Tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN, từ đó dẫn đến tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH).
Tuy nhiên, cũng có nhiều DN ăn nên làm ra nhưng vẫn cố tình không nộp BHXH theo quy định. Điều này gây thiệt hại không nhỏ cho người lao động và là vấn đề nhức nhối của cơ quan BHXH.
Tập đoàn cũng nợ bảo hiểm
Ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH TP.HCM sẽ thực hiện chốt sổ BHXH để giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động với những DN nợ BHXH dưới 3 tháng nếu DN làm cam kết sẽ trả nợ. Trường hợp DN đang nợ BHXH mà có người lao động nghỉ hưu hoặc người hưởng chế độ tử tuất thì được phép đóng BHXH riêng cho các đối tượng này để giúp họ chốt sổ. Ngoài ra, nếu DN nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thì ưu tiên đóng bảo hiểm y tế trước. Trong trường hợp DN có chủ bỏ trốn, người lao động nên liên hệ chính quyền địa phương nơi DN đặt trụ sở để xác nhận tình trạng hiện tại của DN, sau đó cơ quan BHXH sẽ kiểm tra và chốt sổ BHXH cho người lao động. Trong thời gian tới, BHXH TP.HCM sẽ triển khai việc thông báo mức phí BHXH hàng năm của DN để người lao động được biết. Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM: Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 500-600 lao động đến đăng kí bảo hiểm thất nghiệp, thậm chí có những ngày Trung tâm đón tiếp hàng ngàn người lao động, phần lớn là những lao động có khó khăn thực sự. Vì vậy, nếu DN nợ BHXH sẽ gây thiệt thòi cho người lao động vì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay, mức phạt tối đa đối với DN nợ BHXH là 30 triệu đồng chưa đủ mạnh để các DN thực hiện nghiêm túc. Vì thế có rất nhiều DN chấp nhận chịu xử phạt vài chục triệu đồng, hơn là phải nộp BHXH từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Hơn nữa, các DN nợ BHXH sẽ được tính lãi chậm nộp thấp hơn nhiều so với mức lãi của ngân hàng, nên nhiều DN sẵn sàng chấp nhận bị phạt thay vì đi vay vốn ngân hàng để nộp BHXH. |
Tính đến hết năm 2012, tổng số tiền nợ BHXH trên địa bàn TP.HCM lên đến 1.450 tỉ đồng, tăng 16,5% so với cùng kì năm 2011. Trong số này, nợ BHXH trên 6 tháng có xu hướng tăng, từ mức chỉ chiếm 20% tổng dư nợ lên đến 35% tổng dư nợ.
Điển hình như một số công ty con thuộc Tập đoàn Mai Linh hiện nợ BHXH trên 46,3 tỉ đồng. Các DN thuộc Tập đoàn Vinashin nợ 9,3 tỉ đồng, Tập đoàn Vinalines nợ 4,5 tỉ đồng. Ngoài ra, một số DN trong ngành may mặc như Ilshin Womo nợ 4,7 tỉ đồng, Sea Hwa Vina tổng số tiền nợ BHXH lên đến 6,3 tỉ đồng. Nhìn chung, các lĩnh vực như xây dựng, may mặc, giày da, tàu biển… đang là những đơn vị nợ BHXH nhiều nhất.
Ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, do tình hình kinh tế có nhiều biến động, lạm phát tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN dẫn đến việc nợ BHXH. Tuy nhiên, cũng có nhiều DN ăn nên làm ra nhưng vẫn trây ỳ, cố tình không nộp BHXH theo quy định, gây thiệt thòi cho quyền lợi người lao động. Bởi vì, khi DN không đóng BHXH, người lao động sẽ không được hưởng các chế độ, chính sách liên quan trong thời gian làm việc như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Đặc biệt, khi nghỉ việc họ sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thậm chí sẽ mất cả thời gian tham gia BHXH trước đó nếu không được chốt sổ.
