TIÊU ĐIỂM TUẦN 51:
I. Tin trong nước
1. Tin bồi thường, tổn thất
Thẩm mỹ viện 5 tầng ở trung tâm Hà Nội cháy rụi
(Vnexpress) – Đám cháy bùng lên tại thẩm mỹ viện Bally trên đường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, tối 23/12 rồi nhanh chóng lan sang hai căn liền kề.
Một số người dân sống tại khu vực cho biết, khoảng 20h lửa phát ra từ biển quảng cáo ở mặt tiền, tầng hai của thẩm mỹ viện số 463 Kim Mã. Ngọn lửa nhanh chóng lan vào trong và sang hai nhà liền kề.
“Thấy biển quảng cáo bắt lửa nhưng không ai nghĩ đám cháy lại bùng nhanh đến vậy. Chỉ trong chốc lát ngọn lửa đã lan đến tầng 5 của thẩm mỹ viện, gió thổi tạt sang hai nhà bên cạnh”, người phụ nữ tên Thanh ở cách đó vài căn, cho hay.
Đến 21h, lực lượng PCCC cùng 5 xe phun nước đã khống chế được hoả hoạn. Không có thiệt hại về người, song nhiều tài sản của thẩm mỹ viện bị thiêu rụi.
Các nhân chứng cho biết, trước thời điểm xảy ra cháy một số người hàn biển quảng cáo. Có thể do bất cẩn, họ làm cháy biển quảng cáo, gây hỏa hoạn.
Cháy lớn tại công ty nội thất
(Vnexpress) – 7h15 ngày 22/12, đám cháy bùng lên cùng nhiều tiếng nổ lớn ở công ty nội thất Lợi Phát sát quốc lộ 1A, cách chợ Bình Chánh, TP HCM vài trăm mét. Thời điểm này, công nhân chưa làm việc, một số bảo vệ phát hiện đã cùng nhau dập lửa nhưng bất thành.
“Khói cuồn cuộn bốc lên, lửa ngùn ngụn bên dưới, cứ sau tiếng nổ là nhiều vật dụng bắn lên, bay xa hàng chục mét”, một nhân chứng cho hay.
Hơn 100 cảnh sát cứu hỏa, gần 20 xe chữa cháy huyện Bình Chánh và các khu vực khác của TP HCM được huy động đến hiện trường, cật lực phun nước cô lập đám cháy không cho lan sang bãi ôtô của công ty bên cạnh và nhà dân. Chất cháy là mút xốp, ván ép, simili… khiến khói đen và lửa liên tục bốc lên.Cách xa hàng km, nhiều người vẫn nhìn thấy.
Tuyến quốc lộ 1 A qua hiện trường kẹt cứng. CSGT phải phân luồng cho xe từ TP HCM về miền Tây chạy qua đường ngược lại. Xe cứu thương cũng được điều đến hiện trường, đề phòng có người gặp nạn trong đám cháy.Trong nỗ lực dập lửa, một lính cứu hỏa bị thương.
9h10, đám cháy cơ bản đã được dập tắt.Lửa chỉ còn âm ỉ, khói bớt dày đặc.Nhà xưởng của công ty sập đổ, toàn bộ vật dụng bên trong bị thiêu rụi. Đến gần 10h, dòng xe được phép chạy trở lại đúng chiều, giải tỏa ùn tắc.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM cho biết, hơn 10 phút sau khi nhận tin cháy ở công ty rộng 6.500 m2, lực lượng cứu hỏa có mặt cô lập không cho lửa cháy lan. Trong đám cháy có 12 bình khí argon đã nổ gây khó khăn cho công tác dập lửa.
“Hỏa hoạn đã thiêu rụi 1.600 m2 nhà xưởng công ty, cảnh sát bảo vệ được hơn 3.000 m2 và bãi gần 20 ôtô ở công ty bên cạnh. Nguyên nhân gây cháy có thể do chập điện, còn nó xuất phát từ đâu thì phải chờ kết quả điều tra”, thượng tá Hưởng cho biết.
