Giả thất nghiệp để hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Tình hình thực hiện chính sách thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong 3 năm qua cho thấy số lượng thất nghiệp tăng đột biến. Cụ thể, bắt đầu thực hiện Luật Bảo hiểm thất nghiệp năm 2009, có 5.411.886 người lao động tham gia.

 

Con số này tăng lên 7.931.000 người trong năm 2011 và trong 8 tháng đầu năm 2012 là 8.069.896 người. Về chi trả trợ cấp thất nghiệp, BHXH các tỉnh, thành phố bắt đầu thực hiện từ tháng 1-2010 thì số người hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2011 tăng 160% so với năm 2010; quý I-2012 tăng 50% so với cùng kỳ năm 2011. Điều đáng nói, dù tiêu chí mà Luật Bảo hiểm thất nghiệp đưa ra là tạo việc làm và ổn định đời sống người lao động nhưng việc hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp chỉ đạt 0,2% so với tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp

Hướng dẫn, tư vấn thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực mà ngành BHXH không thể xử lý như tình trạng người lao động xin nghỉ việc để hưởng bảo hiểm thất nghiệp được doanh nghiệp “tiếp tay” bằng cách cho người lao động nghỉ đúng luật và sau khi người lao động hưởng đủ tiền trợ cấp thất nghiệp thì chính doanh nghiệp đó lại nhận lao động về làm hoặc người lao động không hề nghỉ việc nhưng doanh nghiệp vẫn có xác nhận đã nghỉ việc để cùng trục lợi từ tiền trợ cấp thất nghiệp. Sự việc trở nên phức tạp hơn khi mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng cuối trước khi người lao động nghỉ việc lại tăng cao bất thường, ở mức tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu chung. Sau đó, người lao động nghỉ việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở mức cao khiến quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải chi trả thêm một lượng tiền khống không nhỏ. 

Ông Điều Bá Được cũng cho biết, quy định các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động, có giao kết hợp đồng lao động trên 12 tháng chưa được tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng gây nên không ít vấn đề, người lao động có nguy cơ mất việc làm cao vì không ít doanh nghiệp cố tình khai giảm số lượng lao động xuống dưới 10 người để trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhiều lao động đang làm việc nhưng doanh nghiệp không để tên trong sổ lương khiến cơ quan BHXH không thu được bảo hiểm thất nghiệp. 

Tám tháng đầu năm 2012, tổng số nợ BHTN cả nước lên tới 416 tỷ đồng. Nguyên nhân là do các cơ quan tài chính chưa cấp hoặc chậm cấp kinh phí 1% trách nhiệm đóng BHTN của người sử dụng lao động để đóng theo quy định, phần hỗ trợ quỹ BHTN 1% của ngân sách địa phương còn vướng và các đơn vị sử dụng lao động nợ trên 145 tỷ đồng.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị không thực hiện đúng luật bảo hiểm. Đơn vị nào vi phạm nghiêm trọng, ngành BHXH đề nghị cơ quan công an tiến hành điều tra, truy tố trước pháp luật. Đồng thời, ngành BHXH đã kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật BHXH. Cụ thể là sửa đổi theo hướng áp dụng cho tất cả lao động có hợp đồng làm việc từ 12 tháng trở lên ở doanh nghiệp. Tại khoản 1, điều 82, đề nghị sửa theo hướng không giải quyết trợ cấp thất nghiệp với các trường hợp người lao động tự xin nghỉ việc, bị kỷ luật, sa thải hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu… Đồng thời, đề nghị sửa lại khoản 2, điều 82 về việc cứ mỗi năm đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng được tính hưởng 1 tháng trợ cấp bằng 60% mức tiền lương bình quân của 12 tháng liền kề trước khi mất việc làm, tối đa không quá 3 tháng lương tối thiểu… nhằm thực hiện tốt nhất những quy định của BHTN. Trước mắt, người lao động mong chờ ngành BHXH tiến hành ngay việc thanh tra BHTN.

Nguồn: hanoimoi.com.vn

Comments are closed.