Giám sát thực thi Luật Bảo hiểm y tế ở Hà Nội Rườm rà, nhiêu khê, khó thực hiện

Nơi đón tiếp bệnh nhân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại Bệnh viện Bạch Mai.  Ảnh: Linh Tâm(HNM) – “Đã hơn 9 tháng kể từ ngày Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đi vào cuộc sống (ngày 1-10-2009), song đến nay, các trường hợp bị tai nạn giao thông (TNGT) vẫn đang chờ “cấp có thẩm quyền” xác nhận” không vi phạm pháp luật” để được hưởng quyền lợi BHYT.
Với Hà Nội, địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, đây cũng là nỗi niềm của lãnh đạo Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội trong buổi giám sát công tác cấp, đổi thẻ, thanh toán BHYT trên địa bàn Thủ đô do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) tổ chức ngày 23-7.
Nhiều văn bản hướng dẫn
Có thể nói, chưa có một luật nào lại có nhiều văn bản, Nghị định, Thông tư hướng dẫn đi kèm nhiều như luật BHYT. Từ việc quy định cùng chi trả, quy định về thủ tục khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi đến việc thực hiện khám chữa bệnh theo thẻ BHYT mới… đã khiến cho người có thẻ BHYT thực sự bối rối. Mặc dù tại các bệnh viện và cơ sở y tế đều tăng cường nhân viên trực tại khu vực tiếp nhận để giải thích và hướng dẫn bệnh nhân về quyền lợi và nghĩa vụ của bệnh nhân BHYT theo quy định của luật, nhưng đến nay không ít người bệnh tỏ thái độ không hài lòng về chu trình ”4 mới” này (thẻ BHYT mới, mã thẻ mới, quyền lợi mới và mức đóng mới). Hiện một người có thẻ BHYT đến khám tại bệnh viện phải qua rất nhiều ”cửa” mới được lĩnh thuốc. Việc xác định bệnh nhân thuộc đối tượng nào, cùng chi trả 20% hay 5% cũng khá rắc rối.

Vì những bất cập này, hiện nay không ít hộ cận nghèo trên địa bàn Hà Nội không muốn tham gia BHYT. Còn theo Sở Giáo dục và đào tạo, có 20% số học sinh trên địa bàn chưa đóng bảo hiểm. Trên thực tế, với số lượng người tham gia BHYT hiện nay, điểm khám chữa bệnh ban đầu là cơ sở y tế cấp huyện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ông Nguyễn Đức Hòa – Phó giám đốc BHXH Hà Nội chia sẻ, từ năm 1992 đến nay số dân trên địa bàn Thủ đô liên tục tăng, trường học tăng nhưng cơ sở y tế chưa tăng. Một số huyện ngoại thành Hà Nội như Phúc Thọ, Mỹ Đức, Phú Xuyên cũng đang thiếu bác sỹ trầm trọng. Để giải quyết bài toán nhân lực, Sở Y tế đã chỉ đạo không thi tuyển, chỉ xét tuyển nhưng rất ít người mặn mà nộp hồ sơ. Với cơ sở y tế yếu kém, nhân lực thiếu, thủ tục khám chữa bệnh rườm rà, mục tiêu Bộ Y tế đưa ra là đến năm 2014 sẽ thực hiện BHYT toàn dân cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo ông Hòa, để làm được việc này, cần coi BHYT là loại hình dịch vụ phi lợi nhuận. Thời gian vừa qua, người mua BHYT tự bỏ tiền túi ra khá nhiều, nhưng chất lượng khám chữa bệnh chưa tương xứng. Cần mã hóa thẻ BHYT như như thẻ ATM, bệnh nhân đến khám chỉ cần quẹt mã vạch mà không phải chờ đợi, xếp hàng khổ sở như hiện nay. Vì những tiện ích này, ông Hòa đề nghị cho Hà Nội làm thí điểm đầu tiên

Nan giải cách chi trả BHXH

Hôm qua, ngoài vấn đề thủ tục khám chữa bệnh rườm rà, thiếu bác sỹ, một vấn đề khác được dư luận quan tâm là quy định thanh toán bảo hiểm với người bị TNGT cũng được đưa ra mổ xẻ. Theo ông Hòa, Thông tư 09 của liên Bộ Y tế, Tài chính quy định trường hợp chưa xác định được có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị TNGT tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở y tế. Khi có xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền thì người bệnh mang chứng từ đến BHXH để thanh toán theo quy định. Quy định là như vậy, nhưng thực tế qua nhiều lần làm việc với Phòng CSGT-CATP Hà Nội, ông Hòa khẳng định, từ trước đến nay, cơ quan CA không có nhiệm vụ xác nhận vi phạm này ngoài việc lập biên bản hiện trường của vụ tai nạn. Trong khi đó, theo đề xuất mới nhất của Bộ Y tế, sẽ giao cơ quan BHXH chi trả tiền bảo hiểm trước, sau đó BHXH có trách nhiệm cùng với cơ quan CA điều tra, xác minh xem bệnh nhân có vi phạm Luật Giao thông hay không. Nếu vi phạm Luật Giao thông, BHXH có trách nhiệm truy thu khoản đã chi. Thế nhưng, ông Hòa cho rằng quy định này là không khả thi. Hiện BHXH không đủ lực lượng, cán bộ để xác minh từng trường hợp bệnh nhân bị TNGT có vi phạm luật hay không. Kể cả trường hợp xác minh xong, biết rõ bệnh nhân vi phạm luật và đã ra viện nhưng nếu họ nghèo khó, địa chỉ không rõ ràng… thì làm sao đòi nợ?

Việc thực hiện Luật BHYT đang còn nan giải là vậy, nhưng đến nay, Bộ Y tế cũng chưa có biện pháp nào giải quyết dứt điểm những khó khăn này. Ông Hà Công Long – Phó Trưởng ban Dân nguyện, UBTVQH – Trưởng đoàn giám sát cho biết, chính người thân của ông cũng gặp phải những vướng mắc khi tham gia BHYT nên ông càng hiểu hơn về vấn đề này. Tất cả các kiến nghị của Hà Nội sẽ được UBTVQH cùng bàn thảo với Bộ Y tế, QH để tìm phương án giải quyết.

Hà Phong
Báo Hànộimới

Comments are closed.