2. Một vòng doanh nghiệp
Bảo Việt thay một loạt lãnh đạo cấp cao
(Vietnamnet) – Vị trí của Chủ tịch Lê Quang Bình được tiếp nhận bởi ông Đào Đình Thi. 4 thành viên khác của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát cũng được thay thế trong dịp này.
Quyết định thay đổi này vừa được Tổng giám đốc Nguyễn Quang Phi thông báo và báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo đó, từ ngày 23/12, Chủ tịch Lê Quang Bình, Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Anh và các thành viên Hội đồng quản trị Dương Đức Chuyển, Nguyễn Hải Phong đã thôi nhiệm, theo quyết định của Bộ Tài chính và điều lệ tập đoàn.
Trước đó một ngày, ông Phan Kim Bằng – Trưởng ban Kiểm soát của Bảo Việt cũng có đơn từ nhiệm. Với động thái này, ông Phan Kim Bằng sau đó được bầu vào Hội đồng quản trị tập đoàn, cùng 3 thành viên khác là ông Đào Đình Thi (giữ chức Chủ tịch), bà Thân Hiền Anh và ông Đậu Minh Lâm (đều với tư cách thành viên). Các thành viên mới sẽ giữ cương vị đến hết nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị (năm 2017).
Theo nguồn tin từ Tập đoàn Bảo Việt, hầu hết các lãnh đạo mới đều còn khá trẻ (hầu hết sinh năm 1974-1978) và được kỳ vọng sẽ chèo lái tập đoàn qua giai đoạn kinh tế khó khăn, thị trường biến động hiện nay.
Generali Việt Nam được vinh danh ‘Sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam’ năm 2014
(TBTCO) – Công ty bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam vừa đón nhận danh hiệu “Sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2014” do người tiêu dùng bình chọn. Lễ công bố được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 21/12/2014.
Để trao danh hiệu “Sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2014”, ban tổ chức đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến trực tiếp từ người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ từ 16/10/2014 đến 25/11/2014. Các kết quả khảo sát ý kiến người tiêu dùng được tập hợp, tổng kết trong thời gian từ 25/11/2014 đến 30/11/2014. Chương trình khảo sát và bình chọn được áp dụng theo các tiêu chí của Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Trong 10 tháng đầu năm 2014, Generali đã có bước phát triển mạnh mẽ với doanh thu phí bảo hiểm tăng gần 250% so với cùng kỳ năm trước. Chất lượng tư vấn sản phẩm bảo hiểm được giữ vững với mức phí bình quân trên mỗi hợp đồng đạt 19 triệu đồng (mức bình quân trên thị trường là 7,17 triệu đồng/hợp đồng).
Vinare duy trì năng lực tài chính mức B ++
(ĐTCK) – Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế A.M. Best vừa tái khẳng định năng lực tài chính mức B ++ (Tốt) và năng lực tín dụng của tổ chức phát hành mức “bbb” cho Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare).
Triển vọng cho cả hai xếp hạng là Ổn định.Đây cũng là mức mà DN này đạt được cách đây đúng 1 năm.
Theo A.M. Best, mức xếp hạng phản ánh năng lực tài chính (vốn) vững chắc của Vinare, kết quả kinh doanh ổn định, quản lý rủi ro doanh nghiệp được cải thiện và hỗ trợ mạnh mẽ từ cổ đông.
Năm 2014, Công ty đặt kế doanh thu phí nhận tái bảo hiểm (chưa bao gồm nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp thí điểm) là 1.510 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 445 tỷ đồng (chưa bao gồm thí điểm nông nghiệp), tăng trưởng 11% so với năm 2013.
