Gian lận Bảo hiểm – Có hay không cơ sở chế tài

alt

WBH: Theo đánh giá của Cục QLGS Bảo hiểm, tình hình gian lận trong bảo hiểm ngày càng tăng về số lượng với những hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn người tham gia bảo hiểm chân chính. Tính riêng số vụ trục lợi bảo hiểm bị phát hiện trong giai đoạn 2007 – 2011 là hơn 44.000 vụ, với tổng số tiền hơn 410 tỷ đồng. Đây là thực trạng nhức nhối đối với ngành bảo hiểm Việt Nam hiện nay. Webbaohiem trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết của tác giả Thái Văn Cách về vấn đề này.

Phần 1: Tản mạn  về gian lận bảo hiểm

Gian lận thương mại đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm không phải là điều mới mẻ. Ngay từ khi bảo hiểm còn sơ khai dưới hình thức “à la grosse aventure” (cho vay mạo hiểm) lich sử đã ghi lại vụ gian lận thương mại xảy ra cách thời chúng ta trên 1000 năm, liên quan đến một tàu chở ngô bị cố tình đục thủng đáy làm tàu bị đắm trên đường đi từ Syracuse đến Piraneus. Mục đích của việc này là tránh cho thuyền trưởng phải trả khoản tạm ứng trước tiền hàng. 

Hơn 300 năm trước, Samuel Pepys, một Thư ký của Hải quân Anh quốc đã ghi trong Nhật ký của mình về một con tàu đi từ Luân đôn sang Pháp, trên đó có chuyên chở hàng hóa là bơ đóng kiện. Khi dỡ hàng, người ta phát hiện ra rằng đó là các kiện chứa than đá với một lớp bơ bôi lem nhem ở bền ngoài nhằm qua mặt các nhân viên Hải quan tại cảng xếp hàng. 

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, lừa đảo, gian lận trong hàng hải và nhất là trong bảo hiểm hàng hải ngày càng phát triển tinh vi, trở thành một hiểm họa tiềm tàng lớn đến mức năm 1856 một nhóm các thành viên của Lloyd và đại diện các công ty bảo hiểm hàng hải hoạt động tại Luân đôn đã phải thành lập một Hiệp hội để bảo vệ các quyền lợi của họ trong bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm hàng hóa trong trường hợp có sự lừa đảo, gian lận. Hiệp hội này mau chóng đạt được những thành công ngay trong những năm đầu mới thành lập trong việc đưa những kẻ bất lương ra trước công lý. Năm 1867, Hiệp hội này sát nhập với Royal Charter trở thành một thực thể có tư cách pháp nhận. Tháng 10 năm 1971, Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị đã đổi tên tổ chức Royal Charter thành Hiệp hội cứu hộ hàng hải và dưới cái tên này Hiệp hội hoạt động đến ngày nay. 

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi Nam Phi còn chìm trong nạn phân biệt chủng tộc Aparthai và bị nhiều nước cấm vận, vụ tàu chở dầu Salem bị mất tích bí ẩn, được coi là bị chìm, thủy thủ đoàn cũng làm mồi cho hà bá tại Đại Tây Dương trong vùng tam giác Becmuda, sẽ mãi là nỗi ám ảnh các nhà bảo hiểm cho tới tận hơn 10 năm sau khi Thuyền trưởng của tàu được phát hiện đang cùng người tình trẻ cặp kè tại một bãi nghỉ mát trên bờ Địa Trung Hải thì câu hỏi mới được giải mã.

Vào những năm 1978-1979 các nhà bảo hiểm Hàng hải Đông Nam Á lại được một phen phải lao tâm khổ tứ bởi liên tiếp có tàu bị chìm tại vùng Biển Đông. Các nhà bảo hiểm trong khu vực và Luân đôn nghiên cứu và dần nhận ra một mẫu chung, một hiện tượng rõ ràng đến từ đa số các vụ tổn thất đó là : những tàu cũ với giá trị bảo hiểm thân tàu tương đối khiêm tốn nhưng giá trị hàng hóa chúng chuyên chở lại rất cao như thiết bị điện tử, hàng dệt, cá đông lạnh… đắm ở vùng nước sâu khi một hay hai khoang tàu bị rò rỉ trong điều kiện thời tiết tốt và không có dấu hiệu chết người.

alt

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)


