Giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm bền vững, hiệu quả

 Chiều ngày 26/3, Bộ Tài chính đã tổ chức chương trình nghị sự Hội nghị chuyên đề theo các khối DN bảo hiểm nhân thọ, khối DN bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và khối DN môi giới bảo hiểm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm năm 2015 sẽ diễn ra vào sáng ngày 27/3.

Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm 2015 – lĩnh vực nhân thọ.

Tại các phiên họp, đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã có báo cáo đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2014 và chia sẻ các định hướng, giải pháp phát triển trong năm 2015. Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đã trao đổi, thảo luận và giải đáp các kiến nghị, vướng mắc của các DN về cơ chế, chính sách, công tác chỉ đạo điều hành và thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Kiến nghị xử lý hình sự đối với các hành vi trục lợi bảo hiểm

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong giai đoạn 2011 – 2014, mặc dù bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức song các DNBH phi nhân thọ và tái bảo hiểm đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì ổn định hoạt động kinh doanh.

Theo đó, doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng bình quân 11%/năm, đạt 27.307 tỷ đồng năm 2014; tổng số tiền đầu tư tăng trưởng bình quân 4%, đạt 25.678 tỷ đồng năm 2014; tổng số tiền bồi thường bảo hiểm giai đoạn 2011 – 2014 là 38.944 tỷ đồng, trong đó năm 2014 bồi thường bảo hiểm là 10.685 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc của cả thị trường chưa cao, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn tồn tại.

Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm 2015 – lĩnh vực phi nhân thọ.

Các DNBH phi nhân thọ và tái bảo hiểm đã kiến nghị tới cơ quan quản lý cần quy định đồng bộ, nhất quán giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và Bộ Luật dân sự; bổ sung quy định xử lý hình sự đối với các hành vi trục lợi bảo hiểm nhằm nâng cao tính răn đe, phòng ngừa trục lợi bảo hiểm. Hiện nay, Bộ Luật hình sự chưa có quy định này.

Các DNBH cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về mức giữ lại trong tái bảo hiểm cho phù hợp với đặc thù rủi ro của từng nghiệp vụ bảo hiểm và quy mô vốn của từng DNBH, từ đó khuyến khích các DNBH tăng vốn để tăng mức giữ lại, thu xếp các chương trình tái bảo hiểm hiệu quả.

Đặc biệt, các DNBH cũng mong muốn cơ quan quản lý tăng cường hỗ trợ các DNBH phi nhân thọ như: Tiếp tục nghiên cứu triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu chung về các nghiệp vụ bảo hiểm tương tự cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đang triển khai hiện nay để chia sẻ thông tin kịp thời giữa các DNBH và cơ quan quản lý nhà nước; thành lập bộ phận chuyên trách về phòng chống trục lợi bảo hiểm tại cơ quan quản lý bảo hiểm nhằm tăng cường hiệu quả phòng chống trục lợi bảo hiểm…

Cần bổ sung các cơ chế theo hướng thúc đẩy DN phát triển

Cũng tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã đánh giá cao vai trò của thị trường bảo hiểm nhân thọ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và đã kịp thời giải đáp những vướng mắc của DNBH nhân thọ như: đào tạo đại lý bảo hiểm, hạn mức đầu tư DN…

Để thực hiện các giải pháp phát triển thị trường, các DNBH nhân thọ cũng đề xuất cùng cơ quan quản lý xây dựng và thực hiện một chương trình quảng bá toàn ngành, xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho toàn ngành bao gồm thông tin về các đối tượng/tổ chức liên quan hành vi rửa tiền, thông tin về các đối tượng trục lợi bảo hiểm, có thêm bộ phận giải quyết các tranh chấp.

Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm 2015 – lĩnh vực môi giới bảo hiểm.

Theo đó, một số giải pháp ưu tiên đã được hội nghị thống nhất như: DN cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực quản trị, mở rộng địa bàn và đa dạng hóa nghiệp vụ bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm.

Các DN môi giới cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần tiếp tục đồng hành cùng DN, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động của DN, tăng cường kiểm tra giám sát nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bên cạnh đó tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách theo hướng thúc đẩy các DN môi giới phát triển hiệu quả, tăng cường quản trị kinh doanh của DN và đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Qua đánh giá, cho thấy, thị trường bảo hiểm ngày càng trở thành nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, thể hiện vai trò trong ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện chính sách an toàn an sinh xã hội; đẩy mạnh an ninh kinh tế, an ninh chính trị; bảo vệ tài chính, đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh, ổn định; thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế./.

Theo (TBTCO)

{fcomment}

Comments are closed.