MIC kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam
(MIC) – Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014) và 25 ngày hội Quốc phòng Toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2014), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) tham gia nhiều hoạt động như tài trợ chương trình giao lưu nghệ thuật “Khúc quân hành vang mãi”, tài trợ “Hội chợ Việt Bắc 2014”, tham dự chương trình “Hành quân về nguồn” thông qua việc tổ chức Hội trại truyền thống chủ đề “70 năm – Tự hào tiếp bước”, tổ chức hoạt động an sinh xã hội tặng quà cho đối tượng chính sách, học sinh nghèo, phối hợp cùng Truyền hình Quân đội tặng nhà tình nghĩa tại xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Bên cạnh đó, MIC cũng tham dự nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như tham dự cuộc thi dấu ấn 20 năm MB, giao lưu Tennis, cầu lông, bóng bàn với Học viện Khoa học Quân sự,…
Các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam của MIC nhằm tuyên truyền, giáo dục tuổi trẻ MIC về truyền thống, ý nghĩa, lịch sử, quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của QĐND Việt Nam anh hùng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, niềm vinh dự, tự hào trong cán bộ, nhân viên, đoàn viên thanh niên MIC quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
MIC khuyến mại khủng nhân ngày 22/12
(MIC) – Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014) và 25 ngày hội Quốc phòng Toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2014), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) tổ chức chương trình khuyến mại khủng giảm từ 20 đến 50% phí bảo hiểm dành cho khách hàng tham gia bảo hiểm trực tuyến qua website: baohiem247.vn, chương trình bắt đầu từ ngày 22/12 đến hết ngày 31/12/2014 dành cho khách hàng trên toàn quốc. Khách hàng tham gia mua bảo hiểm qua website: baohiem247.vn sẽ nhận được mã Coupon điện tử giảm phí, nhập mã Coupon điện tử để nhận được khuyến mại trực tuyến, áp dụng cho khách hàng có giao dịch thành công và thực hiện thanh toán qua Smartlink, VTC Pay.
Số lượng Coupon khuyến mại đối với bảo hiểm vật chất xe ô tô là 100 Coupon, bảo hiểm xe máy là 500 Coupon, bảo hiểm Du lịch toàn cầu là 500 Coupon, bảo hiểm du lịch trong nước là 500 Coupon sẽ dành cho khách hàng nào tham gia chương trình sớm nhất, chương trình khuyến mại có thể kết thúc trước hạn nếu số lượng Coupon khuyến mại đã hết.
3. Quản lý thị trường bảo hiểm
Hơn 131 nghìn tỷ đồng từ bảo hiểm được đầu tư trở lại nền kinh tế
(TBTCO) – Sáng 23/12 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai công tác năm 2015 của Cục QLGSBH.
Theo Cục QLGSBH, năm 2014, mặc dù còn nhiều khó khăn song tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm PNT ước đạt 25.250 tỷ đồng, tăng 10,5%, doanh thu phí BHNT ước đạt 27.430 tỷ đồng, tăng 17,9%.
Tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) ước 18.552 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH ước đạt 131.371 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, trong đó, các DNBHNT khoảng 102.968 tỷ đồng, tăng 18,2%, các DNBH PNT khoảng 28.403 tỷ đồng, tăng 7%.
Phó Cục trưởng Cục QLGSBH Doãn Thanh Tuấn cho biết, năm 2014, nhiệm vụ quản lý, giám sát được Cục triển khai chủ động, tích cực, sát sao với nhiều phương pháp, cách thức đổi mới và hiệu quả, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa giám sát từ xa, trao đổi, làm việc trực tiếp và kiểm tra tại chỗ. Bên cạnh đó, Cục đã hoàn thành công tác thanh tra kiểm tra theo kế hoạch đã phê duyệt.
Đối với nhiệm vụ đột xuất xẩy ra tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Cục đã nắm bắt tình hình và tham mưu kịp thời cho Lãnh đạo Bộ, đồng thời chủ động thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính trong việc tạm ứng bồi thường bảo hiểm cho các DN bị thiệt hại. Việc giải quyết bồi thường nhanh chóng đã giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần vào việc bảo vệ uy tín, hình ảnh của Việt Nam.
Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách và ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện thường xuyên; công tác xây dựng cơ chế, chính sách được triển khai với cách thức đổi mới thông qua tăng cường trao đổi, đối thoại với DN nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến thực tế, vướng mắc thị trường để có định hướng, giải pháp phù hợp.
Tuy nhiên cũng theo ông Tuấn, năm 2014, các cơ chế chính sách vẫn chưa đón đầu được tình hình phát triển của thực tiễn hoạt động kinh doanh, trong đó bao gồm chính sách phòng chống trục lợi, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro doanh nghiệp, phát triển sản phẩm mới. Số lượng doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra chưa nhiều, kiểm tra được thực hiện chủ yếu tại trụ sở chính và các chi nhánh tại thành phố lớn, chưa triển khai được hết các chi nhánh của DNBH.
Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, năm 2015 là năm then chốt thực hiện chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011- 2015 theo quyết định 193/QĐ- TTg ngày 15/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Cục cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật kinh doanh bảo hiểm, tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/NĐ- CP, Nghị định 46/NĐ- CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật KDBH; triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành căn bản lộ trình tái cấu trúc nhằm nâng cao tính an toàn của hệ thống…
Dự kiến, năm 2015, ngành bảo hiểm đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm 59.319 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu phí BHPNT đạt 27.775 tỷ đồng, tăng 10% và doanh thu phí BHNT đạt 31.544 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
4. Nhịp đập thị trường
Lễ Kỷ niệm ngày thị trường Bảo hiểm Việt Nam
(TBTCO) – Ngày 19/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp cùng Cục QLGSBH Lễ Kỷ niệm ngày thị trường Bảo hiểm Việt Nam và 15 năm thành lập Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Nghị định 100CP ngày 18/12/1993 của Thủ tướng Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm ra đời là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam.Trải qua 21 năm phát triển, thị trường bảo hiểm đã có những bước tiến quan trọng. Khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm được hình thành đầy đủ và đồng bộ, đảm bảo môi trường pháp lý công khai, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường.
Nếu trước năm 1993, thị trường bảo hiểm Việt Nam chỉ có duy nhất 1 DNBH triển khai 22 sản phẩm bảo hiểm, thì đến nay, thị trường bảo hiểm đã có 61 DNBH, môi giới bảo hiểm, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài và tái bảo hiểm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng cao. Nhiều vụ tổn thất lớn đã được các DNBH bồi thường hàng trăm tỷ đồng/vụ, giúp các tổ chức và cá nhân nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống. Bảo hiểm trở thành kênh huy động vốn dài hạn hữu hiệu của nền kinh tế.
Hệ thống sản phẩm bảo hiểm cũng được mở rộng, khoảng hơn 800 sản phẩm bảo hiểm được cung cấp cho các đối tượng khách hàng hoạt động trong mọi lĩnh vực, thuộc mọi thành phần kinh tế – xã hội. Thị trường bảo hiểm cũng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các chính sách các nhà nước về lao động, việc làm và xã hội.
Hội nhập quốc tế về kinh doanh bảo hiểm được triển khai từ sớm và sâu rộng.Đến nay, đã có hơn 20 Tập đoàn bảo hiểm hàng đầu trên thế giới hoạt động trên thị trường bảo hiểm.
Năm 2014, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thị trường bảo hiểm vẫn giữ đà tăng trưởng và đạt được những kết quả khả quan. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10,5%; bảo hiểm nhân thọ tăng 17,9%.
Bên cạnh những thành tích đã đạt đượccũng còn một số tồn tại cần khắc phục của thị trường bảo hiểm về khả năng cạnh tranh, tỷ lệ phí bảo hiểm/GDP còn thấp, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu…
Cũng nhân dịp này, Bộ Tài chính đã tặng cờ thi đua cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng III.