Gian nan đòi nợ BHXH
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, hàng năm, BHXH TP.HCM đều triển khai kiểm tra đối chiếu tại đơn vị, gửi thu nhắc nợ, phối hợp với các sở, ban, ngành cũng như Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM kiểm tra các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH.
Tuy nhiên, trước thực trạng nợ kéo dài của nhiều DN, khiến cơ quan BHXH của Thành phố đòi nhiều lần, nhiều cách không được, đành phải gửi đơn kiện ra tòa. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó phòng thu BHXH TP.HCM cho biết, năm 2012, đơn vị đã khởi kiện 594 DN ra tòa với tổng số tiền nợ BHXH gần 237 tỉ đồng, kết quả thu hồi 64 tỉ đồng, đạt 27%. Nhiều DN tuy đã bị khởi kiện ra tòa nhưng việc thi hành án gặp khó khăn do DN cố tình né tránh, trì hoãn việc thi hành án.
Chẳng hạn như Công ty TNHH Pyramid Consulting Việt Nam liên tục để nợ BHXH, bảo hiểm y tế kéo dài. Bà Hạnh cho biết, dù đã được các cơ quan chức năng nhắc nhở nhưng Công ty vẫn cố tình để nợ đóng BHXH, BHYT kéo dài, trong khi đó hàng tháng vẫn khấu trừ và chiếm dụng 7% BHXH, BHYT từ tiền lương của 152 lao động.
BHXH TP.HCM đã phải khởi kiện DN ra tòa nhiều lần từ năm 2010 đến 2012. Hiện Công ty còn nợ BHXH 3,6 tỉ đồng với thời hạn 7 tháng. Rõ ràng đây là hành động coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, gây nhiều khó khăn cho việc giải quyết kịp thời các chế độ BHXH của người lao động, làm cho đời sống của người công nhân, những người làm công ăn lương vốn đã khó khăn càng thêm khốn đốn.
Trường hợp của Công ty TNHH Glentruan, tổng số tiền nợ cơ quan BHXH TP.HCM đến hết tháng 5-2012 là hơn 423 triệu đồng. Theo quyết định của Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, đến hết ngày 20-9-2012, Công ty TNHH Glentruan phải nộp cho BHXH TP.HCM, nhưng Công ty vẫn không thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, để đảm bảo giải quyết kịp thời quyền lợi của người lao động theo quy định pháp luật, BHXH TP.HCM đã phối hợp với Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Thủ Đức trích tiền từ tài khoản của Công ty mở tại ngân hàng với số tiền 295 triệu đồng. Như vậy, hiện Công ty còn nợ quỹ BHXH số tiền trên 128 triệu đồng…
Tình trạng nhiều DN giải thể không còn hoạt động, chuyển đi nơi khác cũng đã bỏ luôn nghĩa vụ phải đóng BHXH, hoặc khai báo không trung thực về số lao động và mức lương tại DN cũng còn diễn ra khiến cho số nợ BHXH tăng lên… Trong khi đó, theo ông Đỗ Quang Khánh, cái khó nhất của ngành bảo hiểm là trực tiếp phát hiện ra các sai phạm nhưng không được quyền xử phạt.
BHXH là cơ quan tổ chức đi thu nhưng theo quy định của pháp luật, cơ quan này không có chức năng thanh tra, xử phạt đối với những vi phạm chính sách BHXH của chủ sử dụng lao động, mà phải thông qua các cơ quan chức năng quản lí Nhà nước. Do vậy, số vụ nợ BHXH bị phát hiện nhiều nhưng thực tế xử phạt còn rất ít và chậm trễ. Mặt khác, khi cơ quan chức năng tới kiểm tra, thanh tra, xử phạt có nhiều DN lại đối phó trả nợ theo kiểu nhỏ giọt, rồi lại tiếp tục nợ…
Nguồn baohaiquan.vn
Comments are closed.