Giám đốc điều hành AIA : Hãy nghĩ đến thị phần sinh lợi

Chủ tịch Tập đoàn AIA Mark Tucker: “Cơ cấu dân số của Việt Nam rất tốt cho thị trường bảo hiểm với hơn 90% dân số biết chữ và hơn 60% dân số dưới 30 tuổi”Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tiếp tục được đánh giá là đầy tiềm năng. Vì thế những tính toán của các ông lớn trong ngành này hứa hẹn nhiều điều thú vị. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AIA Mark Tucker đã chia sẻ cùng Doanh Nhân.
Có nhiều điều đặc biệt thú vị ở nhân vật kỳ cựu trong ngành bảo hiểm nhân thọ thế giới này. Mark Tucker, trước khi gia nhập hàng ngũ lãnh đạo Tập đoàn AIA, là Giám đốc điều hành Tập đoàn Prudential.

Ông cũng không xa lạ gì với thị trường Việt Nam và châu Á, bởi từng là Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm Prudential Hồng Kông, rồi làm Giám đốc điều hành Tập đoàn Prudential châu Á. Ông cũng được xem là người đặt nền móng cho những thành công vượt bật của Prudential Việt Nam.

Sau thương vụ mua lại Tập đoàn AIA thất bại, Mark Tucker đầu quân cho chính Tập đoàn AIA, ở vị trí Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành. Và có lẽ việc đầu tiên ông làm để thúc đẩy AIA phát triển cho kịp đối thủ, không gì khác là mời ông Huỳnh Thanh Phong, người từng là Tổng giám đốc Prudential Việt Nam về lãnh đạo AIA Việt Nam.

Nhân chuyến đến Việt Nam làm việc tuần rồi, Mark Tucker đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm kinh doanh của tập đoàn.

Nhu cầu còn rất lớn 

– AIA từng được biết tới là công ty con của AIG và “rùm beng” với thương vụ Prudential mua lại bất thành. Nhưng gần đây, AIA lại tuyên bố trở thành công ty tài chính độc lập. Tại sao lại vậy, thưa ông?

Đó là một quá trình dài và nhiều thách thức đối với AIA trong khoảng thời gian mấy năm vừa qua. Nếu chúng ta quay lại năm hay sáu năm về trước, anh sẽ nhớ có một scandal về kế toán mà Chủ tịch của AIG có liên quan, sau đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu; rồi việc Prudential muốn mua lại AIA và việc chào bán cổ phiếu của AIA lần đầu ra công chúng (IPO). Nếu đi qua tất cả những sự kiện này thì đó là một quá trình rất dài và nhiều thách thức. Nhưng điều tuyệt đối rõ ràng là chất lượng và sự vững vàng, kiên cường của tổ chức đã được thể hiện trong thời gian vừa qua. Mặc dù có nhiều khó khăn như thế, AIA đã trở thành một trong năm tập đoàn bảo hiểm lớn nhất trên thế giới được niêm yết. Thương vụ IPO vừa rồi cũng là thương vụ IPO lớn nhất trên thế giới từ trước tới nay trong ngành bảo hiểm và là thương vụ IPO lớn nhất từ trước tới nay tại Hồng Kông. Lý do thương vụ IPO lập được nhiều kỷ lục và có được kết quả tốt như thế là do việc kinh doanh của chúng tôi rất tốt, sức mạnh tài chính vững vàng và chúng tôi có những con người tuyệt vời.

Trong vài năm tới, Việt Nam sẽ có khoảng 100 triệu dân, trong khi theo số liệu khảo sát chỉ có 5% số dân mua bảo hiểm nhân thọ. Vậy AIA có chiến lược nào để khai thác thị trường này, kể cả những lĩnh vực bên ngoài bảo hiểm nhân thọ?

Việt Nam có một cơ cấu dân số rất tốt cho thị trường bảo hiểm với hơn 90% dân số biết chữ và hơn 60% dân số dưới 30 tuổi. Hiện nay số người có bảo hiểm nhân thọ rất thấp, chỉ khoảng 5%, nhưng cái chính là trong 5% có bảo hiểm nhân thọ đó thì họ mua bảo hiểm kiểu gì? Tiết kiệm hay bảo vệ? Bạn cũng thấy là trong thời kỳ có rất nhiều thách thức xảy ra, chúng ta phải thấy rằng việc quan trọng là người dân cần có bảo hiểm, bởi vì có thể có tai nạn xảy ra hoặc mất thu nhập do mất công việc, lúc đó yếu tố bảo vệ trong bảo hiểm nhân thọ là rất quan trọng, và đặc biệt AIA trong cả khu vực là một tổ chức cung cấp những giải pháp bảo vệ rất tốt. Như vậy, rõ ràng là AIA Việt Nam đã có một thị trường rất tiềm năng. Đây cũng là thị trường mà chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian và rất tin tưởng vào tương lai của nó.