Đã cấp 270 đơn bảo hiểm thân tàu theo Nghị định 67
(TBTCO) – Tính đến ngày 15/12/2014, bảo hiểm PJICO đã cấp được 270 đơn bảo hiểm thân tàu với tổng số tiền bảo hiểm ước đạt 230 tỷ đồng, phí bảo hiểm 5,2 tỷ đồng; 170 đơn bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 1.500 thuyền viên, ước số tiền bảo hiểm là 105 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm là 450 triệu đồng.
Hơn 1 tháng sau, ngày 20/8/2014, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư số 115/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm và Thông tư số 116/2014/TT-BTC hướng dẫn một số vấn đề về tài chính đối với các DNBH. Căn cứ các quy định tại Thông tư, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2764/QĐ-BTC về việc chấp thuận DNBH triển khai bảo hiểm khai thác hải sản gồm: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Tổng Công ty Bảo hiểm PVI.
Ngoài 4 DNBH nêu trên, 26 DNBH phi nhân thọ và chi nhánh DNBH nước ngoài tại Việt Nam còn lại đều sẵn sàng phối hợp và tham gia triển khai bảo hiểm khai thác hải sản dưới hình thức là các nhà nhận tái bảo hiểm để cùng chia sẻ rủi ro cho thị trường bảo hiểm.
Trên cơ sở được lựa chọn, DNBH đã xây dựng, hoàn thiện quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm (các quy tắc này đã được Bộ Tài chính phê duyệt) cũng như ban hành các quy trình khai thác, giám định, bồi thường, đảm bảo từ khâu giới thiệu, bán hàng đến khâu giải quyết quyền lợi bảo hiểm được thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Ngày 14/11/2014 và ngày 21/11/2014, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tập huấn tại 2 miền Bắc và Nam về chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67. Việc triển khai thành công chính sách bảo hiểm thủy sản sẽ góp phần ổn định đời sống, sản xuất của ngư dân, phát triển kinh tế địa phương, kinh tế đất nước, đồng thời cũng góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
II. Tin quốc tế
Lụt và lở đất trên diện rộng tại Sri Lanka
(Canadianunderwriter) – Mưa lớn gây ngập lụt và lở đất tại Sri Lanka đã khiến cho 3 người thiệt mạng và hơn 60.000 người phải sơ tán tới nơi an toàn.
Theo Trung tâm Quản lý thảm họa Sri Lanka, cơn mưa kéo dài 3 ngày tại 15 quận huyện cũng đã làm bị thương 2 người và phá hủy 1.900 căn nhà.
Nhiều bệnh viện và cơ quan công quyền bị ngập nước.Tù nhân tại một nhà tù phải chuyển trại để tránh ngập lụt.
Hiện đang là mùa mưa tại một số vùng của Sri Lanka, tuy nhiên nhiều khu vực khác không bị ảnh hưởng.Hồi tháng 10, lở đất đã chôn vùi nhiều nhà cửa của công nhân tại một nông trường chè ở miền Trung nước này khiến hàng chục người thiệt mạng.
Thị trường bảo hiểm sẽ tăng đầu tư gấp đôi vào các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến khí hậu cuối năm 2015
(Vinare) – Thị trường bảo hiểm thế giới hiện đang chiếm 1/3 số vốn đầu tư toàn thế giới đã cam kết tăng đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến khí hậu – tăng từ 42 tỷ USD lên 84 tỷ USD vào cuối năm 2015.
Lần đầu tiên, Liên đoàn bảo hiểm tương hỗ và hợp tác quốc tế (ICMIF) và Hiệp hội bảo hiểm quốc tế (IIS), cùng chung tiếng nói tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tại New York vào tháng 9.
