
Chiếc xe khách Ford Transit, biển số 29X-7170 chạy nhanh, đường lại mưa trơn, nên đã bị lật, lăn mấy vòng xuống vệ đường (gần thị trấn Đồng Mỏ).
Diễn viên Nguyễn Hồng Sơn đứng ở cửa xe nên bị văng ra đường. Hai chân đập vào taluy đường, gây gãy xương đùi cả hai chân và một xương sườn. Hiện nay, anh đang được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y khoa Hà Nội.
Khán giả cả nước đã từng biết đến nhiều vai diễn xuất sắc của Hồng Sơn trong Sân khấu – Điện ảnh – Truyền hình, cũng như biết đến anh qua cuộc đời nhiều thăng trầm và sự dũng cảm đoạn tuyệt với ma túy để trở lại với nghề diễn, với cuộc sống.
Gần đây diễn viên Hồng Sơn đã gây ấn tượng sâu sắc qua hàng loạt các vai diễn trong những bộ phim truyền hình khá thành công như “Đời người và những chuyến đi” (Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng – Trịnh Lê Phong) “Ma Làng”, “Gió làng Kình” (Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần – Hoàng Lâm – Bùi Thọ Thịnh) “Mùa hè rớt” (Đạo diễn Phạm Thanh Phong).
Diễn viên Hồng Sơn hiện là nghệ sỹ tự do, anh sống một mình trong một căn hộ thuê ở Gia Lâm… Giai đoạn nghiện ngập đã làm anh tiêu tan hết nhà cửa, tiền của và mất cả việc làm… nên hiện giờ anh chỉ sống bằng thù lao của các vai diễn trong phim.
Vụ tai nạn này, may mà chưa gây tử vong, hoặc chấn thương não, nhưng chắc chắn cũng sẽ khiến nghệ sỹ Hồng Sơn phải nghỉ diễn một thời gian dài và khoản chi viện phí chắc chắn cũng không nhỏ…
Các bạn đồng nghiệp, đạo diễn, diễn viên đã từng là bạn, từng cộng tác với Hồng Sơn ngoài việc đến thăm nom, chăm sóc anh còn dự định quyên góp lập quỹ để có thể giúp đỡ Hồng Sơn chữa bệnh với thời gian dài.
Nhiều người bên ngoài ngành làm phim không khỏi thắc mắc: Tại sao một diễn viên như Hồng Sơn sao lại không có khoản bảo hiểm nào?
Câu hỏi này, đụng đến một vấn đề rất đáng bàn của nghề làm phim: Vấn đề bảo hiểm cho người làm phim và cho bộ phim.
Nghề làm phim là một nghề vất vả, nhiều rủi ro, nguy hiểm, nhất là với điều kiện làm phim ở nước ta hiện nay: Không có trường quay, phải đi lang thang khắp nơi để chọn, thuê mướn nhà dân làm bối cảnh, quay đêm, quay ngày phải theo trời đất.
Chỉ nói riêng việc đi lại từ hãng phim đến các địa điểm quay, khi gần, khi xa, bằng phương tiện của hãng phim, bằng xe thuê, xe khách, tầu hỏa, máy bay… cũng đã không ít lần xẩy ra “sự cố”. Hơn thế nữa với những phim về đề tài chiến tranh, phim hành động (cảnh sát hình sự chẳng hạn) có khá nhiều cảnh quay rất nguy hiểm như trèo cao, leo núi, lội suối, đu dây… hoặc các cảnh quay có sử dụng vũ khí, thuốc nổ…
Đã có nhiều tai nạn gây tử vong, chấn thương trong các đoàn phim thí dụ đoàn phim Điện Biên Phủ (của các nhà làm phim Pháp thực hiện tại Việt Nam) một bộ đội tham gia diễn viên quần chúng bị quả nổ phạt mất một chân; Phim “Hòn đất” (Đạo diễn Hồng Sến) một chiến sỹ đặc công đóng diễn viên quần chúng bị chết vì tai nạn; Diễn viên Trần Vịnh (nay là đạo diễn) cũng đã từng bị một viên sỏi xuyên vào phổi khi diễn bên cạnh quả nổ tại Đà Nẵng…
Cách đây 2 năm một trường hợp tai nạn gây ồn ào trong giới làm phim phía Bắc: Nhân viên đạo cụ của đoàn làm phim “Nhật ký Vàng Anh” chết đuối ở hồ Đại Lải khi chuẩn bị thuyền cho diễn viên. Khi tai nạn đã xẩy ra, Trung tâm sản xuất phim truyền hình – Đài THVN – mới hốt hoảng giải quyết.