Có lẽ sau này, đến một lúc nào đó chúng tôi sẽ cân nhắc việc phát triển sang các lĩnh vực khác ngoài bảo hiểm nhân thọ. Nhưng trước mắt, chúng tôi chỉ tập trung vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, vì chúng tôi thấy cơ hội tuyệt vời ở đây và quan trọng hơn là chúng tôi thấy nhu cầu của khách hàng cũng còn rất rất lớn.

Khi so sánh thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam với các thị trường khác trong khu vực thì ngoài những yếu tố ông vừa kể đến như dân số… còn điều gì thu hút cá nhân ông và tập đoàn AIA quan tâm đến thị trường này?

Điều hấp dẫn nhất của thị trường Việt Nam luôn là con người. Chỉ điều đó thôi cũng đã đủ hấp dẫn. Khi nói về cơ hội kinh doanh bảo hiểm nhân thọ thì yếu tố mà bạn quan tâm là công nghiệp hóa, đô thị hóa, xu hướng mua bảo hiểm nhân thọ cũng như tỷ lệ tiết kiệm. Đó là những yếu tố rất quan trọng cùng với vấn đề dân số. Và tất cả những yếu tố đó hiện nay đang xảy ra tại Việt Nam và tạo điều kiện cho các công ty bảo hiểm để tạo nên điều khác biệt. Khi thu nhập gia đình tăng lên là lúc người ta nghĩ đến việc mua bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ cho mình và gia đình, vì khi thu nhập còn ít ỏi, người ta sẽ chỉ có khả năng lo cho những nhu cầu cơ bản.

Trong những năm gần đây mức độ lạm phát ở Việt Nam tăng cao. Vậy điều đó ảnh hưởng như thế nào đến việc khai thác thị trường này?

Khi nhìn vấn đề này, chúng ta có thể nhìn ở nhiều góc độ. Thứ nhất, khi mua bảo hiểm nhân thọ thì chúng ta cũng trả phí dần dần chứ không phải trả một lúc, và qua nhiều chu kỳ kinh tế thì mọi thứ sẽ được trung bình hóa, tác động của lạm phát không thật sự lớn nữa. Một cách khác, chúng ta có thể thay đổi số tiền bảo hiểm để phù hợp với mức độ lạm phát, cuối cùng thì nhu cầu bảo vệ vẫn được đảm bảo.

Đầu tư sinh lời

– Rõ ràng thị phần cũng như thương hiệu của AIA ở Việt Nam đang có khoảng cách khá xa so với một số doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đứng đầu ở thị trường Việt Nam. Vậy cách đi nào sẽ được ông lựa chọn trong thời gian tới để có thể thu hẹp khoảng cách này?

Nói cho cùng, trong những năm qua AIA Việt Nam đã phát triển khá tốt và cũng đã dần dần lấy lại thị phần của mình. Nhưng cái chính khi nói về thị phần, chúng ta cần nói về thị phần sinh lợi chứ không phải thị phần nói chung. Về kế hoạch tương lai, trước tiên là về hệ thống phân phối. Rõ ràng hiện nay chúng tôi đã có những người đại lý tốt, nhưng chúng tôi muốn làm cho họ trở thành những đại lý tốt nhất trên thị trường nên chúng tôi sẽ xây dựng lực lượng đại lý ngoại hạng. Chính tính chuyên nghiệp, chất lượng, sự cam kết và năng lượng, nhiệt tình trong công việc của đại lý trên toàn khu vực theo đánh giá của tôi là những yếu tố giúp tạo nên sự khác biệt của đội ngũ đại lý của AIA. Đội ngũ đại lý ngoại hạng là một trong những yếu tố then chốt. Song điều quan trọng nữa là chúng tôi phải đảm bảo phát triển những sản phẩm sáng tạo, mang lại giá trị để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Tóm lại, có được đội ngũ đại lý tốt nhất với năng suất hoạt động tốt nhất, cùng sự tập trung vào chất lượng phục vụ cũng như có những sản phẩm sáng tạo, đó là những yếu tố chủ chốt cho thành công của chúng tôi.

– Với việc AIA tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, ngoài đóng góp về thuế, AIA có thể có những đóng góp như thế nào cho Việt Nam?

