“Giải mã áp lực”- Bí quyết thành công của bảo hiểm SVIC

Ảnh minh họa: internetNgay cả với doanh nghiệp kỳ cựu, việc trụ vững trên thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng rất khó khăn. Mới thành lập nhưng Công ty CP Bảo hiểm SHB- Vinacomin (SVIC) đã nhanh chóng lọt vào nửa trên bảng xếp hạng các công ty bảo hiểm và kết quả này nhờ việc giải mã được áp lực trong kinh doanh bảo hiểm.

 
CôngThương – Áp lực mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt trên thị trường Việt Nam là do môi trường được đánh giá là cạnh tranh không lành mạnh. Bản thân Luật kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 10 năm nên đã không phản ánh được thực tế hiện nay sau khi Việt Nam đã gia nhập WTO và hội nhập sâu rộng với thế giới. Điều đó dẫn tới nhiều bất cập trong quản lý kinh doanh bảo hiểm. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều chịu lỗ trong mảng kinh doanh dịch vụ bảo hiểm và lợi nhuận chỉ nhờ hoạt động đầu tư tài chính.

Dù tiềm năng lớn nhưng thị trường bảo hiểm tạo ra áp lực lớn với bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào. Đối với doanh nghiệp mới, áp lực này còn lớn hơn bởi sự thiếu kinh nghiệm, mạng lưới, nhân lực và tài chính.  Trong khi, từ tháng 12/2008 SVIC mới chính thức đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, thị trường chỉ là một áp lực mà SVIC phải đối mặt. Áp lực của cổ đông muốn có kết quả ngay và người lao động muốn chế độ đãi ngộ tốt cũng không nhỏ. Trong khi trên thực tế, một doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể biết “sống được” hay không phải sau 3 năm và 5 năm mới có lãi!

Những áp lực này đan xen và đối nghịch nhau, muốn cạnh tranh tốt đòi hỏi phải có đầu tư lớn và như vậy sẽ giảm phần lợi nhuận mà cổ đông hay chế độ lương bổng mà người lao động kỳ vọng. Sự thành công của doanh nghiệp đòi hỏi phải giải mã và cân bằng được những áp lực khó khăn này. Đây chính là điều được đánh giá cao ở SVIC.

Đánh giá về SVIC, ông Phùng Đắc Lộc- Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm- Việt Nam nói: “Với gì đạt được trong một thời gian ngắn, SVIC thực sự là một doanh nghiệp tốt, tuy là một thương hiệu mới nhưng được thị trường đánh giá cao”.

Năm 2009,  chỉ sau 1 năm hoạt động SVIC đã xếp 17/28 trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và năm nay đã vươn lên vị trí 14/28. Doanh thu năm 2009 của SVIC là 183 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8,2 tỷ đồng.

Con số này chưa phải là lớn trong ngành bảo hiểm những đã thể thiện được khả năng tiếp cận thị trường nhanh và hiệu quả của SVIC. Kết quả của 6 tháng đầu năm 2010 đã chứng minh rất rõ điều này: doanh thu 170 tỷ đồng (tăng 202% so với cùng kỳ), lợi nhuận 12 tỷ đồng.

Ông Bùi Đức Song- Tổng Giám đốc SVIC- cho biết: “Những kết quả của SVIC trong 2 năm qua không thể đạt được bằng quyết tâm không thôi mà phải kết hợp với thực lực và con đường đi đúng”. SVIC đưa ra 6 chiến lược chủ lực: phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng quản trị, nhân lực, chất lượng dịch vụ và xây dựng thương hiệu.

Góp phần nhanh chóng tạo nên vị thế thị trường của SVIC là việc tập trung phát triển mạng lưới. Hiện tại, SVIC có 13 chi nhánh, đảm bảo phủ sóng địa bàn cả nước. Trong tương lai, SVIC sẽ phát triển lên mô hình tổng công ty và các chi nhánh địa phương trở thành các công ty thành viên.

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của SVIC cũng nhờ thực lực mạnh là các cổ đông có tiềm lực tài chính và uy tín lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV), Ngân hàng SHB, Tập đoàn T&T…

Mục tiêu mà SVIC đặt ra sau 5 năm thành lập là lọt vào Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm về doanh thu, thương hiệu nhưng đứng Top 5 về hiệu quả kinh doanh. Tiềm năng và không gian phát triển là rất lớn, điều đó lý giải cho việc một công ty mới như SVIC lại thu hút được sự quan tâm của một số đại gia bảo hiểm quốc tế.

Ông Bùi Đức Song cho biết: “Hai tập đoàn hàng đầu về bảo hiểm thế giới là Swiss Re của Thụy sĩ và Munich Re của Đức đã làm việc với SVIC và đưa ra những đề xuất cụ thể”.

Doanh Chính
Báo Công Thương Điện Tử

Comments are closed.