Giảm thiểu rủi ro

chi_nhanh_bhtg_vn_khu_vuc_ha_noi-giam_thieu_rui_ro.jpgNgày 19/11/2007, Bảo hiểm tiền gửi VN Chi nhánh khu vực Hà Nội (DIV Hà Nội) kỷ niệm 5 năm ngày thành lập. Nhân dịp này, DĐDN đã có cuộc PV nhanh TS Nguyễn Thị Kim Oanh – Giám đốc DIV Hà Nội.

– Là chi nhánh được thành lập muộn nhất (tính đến nay) trong hệ thống của BHTG VN, nhưng lại nằm trên một địa bàn trọng điểm – trung tâm kinh tế chính trị của cả nước, DIV Hà Nội đã “vượt khó” thế nào, thưa bà?

Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi VN khu vực Hà Nội thành lập theo Quyết định số 108/2001/QĐ-HĐQT ngày 26/12/2001 của Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTG VN và chính thức khai trương đi vào hoạt động ngày 27/5/2002. Thực hiện sự phân công của BHTG VN, chi nhánh chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng trên địa bàn 13 tỉnh và 01 thành phố bao gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình, Hưng Yên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng và TP Hà Nội. Tính đến ngày 31/10/2007, chi nhánh trực tiếp làm việc với 260 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm: 19 NHTM; 3 Cty Tài chính; 2 Cty cho thuê tài chính và 236 QTDND cơ sở.

Có thể nói khu vực Hà Nội là địa bàn đa năng, có nhiều yếu tố nhạy cảm, mọi thay đổi và biến động của hệ thống tài chính – ngân hàng đều ảnh hưởng trực tiếp đến các tổ chức tham gia BHTG. Ngoài thành phố Hà Nội và một số các tỉnh đồng bằng, địa bàn các tỉnh còn lại giao thông đi lại khó khăn, có những nơi người dân có rất ít cơ hội nắm bắt được thông tin về hoạt động tài chính, ngân hàng cũng như tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG. Vì vậy, có khó khăn lớn cho việc tuyên truyền và phổ biến chính sách BHTG. Các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn giao dịch của Chi nhánh Hà Nội, không chỉ đa dạng về loại hình, quy mô hoạt động mà còn có sự khác nhau lớn về năng lực cạnh tranh, do đó việc giám sát và kiểm tra các tổ chức này cần có những biện pháp linh hoạt và thích hợp.

DIV Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các chỉ tiêu giám sát tương đối phù hợp với quy định của Nhà nước về BHTG và áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giám sát. Song song với công tác giám sát từ xa, công tác kiểm tra tại chỗ giúp chi nhánh đánh giá được chính xác thực trạng hoạt động của tổ chức tham gia BHTG.

– Hoạt động BHTG ở VN là một hoạt động mới. DIV?Hà Nội đã làm gì để góp phần đưa chính sách BHTG đi vào cuộc sống, thưa bà?

Việc triển khai công tác thông tin tuyên truyền trong giai đoạn này rất quan trọng. Chi nhánh đã quyết tâm triển khai công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức và mang lại hiệu quả thiết thực như: nghiên cứu, khởi xướng tuyên truyền bằng tờ rơi, các ấn phẩm; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền; tổ chức thành công 18 hội nghị khách hàng, hội nghị tập huấn nghiệp vụ BHTG… Đặc biệt, cán bộ của chi nhánh đã nghiên cứu xuất bản cuốn sách “Bảo hiểm tiền gửi – nguyên lý, thực tiễn và định hướng” – đây là ấn phẩm chính thức đầu tiên ở VN về chính sách BHTG được Nhà xuất bản Lao động kiểm duyệt và phát hành.

Hoạt động của chi nhánh được đánh giá có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của BHTG VN; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng và sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và thủ đô Hà Nội.

– Một trong những khó khăn chung của ngành bảo hiểm tiền gửi là nguồn nhân lực. Với DIV?Hà Nội thì sao, thưa bà?

Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, DIV Hà Nội luôn chú trọng công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ, đảm bảo hoạt động nghiệp vụ theo yêu cầu. Đến nay, tổng số cán bộ viên chức của Chi nhánh là 67 người (tăng 28 người), trong đó: có 2 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 50 cán bộ có trình độ đại học, với gần 70% là đoàn viên thanh niên, 62% là cán bộ nữ. Chi nhánh hiện đang triển khai một số nghiệp vụ chủ yếu là: giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ, theo dõi nộp phí, hỗ trợ tài chính, thông tin tuyên truyền, chi trả và theo dõi sau chi trả.

– Xin cảm ơn bà.
(Theo DDDN)

 

Comments are closed.