Một trong những yếu tố quan trọng là huy động tiền tiết kiệm trong dân chúng để đầu tư dài hạn vào nền kinh tế, vào cơ sở hạ tầng, để phát triển nền kinh tế Việt Nam. Nhưng điều quan trọng nhất là yếu tố bảo vệ trong bảo hiểm nhân thọ. Người dân ở châu Á nói chung vẫn còn chưa được bảo hiểm đủ để bảo vệ bản thân và gia đình trước những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống, ví dụ khi họ gặp tai nạn, hoặc thất nghiệp hoặc những biến cố nghiêm trọng hơn. Và khi có những sự kiện như thế xảy ra, AIA sẽ ở vị thế rất tốt để hỗ trợ người dân. Hiện nay, trên toàn khu vực châu Á, xu hướng của các quốc gia là dần dần xã hội hóa vấn đề bảo vệ sang lĩnh vực tư nhân càng nhiều càng tốt, như vậy chính phủ sẽ không phải dành nhiều ngân sách cho việc này. Chính phủ muốn chính cá nhân và lĩnh vực tư nhân sẽ gánh vác việc này, và như vậy vai trò của các công ty bảo hiểm như AIA là rất quan trọng trong quá trình này.

Ở Việt Nam, chúng tôi đầu tư chủ yếu vào trái phiếu chính phủ và phần lớn cố gắng tham gia thời gian dài nhất, khoảng 80% toàn bộ tài sản của AIA đầu tư vào trái phiếu chính phủ và phần nhỏ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và doanh nghiệp nhà nước có bảo lãnh của chính phủ, phần còn lại gửi ngân hàng.

Năm 2009, ông được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị ghi nhận những đóng góp trong  phát triển lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Chắc chắn ông có một mối quan hệ nào đó đặc biệt với Việt Nam?

Tôi đến Việt Nam cách đây 25 năm, vào khoảng giữa thập niên 80, ngay lập tức tôi cảm nhận được ngay năng lượng và sự nhiệt tình của người Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã phải trải qua nhiều thách thức, khó khăn qua nhiều năm, người Việt Nam vẫn luôn giữ được thái độ lạc quan, tràn đầy năng lượng và ý chí, khả năng vươn lên để đạt mục tiêu, kết hợp với những đặc điểm văn hóa, lịch sử mà tôi luôn thấy rất thú vị và thu hút. Đặc biệt là tranh nghệ thuật, tôi đã sưu tầm tranh Việt Nam từ rất nhiều năm, cả những bức tranh của những năm 60, 70. Chính sự kết hợp của những yếu tố về kinh tế xã hội, nghệ thuật, văn hóa và con người đã làm cho Việt Nam trở thành một nơi tuyệt vời đối với tôi, không chỉ để kinh doanh mà còn để thư giãn, nghỉ ngơi.

Trong năm 2010, tập đoàn AIA có kết quả kinh doanh rất tốt. Ông có thể cho biết nguyên nhân của sự thành công này và chiến lược của AIA trong năm 2011?

Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công của chúng tôi. Trước hết là AIA đang kinh doanh tại đúng khu vực, chúng tôi tập trung 100% vào châu Á – Thái Bình Dương, tập trung 100% vào bán lẻ, tập trung 100% vào dịch vụ tài chính. Chúng tôi là công ty duy nhất có được sự kết hợp này. Kết hợp giữa thương hiệu nổi tiếng và uy tín, với sự lãnh đạo tuyệt vời và đội ngũ nhân sự giỏi, với sức mạnh tài chính, và với lịch sử phát triển hơn 90 năm trong khu vực. Tất cả những yếu tố này hợp thành đã tạo cho AIA một vị thế độc nhất với những cơ hội phát triển hầu như không giới hạn trong tương lai.

Rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm?

Theo ông Huỳnh Thanh Phong, Chủ tịch Hội đồng thành viên AIA Việt Nam, rủi ro kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ở trong nước có nhiều yếu tố. Thứ nhất là tai nạn giao thông. Nếu tính tai nạn thì Việt Nam cao hơn trung bình so với các nước. Rủi ro thứ hai là hủy hợp đồng, đây là tỷ lệ cao. Singapore hay Hồng Kông trong vòng năm đầu, hủy hợp đồng khoảng 7 – 8%, trung bình ở Việt Nam là 20 – 23%. Tỷ lệ hủy hợp đồng cao như thế này thì công ty, đại lý và cả người dân cũng đều không có lợi. Đây là điểm yếu của thị trường Việt Nam.

Cách khắc phục là tạo được hệ thống đại lý chuyên nghiệp, tư vấn đúng nhu cầu của người dân. Nhưng tỷ lệ hủy hợp đồng cũng không thể là số không được bởi cũng có những lý do khiến khách hàng hủy hợp đồng.

Nguyên Trần
Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử

Comments are closed.