Các nhà bảo hiểm vào cuộc, có cả sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí trong khu vực và kết quả là nhiều vụ việc được phanh phui, đó là những vụ lừa đảo trong bảo hiểm thân tàu và hàng hóa. Vụ tàu Starter là một điển hình. 
Tàu Starter gồm 2 khoang hàng chính, có tổng trọng tải đăng ký là 1.564 tấn, 21 tuổi vào thời điểm đó. Ngày 26/8/1978 tàu khởi hành từ Hồng Kông đi Singapore và Jakarta; trên tàu chở một lượng hàng hóa có giá trị cao thời đó là các máy radio cassette, camera, băng từ… Khởi hành được vài tiếng thì thuyền trưởng báo cáo tàu gặp gió lớn. Theo báo cáo từ tàu thì ngày 27, gió mạnh lên cấp độ cao và tàu phát hiện rò rỉ ở khoang số 1. Một lúc sau, Thuyền trưởng báo cáo tàu bị hỏng 1 trong những động cơ và đến ngày 28/8 thì có thêm vết rò rỉ thứ ở khoang thứ hai. Con tàu được cho là ở tình trạng rất tồi tệ vào chiều tối ngày 28, Thuyền trưởng điện xin phép cho tàu quay trở lại Hồng Kông vì các máy bơm nước không đủ sức bơm được nước ra ngoài từ các lỗ rò rỉ và khi một động cơ chính nữa của tàu bị hỏng. Thuyền trưởng quyết định rời bỏ tàu vào giờ đầu tiên của ngày 29/8 tại vị trí 19.2 độ vĩ bắc và 113.2 độ kinh đông. Không có bức điện báo nguy nào được gửi đi vì điện đài cũng được cho là bị hỏng. Con tàu “biến mất” chỉ một lúc sau khi bị từ bỏ và thủy thủ đoàn được một tàu cá cứu thoát, đưa đến cửa sông Pearl sau đó hồi hương về Macau.
Vào tháng 4/1979, tàu Starter được tìm thấy đang bỏ neo tại một xưởng sửa chữa tàu ở Quảng Châu. Những điều tra sau này cho thấy không có bất kỳ một rò rỉ nào tại các khoang hàng của tàu này và con tàu  khi rời khỏi Hồng Kông chỉ  với 2 hòm nhỏ hàng hóa trên boong. Số hàng hóa của tàu hoặc đã không tồn tại hoặc đã được tập trung lại cho chuyến tàu sau và sau đó được bán riêng rẽ…
Dài dòng như vậy, cũng chỉ để nói rằng khi hoạt động thương mại phát triển, thông thương dễ dàng và nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa thì cơ hội cho gian lận trong lĩnh vực bảo hiểm không vì thế mà giảm đi, nó phát triển từ bảo hiểm hàng hải sang các nghiệp vụ khác, dịch vụ khác nhất là bảo hiểm ô tô và bảo hiểm con người.
Khi còn sử dụng đồng Franc, trong những năm 90 của thế kỷ trước, theo Hiệp Hội bảo hiểm Pháp (FFSA) thì mỗi năm các công ty bảo hiểm Pháp đã mất khoảng trên 1 tỷ franc cho các gian lận bảo hiểm.
Ở Việt nam, ngay từ thời Pháp thuộc, vào khoảng cuối những năm 30 đầu những năm 40 của thế kỷ trước, khi đó đại lý của một số công ty bảo hiểm Pháp bắt đầu đưa các dịch vụ bảo hiểm vào nước ta, thì ngay lập tức đã xuất hiện các hành vi gian lận bảo hiểm. Cố nhà văn lão thành Nguyễn Công Hoan, trong một tác phẩm  nối tiếng của mình có kể về một lang băm tên là Albert Thừa. Thừa bị hớ khi mua một ngôi nhà cũ vừa được sơn quét lại với giá khá đắt là 150 quan, đang bực mình khi phát hiện nhà đã cũ nát thì được một người thầu khoán xây dựng hỏi mua lại cũng với giá đó nhưng lại được đề nghị ghi trên hóa đơn là 3000 quan, và nhà thầu khoán còn hứa sẽ lăng xê Albert Thừa, một kẻ háo danh vào làng văn. Mọi thỏa thuận đã xong, Albert Thừa tưởng nhà thầu khoán kém cỏi nhưng lại được nhà thầu khoán rỉ tai : anh ta sẽ mua bảo hiểm cháy cho ngôi nhà với giá 3000 quan theo giá hóa đơn, sau đó một vài tháng sẽ cho người khéo léo đốt ngôi nhà để đòi tiền bảo hiểm với số tiền cao gấp 20 lần số tiền phải trả cho Albert Thừa khi mua nhà.
alt
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Có lẽ câu “ hậu sinh khả úy” không đúng với những kẻ gian lận bảo hiểm vào những năm đầu của thế kỷ 21 này nhưng  thực tế cho thấy gian lận trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới và con người  tại Việt nam đang ngày càng tinh vi với các thủ đoạn xảo quyệt hơn. 
Một thời gian khá dài, tai nạn người ngồi trên xe máy là nỗi ám ảnh của không ít các công ty bảo hiểm triển khai nghiệp vụ này. Thủ tục đòi bồi thường khá đơn giản: bên canh sổ khám bệnh, chứng từ, hóa đơn thuốc của bác sỹ thì chỉ cần xác nhận của chính quyền địa phương hay cơ quan về vụ tai nạn, thế là được bồi thường. Có thể ngã khi bước từ trên giường xuống do ngái ngủ nhưng lại kê khai là ngồi sau xe máy của anh X, chị Y, tránh xe đột ngột từ trong ngõ đi ra bị ngã, bị thương – thế là được bồi thường miễn là chủ chiếc xe đó có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự và tai nạn người ngồi trên xe. Bảo hiểm tai nạn học sinh cũng bị gian lận, số tiền bồi thường mỗi vụ không nhiều nhưng nhiều vụ do một người đạo diễn thì lại có. Vụ lập hồ sơ khống để đòi tiền bảo hiểm học sinh ở Thanh Hóa cách đây gần 10 năm là một ví dụ.
 
