Gỡ việc “nóng” vì quyền lợi người lao động

Cán bộ công đoàn có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh sẽ giúp hoạt động công đoàn đạt hiệu quả cao. Ảnh: Phương An(HNM) – Thống kê mới nhất của LĐLĐ Hà Nội cho thấy, tình trạng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lên đến 788,6 tỷ đồng. Trong khi đó, số DN đã ký thỏa ước lao động tập thể với người lao động (NLĐ) chỉ đạt dưới 50%.Số vụ tai nạn, tranh chấp lao động ngày càng gia tăng. Đây là những vấn đề “nóng” khiến tổ chức công đoàn (CĐ) đang phải tập trung mọi nỗ lực, tìm phương cách khắc phục.

Cán bộ CĐ đứng mũi chịu sào

Theo ông Trần Văn Thực, Chủ tịch LĐLĐ thành phố, trước tình hình kinh tế suy giảm, thu nhập của NLĐ thấp, giá cả tiêu dùng liên tục tăng và đứng ở mức cao, nhiều DN, chủ yếu là DN ngoài nhà nước đã không xây dựng thang bảng lương hợp lý, lại thực hiện nghĩa vụ BHXH, BHYT, BHTN với NLĐ một cách tùy tiện, ảnh hưởng xấu đến việc giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ. Các cấp CĐ đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, tiến hành hơn 2.300 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ và tham gia giải quyết 40 vụ tranh chấp lao động, khôi phục được khá nhiều quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho không ít NLĐ ở một số DN.

Để hỗ trợ, giảm khó khăn cho NLĐ, các cấp CĐ cũng đã chủ động tham gia nhiều việc khác như giải ngân trên 5 tỷ đồng, giúp hàng nghìn CNVCLĐ vay vốn phát triển kinh tế gia đình có thêm thu nhập từ 500 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, từ nguồn Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo, CĐ đã cho 1.142 CNVCLĐ khó khăn vay với tổng số vốn trên 11 tỷ đồng. Đồng thời, trợ cấp khó khăn kịp thời cho hơn 10 nghìn CNVCLĐ nghèo.

Qua thực tiễn cho thấy, ở đâu cán bộ CĐ có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh thì ở đó các phong trào công nhân và hoạt động CĐ đạt hiệu quả cao, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ được bảo đảm và ngược lại. Tuy nhiên, “rào cản” chính lại là hiệu lực quản lý nhà nước về lao động và CĐ còn hạn chế, pháp luật lao động chưa được người sử dụng lao động thực hiện nghiêm, còn nhiều DN và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chưa coi trọng vai trò của tổ chức CĐ và chưa ủng hộ việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Trong khi đó, Nhà nước cũng chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về CĐ cũng như chưa có cơ chế bảo vệ hiệu quả cán bộ CĐ cơ sở trong các DN…

Phá “rào cản”: Cách nào?

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch LĐLĐ quận Hà Đông bức xúc: Sáu tháng đầu năm, toàn TP xảy ra 40 vụ tranh chấp lao động, trong đó có hơn 30 vụ đình công, nguyên nhân chính là do các DN cố tình vi phạm, không thực hiện đúng và đủ chế độ, chính sách đối với NLĐ. Song điều đáng nói là, hiện đang có tình trạng, DN thuộc Nhà nước có vướng mắc quyền lợi với NLĐ thì nhanh được điều chỉnh, còn DN tư nhân sai phạm thì rất chậm được giải quyết. Tình trạng này có nguyên nhân từ vai trò can thiệp chính quyền và các cơ quan chức năng còn mờ nhạt. Do đó, tổ chức CĐ nhiều khi cũng “lực bất tòng tâm”, không đủ khả năng bảo vệ NLĐ.

Ông Nguyễn Công Âu, Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai nhận xét, hoạt động của CĐCS ngoài nhà nước rất khó khăn, vì rất ít đoàn viên, có DN chỉ 5-7 đoàn viên, trong khi cán bộ CĐ chuyên trách ở khu vực này lại quá “mỏng”. Ông Âu nêu sáng kiến, nên chăng hình thành mô hình tập hợp các CĐCS DN ngoài nhà nước nhỏ lẻ vào một cấp CĐ chung lớn hơn với bộ máy chuyên trách.

Từ thực tế nhiều nơi, dễ dàng nhận thấy rằng, hoạt động của cán bộ CĐCS nhất là khu vực ngoài nhà nước còn phụ thuộc vào công tác chuyên môn và thái độ chủ DN. Do đó, muốn cán bộ CĐ tâm huyết, nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ, vấn đề cơ bản vẫn là phải giải quyết từ “gốc”, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở đủ về lượng, mạnh về chất; có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ này. Mặt khác, phải tạo điều kiện để NLĐ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình thông qua công tác giáo dục pháp luật.

Linh Nhi
Báo Hànộimới

Comments are closed.