
Mua bảo hiểm cho con em học sinh (HS) là việc làm tự nguyện của phụ huynh. Thế nhưng ở Đồng Nai, nhiều năm qua phụ huynh bị buộc mua bảo hiểm từ công ty duy nhất là Bảo Việt Đồng Nai!
Chuẩn bị vào năm học mới 2008-2009, hiệu trưởng một số trường tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết họ nhận được hồ sơ của Công ty Bảo Việt Đồng Nai yêu cầu mua bảo hiểm cho HS. Trong hồ sơ có đính kèm “bửu bối” là “công văn chỉ đạo” của Sở GD-ĐT hướng dẫn các trường phải mua bảo hiểm của Bảo Việt Đồng Nai.
Hiệu trưởng một trường tiểu học đề nghị giấu tên cho hay: “Đầu tháng 8-2008, Bảo Việt Đồng Nai họp mặt giáo viên và những đại lý bán bảo hiểm rồi đưa ra công văn chỉ đạo của sở. Cũng như mọi năm, nhà trường đang rất lo lắng vì năm nào phụ huynh cũng phản ảnh việc bắt buộc mua bảo hiểm của Bảo Việt Đồng Nai”.
Theo vị này, mặc dù mua bảo hiểm là tự nguyện nhưng nhiều năm cứ vào đầu năm học mới nhà trường lại nhận được công văn của Sở GD-ĐT yêu cầu mua bảo hiểm tai nạn HS của Bảo Việt Đồng Nai, vì nể nang nên các trường phải thực hiện dù gặp sự phản ứng của một số phụ huynh. Một phụ huynh có con học tại Trường THĐ bức xúc: “Việc nhà trường buộc HS mua bảo hiểm đầu năm học là hết sức vô lý, nhưng vì tâm lý ngán ngại cho chuyện học của con nên chúng tôi phải mua”.
“Công văn chỉ đạo”: Kẻ nói có, người nói không!
Theo hồ sơ gửi hiệu trưởng các trường học của Bảo Việt Đồng Nai, ngoài thư ngỏ mức giá bảo hiểm tai nạn, mức chi hoa hồng cho đại lý, Bảo Việt Đồng Nai còn kèm công văn 618/SGD-ĐT do phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Hữu Tài (đã nghỉ hưu từ tháng 3-2008) ký ngày 9-1-2008, gửi phòng giáo dục và các trường với nội dung: “Bảo Việt Đồng Nai là công ty bảo hiểm được các đơn vị tham gia rộng rãi trong toàn ngành 15 năm qua. Để chuẩn bị việc triển khai công tác bảo hiểm HS, giáo viên, công nhân viên năm học 2008-2009 đạt hiệu quả cao, yêu cầu các phòng giáo dục, các trường trung học phổ thông, các đơn vị trực thuộc, trên cơ sở của năm học trước thực hiện…”.
Ngày 22-8, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai Lê Minh Hoàng khẳng định sở không hề ra công văn chỉ đạo và cũng không có chủ trương ép mua bảo hiểm. Sau khi xem qua văn bản do chúng tôi cung cấp, ông Đào Đức Trình, trưởng phòng kế hoạch – tổ chức của sở, khẳng định công văn 618/SGD-ĐT xét về hình thức là công văn không hợp lệ vì “nhìn vào công văn do Bảo Việt Đồng Nai cung cấp có nhiều điểm đáng ngờ”.
Kiểm tra số công văn trên, ông Trình phát hiện trong hồ sơ lưu trữ của sở không có công văn 618/SGD-ĐT do nguyên phó giám đốc sở Đỗ Hữu Tài ký mà chỉ có công văn 618 do giám đốc sở Lê Minh Hoàng ký ngày 17-4-2008 với một nội dung khác.
Thế nhưng ngày 27-8 chúng tôi gặp ông Phan Đình Chương, chánh văn phòng Sở GD-ĐT, để tiếp tục xác minh công văn trên và đã có kết quả bất ngờ khác. Sau khi xem công văn, ông Chương cho văn thư kiểm tra và khẳng định: “Văn bản này sở có ký nhưng là số 61/B chứ không phải 618”. Chúng tôi yêu cầu xem công văn gốc thì được trả lời người lưu hồ sơ đi vắng.
Ông Chương giải thích thêm: một văn bản do sở ký vào giữa học kỳ 2007-2008 để phổ biến chuyện mua bảo hiểm cho năm học 2008-2009 là bình thường, vì mỗi người đều có kế hoạch cho mỗi việc. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi việc sở ra một công văn từ bảy tháng trước, sau đó Bảo Việt Đồng Nai kẹp vào hồ sơ gửi đến các trường để các đại lý bán bảo hiểm trong năm học này liệu có đúng quy định, ông Chương nói: “Tôi mới làm chánh văn phòng nên việc này rất khó trả lời”.
