trong Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất tìm được cổ đông chiến lược ngoại.

Trước đó, Bảo Việt (thông qua công ty mẹ là Tập đoàn Bảo Việt) từng có cổ đông ngoại là HSBC, sau đó là Sumitomo Life; PVI hợp tác với hai cổ đông chiến lược nước ngoài là HDI Global, OIF. Hay Bảo Minh hiện có hai cổ đông ngoại là AXA và Chevalier; PTI có cổ đông chiến lược Bảo hiểm Dongbu (Hàn Quốc), nắm giữ trên 37% cổ phần.

Ngoài Top 5, trên thị trường còn một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ – tái bảo hiểm có cổ đông chiến lược ngoại như Vinare, BIC,
GIC, AAA…

Việc bán cổ phần cho đối tác ngoại với doanh nghiệp bảo hiểm có vốn nhà nước chi phối như PJICO và nhiều doanh nghiệp cùng ngành trước đó có thể nói là thành công đầu tiên trong kế hoạch thoái vốn nhà nước theo chủ trương của Chính phủ.

Mặt khác, việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược ngoại được xem là hướng đi hiệu quả và nhanh nhất để tăng năng lực tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước tiếp cận với các thông lệ quản trị tiên tiến từ các tổ chức tài chính – bảo hiểm nước ngoài, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững. Do vậy, việc thu hút cổ đông chiến lược ngoại cũng giúp các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cải thiện định mức tín nhiệm…

Những băn khoăn nơi “hậu trường” đàm phán

Những cái “được” khi PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, Vinare và nhiều doanh nghiệp khác trong ngành hợp tác với đối tác ngoại dễ thấy, nhưng trước đó, quá trình đàm phán bán cổ phần này có thể là con đường dài, với rất nhiều trăn trở, tính toán của các bên.

Chẳng hạn, với thương vụ bán cổ phần của PJICO mới đây, theo tiết lộ của những người trong cuộc, quá trình đàm phán kéo dài tới gần hai năm. SFMI là nhà đầu tư từng tham gia góp vốn vào thị trường bảo hiểm Việt Nam (với tỷ lệ sở hữu 75% tại Liên danh bảo hiểm Samsung Vina, cùng với Vinare góp 25% vốn).

Liên doanh này hoạt động khá hiệu quả, năm 2016, ước đạt doanh thu bảo hiểm gốc hơn 1.010 tỷ đồng; ước lãi trước thuế gần 128 tỷ đồng (theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam). Vì vậy, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của PJIC), khi Hội đồng quản trị Công ty trình phương án bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài là SFMI, có cổ đông đã băn khoăn đặt câu hỏi: Lợi ích của việc chọn đối tác SFMI liệu có bị xung đột không khi chính SFMI cũng đang tham gia góp vốn vào liên doanh bảo hiểm phi nhân thọ, cùng ngành nghề với PJICO?

Ghi nhận từ PJICO cho thấy, băn khoăn này cũng được chính các bên (PJICO, SFMI và Samsung Vina) đặt ra từ trước đó. “Hợp đồng với đối tác đều có những cam kết rõ ràng để tránh xung đột trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”, ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc PJICO khẳng định.

Theo ông Hải, quá trình lựa chọn và đàm phán gần 2 năm với đối tác SFMI diễn biến theo chiều hướng tối ưu hoá lợi ích cho doanh nghiệp và cổ đông.

PJICO đã chào mua công khai và nhận gần 100 hồ sơ đến chào mua cổ phần. Việc chấm điểm và lựa chọn ra đối tác Samsung là vì họ chào giá mua cao nhất và đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của Hội đồng quản trị.

Theo đó, PJICO sẽ tận dụng lợi thế SFMI cho thị trường chưa được khai phá từ Samsung Vina như hệ thống bán lẻ, bảo hiểm trực tuyến, trong khi Samsung Vina tiếp tục tập trung vào mảng lợi thế như bảo hiểm tài sản, hàng hóa…

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex, đại diện cổ đông lớn của PJICO cho biết, bằng nỗ lực đàm phán và điều kiện cam kết đưa ra, Hội đồng quản trị PJICO đã khoanh lại ảnh hưởng của đối tác để tránh hoạt động cạnh tranh trên cùng một thị trường. Quan trọng nhất của sự hợp tác này là cổ đông chiến lược sẽ cải thiện đáng kể cơ cấu tài chính của PJICO. Các hoạt động của PJICO sẽ trở nên quốc tế và chuyên nghiệp.

Trong khi tại doanh nghiệp cùng ngành là MIC, theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, vài năm trở lại đây, Ban lãnh đạo Công ty quan tâm đến việc thu hút dòng vốn ngoại, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn với bài toán cân bằng được – mất. Bởi MIC là doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng nên chịu nhiều quy định ràng buộc.

Nếu muốn thu hút cổ đông ngoại, MIC phải chấp nhận đổi tên. Trong khi đó, việc gắn với thương hiệu “Quân đội” đang mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp này.

Theo (ĐTCK)