Ông Shaun Tarbuck- Tổng Giám đốc Liên đoàn bảo hiểm tương hỗ và hợp tác quốc tế (ICMIF), đại diện cho gần 1/3 thị phần bảo hiểm cho hay: Thị trường bảo hiểm hiện đang quản lý 1/3 số vốn đầu tư trên toàn thế giới – khoảng 30 ngàn tỷ USD. Nhưng theo Báo cáo của Tổng Công ty Tài chính quốc tế (trực thuộc World Bank Group) năm 2012, chỉ có 42 tỷ USD trong số đó được đầu tư cho các sản phẩm liên quan đến khí hậu và môi trường.
Là những người nhận thức rõ nhất được nguy cơ rủi ro do khí hậu gây ra, các công ty bảo hiểm có thể dẫn đầu thế giới về quản lý tài sản bằng cách áp dụng nguyên tắc quản lý vốn hiệu quả trước nguy cơ rủi ro do khí hậu và sẽ cần phải hiểu và quản lý trên tất cả các danh mục đầu tư và do đó nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi như kỳ vọng.
Ông Tarbuck vạch ra kế hoạch đầy tham vọng của thị trường bảo hiểm như sau:
• Xây dựng và kiểm soát Cơ chế đầu tư cho rủi ro khí hậu và sẽ áp dụng rộng khắp thị trường bảo hiểm thế giới và sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai và khí hậu
• Cam kết tăng đầu tư gấp đôi vào các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến khí hậu từ con số hiện hại là 42 tỷ USD lên 84 tỷ USD vào cuối năm 2015.
• Ngoài ra, thị trường bảo hiểm sẽ cam kết sẽ tăng mức đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến khí hậu tăng gấp 10 lần so với mức hiện nay vào cuối năm 2020.
Năm 2014:Thảm họa gây tổn thất bảo hiểm 34 tỷ USD trên toàn cầu
(Swiss Re) – Theo ước tính sơ bộ, tổng thiệt hại do thảm họa (gồm cả thiên nhiên và nhân tạo) gây ra trong năm 2014 trên toàn cầu là 113 tỷ USD, giảm so với mức 135 tỷ USD năm 2013.
Trong đó, thiệt hại do thiên tai là 106 tỷ USD, giảm so với 126 tỷ USD năm trước và thấp hơn khá nhiều so với mức 188 tỷ USD trung bình trong 10 năm qua. Số người chết do thảm họa là khoảng 11.000 người, tương đương 40,7% số người chết trong năm 2013.
Tổn thất được bảo hiểm năm 2014 là 34 tỷ USD, giảm 24% so với 45 tỷ USD năm 2013, đồng thời cũng thấp hơn so với mức bình quân những năm gần đây.Trong đó tổn thất do thiên tai gây ra là 29 tỷ USD.
Thời tiết năm nay khởi đầu với mùa đông khắc nghiệt tại Mỹ và Nhật Bản, đồng thời cũng kết thúc năm một lần nữa với tiết trời lạnh giá và tuyết dày đặc tại miền bắc Hoa Kỳ. Chỉ riêng trận bão hồi đầu năm tại Mỹ đã khiến các nhà bảo hiểm phải gánh chịu 1,7 tỷ USD tổn thất, lớn hơn mức trung bình tổn thất do bão mùa đông trong 10 năm qua (1,1 tỷ USD). Vào giữa tháng 5, một loạt cơn bão lớn kèm lốc xoáy trong 5 ngày đã tàn phá nhiều vùng trên nước Mỹ, gây tổn thất bảo hiểm 2,9 tỷ USD, là mức lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, sau đó mùa mưa bão tại bắc Đại Tây dương đã hiền hòa trở lại. Không có cơn bão lớn nào đổ bộ vào đất Mỹ trong giai đoạn này.
Đối với Mexico, cơn bão Odile hình thành trên vùng biển đông Thái Bình Dương vào tháng 9 với mưa to và gió lớn, đổ bộ vào khu du lịch Cabo San Lucas nên đã gây thiệt hại lớn với 1,6 tỷ USD tổn thất được bảo hiểm.Đây là thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại lớn thứ hai tại nước này, chỉ sau cơn bão Wilma năm 2005.