Trong khi đó, ông Đinh Đức Hòa, giám đốc Bảo Việt Đồng Nai, nói hằng năm Bảo Việt Đồng Nai được Sở GD-ĐT giao triển khai việc bán bảo hiểm tại các trường học. Năm nào sở cũng có công văn như vậy, còn việc vì sao xuất hiện một công văn có những điểm đáng ngờ như vậy ông nói sẽ kiểm tra lại.
Đại lý bảo hiểm dễ kiếm lợi?
Câu hỏi đặt ra là vì sao đã gần một tháng qua, nhiều trường học bị đại diện Bảo Việt Đồng Nai ấn vào tay một văn bản tiền hậu bất nhất như vậy để ép mua bảo hiểm độc quyền của họ mà không hề nghi ngại? Vì sao công văn này không đi theo con đường phát hành văn bản thông thường của Sở GD-ĐT mà lại đi vòng qua Bảo Việt Đồng Nai để xuống các trường? Hiệu trưởng một trường tiểu học giải thích: “Do nhiều năm trước Sở GD-ĐT vẫn có chỉ đạo tương tự để yêu cầu mua bảo hiểm của Bảo Việt Đồng Nai, nên khi nhận được công văn này chúng tôi cứ tưởng thật”.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phản ảnh chính mức chi hoa hồng hấp dẫn từ Bảo Việt Đồng Nai đã khiến nhiều giáo viên, cán bộ ngành giáo dục mất cảnh giác. Việc này minh chứng rõ nhất khi vào tháng 5-2008 Sở Tài chính tiến hành thanh tra việc thu chi và đóng góp của phụ huynh tại năm trường tiểu học, THCS ở TP Biên Hòa trong năm học 2007-2008. Theo đó, đoàn thanh tra phát hiện hầu hết người đứng ra ký kết hợp đồng đại lý thu bảo hiểm tại các trường đều là giáo viên, cán bộ của chính trường đó.
Cũng theo kết quả thanh tra này, không chỉ nhà trường, giáo viên mà ngay cả Phòng Giáo dục TP Biên Hòa cũng làm đại lý bán bảo hiểm! Kết quả thanh tra cho thấy Bảo Việt Đồng Nai đã chi hoa hồng 11% trên tổng doanh thu cho các đại lý. Số tiền hoa hồng này được phân chia cho đại lý bảo hiểm Phòng Giáo dục TP Biên Hòa và đại lý bán bảo hiểm các trường nhưng không thể hiện tỉ lệ phân chia mỗi bên là bao nhiêu. Đoàn kiểm tra đối chiếu hồ sơ, chứng từ chỉ thấy đại lý bảo hiểm ở các trường được hưởng 7,5% hoa hồng, 3,5% hoa hồng còn lại không biết rơi vào túi ai vì không có chứng từ thể hiện nó được chia cho đại lý bảo hiểm Phòng Giáo dục Biên Hòa.
Ông Đào Đức Trình giải thích: “Sở GD-ĐT từng biết đơn vị bán bảo hiểm cho HS đứng ra ký hợp đồng đại lý với đại diện nhà trường, cho hưởng hoa hồng. Việc các trường ép HS mua bảo hiểm như trước đây đang được lãnh đạo sở chấn chỉnh. HS chỉ phải đóng học phí và lệ phí tuyển sinh, còn mua bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế là hoàn toàn tự nguyện. Sở đang soạn văn bản quy định các khoản nào được thu. Năm học này trường nào không thông báo rõ ràng cho phụ huynh, HS là vi phạm”.
Theo ông Trình, giáo viên đứng ra làm đại lý bảo hiểm, thu tiền là không nên mà phải để đơn vị nào bán được bảo hiểm đứng ra thu tiền
TP.HCM: không ép buộc HS mua bảo hiểm Bà Dương Ngọc Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết ngoài bảo hiểm y tế (BHYT), các loại bảo hiểm khác triển khai trong nhà trường đều là bảo hiểm tự nguyện. Nếu phụ huynh có nhu cầu có thể nhờ nhà trường thu thông qua một đại lý, nhưng trường không ép buộc HS mua. Năm học 2008-2009, theo triển khai của UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích HS mua đầy đủ BHYT của Công ty Bảo hiểm xã hội TP.HCM. Theo quy định, 20% tiền thu BHYT sẽ chuyển cho các trường để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS-SV. Đến thời điểm này các trường đã triển khai thu BHYT, một số trường có thu bảo hiểm tai nạn. Theo quy định, các trường mua của Công ty Bảo hiểm xã hội TP.HCM. Bảo hiểm tai nạn (nếu có), các trường tự chọn hoặc bàn với ban đại diện cha mẹ HS để chọn đơn vị bán bảo hiểm. Phúc Điền |
Theo Hà Mi – Minh Luận (Báo Tuổi Trẻ)
Comments are closed.