Gỡ vướng pháp lý cho doanh nghiệp bảo hiểm trong đầu tư trái phiếu

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ “dễ thở” hơn khi thời gian tới cơ quan chức năng đồng ý tháo gỡ một số “nút thắt” trong quy định về trích lập dự phòng rủi ro và cách tính mức lãi suất liên quan đến trái phiếu chính phủ. Quy định về bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị cũng được thay đổi theo hướng thuận hơn cho đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bảo hiểm

Báo Đầu tư Chứng khoán từng thông tin việc lãi suất trái phiếu chính phủ xuống mức thấp hơn dự kiến trong suốt thời gian qua kéo theo sự sụt giảm mạnh của lãi suất chiết khấu áp dụng để tính dự phòng kỹ thuật.

Do quy định trích lập dự phòng rất thận trọng và nghiêm ngặt theo Luật Kinh doanh bảo hiểm Việt Nam, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã phải trích lập thêm dự phòng rất lớn trong năm 2017.

Xem thêm: bảo hiểm sức khỏeBảo hiểm thai sảnbảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Báo cáo hoạt động năm 2017 của nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đều có chi phí tăng đột biến so với năm trước do phải trích lập thêm dự phòng.

Một số công ty từ chỗ có lãi năm 2016 trở thành thua lỗ trong năm 2017… Để đối phó với những khó khăn này, thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm tích cực rà soát cắt giảm chi phí, bao gồm cả chi phí cố định cũng như chi phí phân phối sản phẩm.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng chuyển từ việc tập trung bán sản phẩm truyền thống sang bán sản phẩm liên kết chung, triển khai những sản phẩm có mức cam kết lãi suất thấp hoặc không đảm bảo lãi suất.

Đối với các sản phẩm truyền thống, nhiều doanh nghiệp cũng xem xét lại việc định phí lại với lãi suất tính phí và dự phòng, cùng với một loạt giải pháp khác như tăng vốn điều lệ để đảm bảo biên khả năng thanh toán và thúc đẩy quản trị rủi ro…

Đó là các giải pháp tình thế nhằm hạn chế các tác động của quy định theo Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và vấn đề giảm lãi suất.

Để thị trường phát triển toàn diện và ổn định, song song với các giải pháp trên, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng có nhiều kiến nghị tới cơ quan chức năng xem xét lại các quy định trích lập dự phòng rủi ro nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh lãi suất có thể còn nhiều thay đổi.

Cụ thể, về quy định trích lập dự phòng tối thiểu, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đề xuất, tăng tỷ lệ áp dụng từ 70% lên 95% lãi suất trái phiếu chính phủ đối với cách xác định lãi suất trích lập dự phòng; thay đổi khoảng thời gian tính trung bình lãi suất từ 6 tháng lên 36 tháng…

Về quy định điều kiện đối với đại lý bán sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị, các doanh nghiệp khối này một lần nữa đề nghị cơ quan quản lý xem xét việc nới lỏng để khuyến khích phát triển các sản phẩm này.

Cụ thể, bỏ quy định về kinh nghiệm 3 tháng đối với sản phẩm bảo hiểm kiên kết chung và 1 năm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị nhằm giúp đại lý mới có thể bán các sản phẩm dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng.

Ngoài ra, để thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng kiến nghị, cần có các ưu đãi về thuế đối với chủ hợp đồng tham gia các sản phẩm đầu tư; rà soát lại các quy định hiện hành, sửa đổi theo hướng cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm khối này được mở rộng thị trường đầu tư…

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, Bộ Tài chính đang xem xét và cơ bản đồng ý với các kiến nghị này, tuy nhiên, các sửa đổi cụ thể sẽ có điều chỉnh nhất định so với các đề xuất của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, việc thay đổi khoảng thời gian tính trung bình lãi suất từ 6 tháng lên 24 tháng, tỷ lệ áp dụng lãi suất trái phiếu chính phủ đối với cách xác định lãi suất trích lập dự phòng cũng có thay đổi so với đề xuất ban đầu…

Được biết, các  quy định mới sẽ chỉ được chính thức thực hiện khi Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định của Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo Gia Linh (ĐTCK)