Ở phía bên kia Thái Bình Dương, Philippines lại một lần nữa phải hứng chịu trận bão lớn vào đầu tháng 12 có tên gọi Hagupit. Ước tính ban đầu cho thấy tổn thất do bão Hagupit gây ra thấp hơn mức thiệt hại từ bão Haiyan năm ngoái, đồng thời do đã có kinh nghiệm từ bão Haiyan nên công tác sơ tán dân được thực hiện tốt hơn, giảm thiểu được thiệt hại về người.
Tại châu Âu, thời tiết cũng đã gây ra những tổn thất nhỏ tại nhiều quốc gia từ hồi đầu năm. Vào tháng 6, cơn bão lớn nhất với tên gọi Ela đổ bộ vào Pháp, Đức và Bỉ khiến cho các nhà bảo hiểm phải gánh chịu tổn thất 2,7 tỷ USD. Ngoài ra, mưa lớn và ngập lụt cũng xảy ra tại Anh, Serbia, Croatia, Ý và Pháp trong năm qua.
Tại châu Á, mùa mưa lũ tháng 9 làm ngập lụt trên diện rộng và tàn phá nhiều vùng tại Ấn Độ và Pakistan. Trong khi đó, nhiều vùng khác lại bị nắng nóng và hạn hán.Trung Quốc là một ví dụ điển hình với mùa hè khô hạn, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp.Tuy nhiên, con số về thiệt hại vẫn chưa được công bố.
Generali mua lại 49% cổ phần tại hãng bảo hiểm MPIB của Malaysia
(Worldinsurance-network) –Hãng bảo hiểm Generali của Ý vừa đồng ý mua lại 49% cổ phần từ công ty bảo hiểm tài sản và thiệt hại Multi-Purpose Insurans Berhad (MPIB) của Malaysia với giá trị giao dịch khoảng 81,4 triệu Euro.
Generali tin tưởng rằng hoạt động thâu tóm này sẽ là điều kiện thuận lợi để hãng xâm nhập thị trường Malaysia và lọt vào top 10 doanh nghiệp bảo hiểm P&C lớn nhất tại đây.
Bên cạnh đó, thỏa thuận còn bao gồm quyền mua thêm 21% cổ phần MPIB trong vòng 2 năm, cho phép Generali nâng tỷ lệ sở hữu lên 70%.
Ông Mario Greco, Tổng Giám đốc Tập đoàn Generali, nói: “Xâm nhập thị trường bảo hiểm Malaysia là bước đi quan trọng để chúng tôi phát triển thị trường châu Á – một khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai tăng trưởng của Tập đoàn.
“Malaysia là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh và có rất nhiều cơ hội, nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và thiệt hại”.
Giao dịch kể trên đã được cơ quan quản lý nhà nước (ngân hàng Negara Malaysia) phê duyệt, hiện đang chờ sựthông qua của Đại hội đồng cổ đông MPHB Capital, công ty mẹ của MPHB.
Generali đang có mạng lưới hoạt động tại 9 nước trong khu vực châu Á gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Hãng bảo hiểm Nhật Bản đầu tư 105 triệu Bảng vào công ty telematics
(Insuranceage) – Công ty bảo hiểm Aioi Nissay Dowa (ADI), thành viên tập đoàn bảo hiểm MS&AD của Nhật Bản, vừathông qua chi nhánh của mình tại châu Âu đầu tư 105 triệu Bảng Anh để thâu tóm 75,01% cổ phần Tập đoàn Box Innovation Group(BIG) – công ty mẹ của hãng sản xuất thiết bị thu phát tín hiệu từ xa (telematics) danh tiếng châu Âu:Insure The Box.
Số cổ phần này được mua lại từTập đoàn Catlin và các cổ đông khác. 24,99% số cổ phần còn lại tại Box Innovation Groupdo ban quản trị BIG tiếp tục nắm giữ.