Những người làm bảo hiểm xe cơ giới có lẽ đều biết, vụ chiếc xe Camry lao xuống dốc Cun tỉnh Hòa Bình, cách đây gần 20 năm. Chiếc xe được nhập lậu vào Việt nam, xe mới và người tậu nó là một công chức nhà nước – ngày ấy tại các tỉnh phía Bắc, người có xe riêng hiếm lắm, sau này khi điều tra buôn lậu, các nhà điều tra mới biết nó được mua với giá 270 triệu đồng. Không biết với ngón võ gì, nhưng chủ chiếc xe lại đăng ký được và đóng thuế có hóa đơn đàng hoàng với giá 420 triệu đồng. Chủ xe mua bảo hiểm vật chất xe đúng giá trên hóa đơn. Ba tháng sau ngày mua bảo hiểm, một hôm chủ xe lái xế hộp đi Hà Nội và trên đường về lại Sơn La, qua dốc Cun (Hòa Bình) – đường khi đó còn khó đi chứ không đẹp như bây giờ, vào khúc cua, chiếc xe lao xuống vực, hiện trường còn lại là vết xe lăn và chiếc xe giờ chỉ là đống sắt  móp méo. Lạ thay, chủ xe kiêm lái xe lại nhảy ra được, không hề xây xước. Kết luận của Cảnh sát giao thông là tai nạn. Công ty bảo hiểm đề nghị Cảnh sát điều tra Hòa Bình vào cuộc, kết luận vẫn là tai nạn. 400 triệu đồng được Công ty bảo hiểm giải quyết bồi thường cho chủ xe (tại thời điểm đó, 400 triệu đồng là một khoản tiền rất lớn).
Gần 3 năm sau, chiêc ô tô đã tan xác pháo ấy lại bỗng trở thành mắt xích quan trọng trong chuyên án buôn lậu xe ôtô qua biên giới của cơ quan cảnh sát chống buôn lậu Bộ Công an. Các nhà điều tra đã tìm đến Công ty bảo hiểm và câu hỏi được đặt ra là vì sao Công ty bảo hiểm lại bán bảo hiểm với giá trị 420 triệu đồng và cơ sở bồi thường 400 triệu. Thật may cho những người làm bảo hiểm, người ta chỉ cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm trên cơ sở có Đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền cấp và giá trị xe dựa trên hóa đơn tính thuế 420 triệu đồng. Nguyên nhân tai nạn thì có tới 02 bản kết luận của cơ quan Công an, cái nào cũng hợp lệ (mà không ai có thể kết luận khác đi được khi vào khúc cua, lái xe không quen đường, chỉ một chút sơ xẩy thì ắt là lao xuống vực, chứ không ai bỗng dưng vứt chiếc xe gần nửa tỷ bạc xuống vực). Giá trị pháp lý thì khỏi phải bàn và thực sự thì xác chiếc xe không thể sửa chữa. Chủ xe có thấy trước nguy cơ bị tịch thu tang vật của vụ buôn lậu hay không thì chỉ có chủ xe (người sau đó đã ra khỏi lực lượng vũ trang) mới biết. Vụ án buôn lậu được báo chí đăng tải với những tình tiết hấp dẫn, người ta chỉ không biết và không thấy nói tại sao mà chủ xe có thể như Tôn Ngộ Không hô biến chiếc xe từ trên đường xuống vực sâu, chỉ biết chiếc xe gặp nạn lăn xuống vực, lái xe thoát chết trong gang tấc và anh ta sau đó cũng thoát khỏi chuyên án buôn lậu trong gang tấc, còn Công ty bảo hiểm phải bồi thường 400 triệu, so với cái giá 270 triệu mua xe (không kể các chi phí khác) thì rõ ràng là chủ xe có lời (khi bồi thường, công ty bảo hiểm cũng chưa biết việc mua xe lậu, chỉ chi tiền theo hợp đồng bảo hiểm và động viên chủ xe: thôi thì của đi thay người, vẫn còn may). Sau này khi biết rõ sự việc mới hiểu chủ xe đã có lời; còn khoản lời ấy có bằng với việc đi buôn lậu hay không thì chịu vì người viết bài này chưa từng đi buôn.
Thái Văn Cách
(Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông)
Hết Phần 1. 
Mời các bạn đón đọc tiếp Phần 2: Vẫn đó gian lận, có hay không cơ sở để chế tài)

{flike}

Comments are closed.