GiadinhNet – Chủ sử dụng liệu có phải đóng bảo hiểm cho người giúp việc? Ai sẽ giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa hai bên?Chế tài nào để “xử” khi các bên không chấp hành quy định?… Đó là một số trong rất nhiều những câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng khi quy định này được thông qua và đi vào thực tiễn cuộc sống.
Có hợp đồng cũng khó thu bảo hiểm
Theo dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, chủ sử dụng thuê người giúp việc gia đình ổn định lâu dài sẽ phải ký hợp đồng lao động. Hợp đồng này sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Bộ luật Lao động như mức lương tối thiểu, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ, điều kiện lao động, các chế độ khác cho người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp…
Những quy định nêu trên đang khiến nhiều người băn khoăn. Theo đó, mức lương tối thiểu sẽ là bao nhiêu khi dịch vụ thuê người giúp việc rất đa dạng dưới nhiều hình thức? Người dân sẽ phải hiểu quy định “chủ sử dụng thuê người giúp việc gia đình ổn định lâu dài sẽ phải ký hợp đồng” như thế nào? Trên thực tế, thời gian gắn bó giữa lao động giúp việc với chủ sử dụng chịu sự chi phối của quá nhiều yếu tố. Ví dụ, việc thuê người chăm sóc cho người ốm thì cả người đi thuê lẫn được thuê đều không thể ấn định được thời gian bao lâu thì người bệnh hết ốm để làm hợp đồng? Còn nữa, thời gian làm việc của người giúp việc gia đình cũng thường không ổn định. Có khi đang làm việc, vì có việc riêng người giúp việc phải nghỉ giữa chừng thì giải quyết ra sao với vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế? v.v…
Chưa kể, trong trường hợp khi các bên có được hợp đồng đúng quy định thì cơ quan nào sẽ giám sát, nhận khiếu nại, tư vấn cho các bên khi nảy sinh các tranh chấp? Phải chăng cơ quan lao động địa phương lại phải bố trí thêm nhân sự để đảm trách việc này? Cùng đó, chế tài áp dụng cho bên vi phạm sẽ ra sao? Đây là những vấn đề cần được làm rõ khi Bộ Luật lao động mới được thông qua và đi vào thực tiễn đời sống.
Vấn đề khiến cả dư luận và cơ quan quản lý nhà nước liên quan… đau đầu, đó là quy định đóng các loại bảo hiểm cho lao động giúp việc. Xét về hình thức đóng, nếu là một người lao động làm việc trong doanh nghiệp thì tiền bảo hiểm sẽ được trích từ tiền lương của người lao động và tiền doanh nghiệp. Còn giữa người lao động với cá nhân các hộ gia đình thì việc đóng bảo hiểm sẽ được triển khai như thế nào? Chủ sử dụng lao động có phải bỏ tiền đóng bảo hiểm như doanh nghiệp hay không? Và một khi có những quy định cụ thể thì việc thực hiện đóng bảo hiểm có khả thi?
Khó vẫn… phải làm?!
Những quan ngại nêu trên là hoàn toàn có cơ sở. Chia sẻ các băn khoăn này, bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng: “Việc thu bảo hiểm từ doanh nghiệp, từ các tổ chức có tư cách pháp nhân còn rất khó. Nếu quy định người giúp việc phải đóng bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Tuy nhiên, khi đưa ra một chính sách mới thì sẽ có những quy định cụ thể để thực thi”.
Còn ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ, TB&XH) khi nói về những khúc mắc đã cho biết: “Quy định về lao động giúp việc đã được quy định trong Bộ Luật lao động cũ. Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng lao động giúp việc ngày một cao cho nên trong dự thảo sửa đổi Bộ Luật lao động lần này có bổ sung cụ thể hóa hơn. Việc chủ sử dụng và người giúp việc phải ký hợp đồng lao động là một trong những nội dung quan trọng. Hợp đồng là văn bản quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên. Mục đích cuối cùng là nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên liên quan”.
Ông San cũng nhấn mạnh thêm: “Tránh tình trạng chủ sử dụng lao động thuê người giúp việc rồi về muốn đối xử, mắng mỏ hoặc có những hành động, việc làm không tôn trọng. Mặt khác người lao động cũng phải dần ý thức trách nhiệm của mình khi làm việc. Cả hai bên phải xem đây là một nghề như bao nghề khác để có những ứng xử phù hợp, đúng quy định”.
Trước lo ngại các chính sách đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khó có tính khả thi, ông San cho rằng: “Bảo hiểm có hai loại gồm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Vấn đề ở đây là phải làm sao tuyên truyền cho người lao động ý thức được việc nếu đóng bảo hiểm thì sau này anh sẽ được hưởng lợi, còn nếu không đóng thì anh sẽ không được hưởng những lợi ích mà các loại hình bảo hiểm đem đến”. Về chế tài thực hiện khi quy định này được áp dụng vào thực tế, ông San cho biết sẽ có một Nghị định riêng quy định về vấn đề này. Nếu các bên vi phạm, dựa vào mức độ sẽ có những chế tài cụ thể điều chỉnh.
Tuy nhiên, những giải thích này của các cơ quan chức năng liên quan xem ra vẫn chung chung khi mà yếu tố “tuyên truyền, vận động” vẫn là chủ đạo. Cái sự “khó” trong thu bảo hiểm với các doanh nghiệp là một, thì với các hộ gia đình riêng lẻ còn tăng lên gấp bội.
Công Tâm
Giadinh.net.vn, Báo Gia đình và Xã hội, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình
Comments are closed.