Theo đó, Tập đoàn Catlin sẽ nhận 85 triệu Bảng bằng tiền mặt để đổi lấy số cổ phần mà công ty này đã đầu tư lần đầu từ năm 2010.
ADI thông báo cho các cổ đông rằng hãng sẽ chi trả thặng dư vốn từ hoạt động đầu tư của mình.Chi tiết sẽ được công bố vào tháng 1/2015.
Dự kiến, giao dịch này sẽ hoàn thành trong quý I năm tới.
Trong một thông báo mới đây, MS&ADcho biết hãng tin tưởng rằng những tiến bộ công nghệ trong ngành công nghiệp ô tô và xu hướng công nghệ di động sẽ khiến nhu cầu về các giải pháp và dịch kết nối ô tô ngày càng tăng trong 10 năm tới.
Thông báo viết tiếp: “Công ty bảo hiểm Aioi Nissay Dowa tại châu Âu có năng lực vượt trội về bảo hiểm xe cơ giới và giải pháp di động.
“Giao dịch sẽ đem lại tiềm năng tăng trưởng và năng lực kinh doanh lớn trong tương lai cho tập đoàn BIG. Tại Nhật Bản, MS&ADcũng đã phát triển rất nhiều giải pháp dựa trên nền công nghệ telematics và chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào một tương lai thành công”.
Thông báo cũng cho biết ADI sẽ cử người vào ban quản trị và điều hành của BIG, đồng thời duy trì đội ngũ lãnh đạo, công nghệ và quy trình hiện có nhằm phát huy hơn nữa hoạt động kinh doanh bảo hiểm và quan hệ đối tác trên khắp châu lục.
Bên cạnh đó, ADI sẽ tiếp quản lại bộ phận đánh giá rủi ro tại hầu hết các mảng kinh doanh chính của công ty Insure The Box.
Allianz Worldwide Care ra mắt dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp mới
(Worldinsurance-network) –Allianz Worldwide Care, nhà bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe toàn cầu và làcông ty thành viên của Tập đoàn Allianz, vừa giới thiệu dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp mới có tên gọi “Allianz Corporate Assistance”.
Dịch vụ này nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân viên doanh nghiệp khi đi công tác xa và nhất là nhân viên biệt phái của các công ty đa quốc gia – những người phải làm việc ở nơi có mức độ rủi ro về sức khỏe và an ninh cao trong khi điều kiện chăm sóc y tế rất hạn chế hoặc thậm chí không có.
Ông Ron Buchan, Tổng Giám đốc Allianz Worldwide Care, cho biết: “Việc ra mắt dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Allianz là một bước đi tự nhiên và dễ hiểu”.
“Chúng tôi có nhiều khách hàng trong các ngành khai khoáng, xây dựng, dầu khí phải hoạt động tại các vùng xa xôi hẻo lánh, thiếu thốn điều kiện chăm sóc sức khỏe.Khách hàng mong muốn có các dịch vụ y tế và hỗ trợ cần thiết cho nhân viên của mình”.
Gói “Allianz Corporate Assistance” cung cấp các dịch vụ và cử nhân viên chăm sóc trong các trường hợp sơ cứu ban đầu, cấp thuốc từ xa, thông tin chung về sức khỏe và y tế, vận chuyển cấp cứu/ hồi hương, các dịch vụ khác có liên quan, đồng thời quản lý tình trạng bệnh nhân nội trú và ngoại trú.
Bên cạnh đó, “Allianz Corporate Assistance” còn bao gồm dịch vụ vận chuyển thuốc theo đơn, tham vấn ý kiến bác sỹ khác, và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Dịch vụ này sẽ chính thức xuất hiện trên thị trường từ ngày 1/1/2015 và bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể mua, cho dù doanh nghiệp đó hiện có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe quốc tế với Allianz Worldwide Care hay không.
BTV (tổng hợp).
Comments are closed.