Nhưng người đạo cụ này dù đã làm việc đến 12 năm trong các đoàn phim nhưng chưa hề là công nhân, viên chức của trung tâm hay của một cơ sở làm phim nào cả. Thế là Trung tâm không thể có nguồn kinh phí nào để giải quyết chế độ hoặc hỗ trợ cho người bị nạn đành phải huy động anh em làm phim đóng góp giúp gia đình lo ma chay cho người đồng nghiệp xấu số.
Điểm khác biệt của nghề làm phim so với các ngành nghề khác là, các đoàn làm phim luôn có một tỷ lệ rất lớn thành viên không phải là người trong biên chế của các cơ sở sản xuất phim, (các hãng phim Nhà nước cũng như tư nhân).
Họ chỉ tham gia làm phim theo kiểu “Hợp đồng vụ việc”. Những người đó là: Diễn viên được chọn đóng một vai chính, phụ, hoặc làm diễn viên quần chúng; Các thành phần phó, trợ lý… của các bộ phận từ Đạo diễn, Quay phim, Họa sỹ thiết kế mỹ thuật, Ánh sáng…
Các thành phần này tham gia đoàn làm phim bằng các hợp đồng (văn bản, hoặc thỏa thuận miệng) đều không có khoản mục, thỏa thuận nào quy định về bảo hiểm tai nạn và cũng không hề được “chủ sở hữu lao động” chi bất cứ khoản tiền nào để mua bảo hiểm cho “người lao động”.
Ngay cả với bộ phim có kinh phí sản xuất từ 100 triệu đến vài chục tỷ đồng cũng không có “chủ phim” nào nghĩ đến việc mua bảo hiểm cho cả quá trình sản xuất bộ phim.
Khi xẩy ra những sự cố, hoặc khi có thành phần sáng tác, diễn viên chính, thứ, phụ bị tai nạn, bộ phim phải ngừng quay nhiều ngày để chờ đợi, hoặc phải quay lại toàn bộ những cảnh đã quay (vì diễn viên bị nạn phải thay thế bằng diễn viên khác) thiệt hại rất lớn, mất rất nhiều tiền cuả, công sức… thì cũng chỉ có “chủ phim” (Nhà nước hoặc tư nhân) phải gánh chịu.
Vấn đề bảo hiểm và sử dụng các sản phẩm bảo hiểm tưởng như không mới đối với mỗi người trong cuộc sống cũng như đối với các cá nhân, đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thậm chí ngay cả nông dân, ngư dân bây giờ cũng đã mua tham gia bảo hiểm cho bản thân, cho tầu bè, đầm, hồ nuôi thủy hải sản…
Vậy mà sao những đơn vị làm văn hóa, nghệ thuật lại có thể lạc hậu đến như vậy được. Khi hỏi những người phụ trách các đơn vị sản xuất phim, người ta thường nghe thấy câu trả lời kiểu như: Trong dự toán kinh phí sản xuất phim không có khoản nào giành cho bảo hiểm cả hoặc kinh phí sản xuất còn thấp kém, không đủ để làm, lấy đâu ra tiền mà mua bảo hiểm…
Vậy là lỗi của ai? Không ai biết, không ai chịu trách nhiệm cả. Chỉ có người lao động không may bị nạn trong khi làm việc tự chịu lấy thiệt thòi mà thôi.
Đạo diễn, NSUT Nguyễn Hữu Phần (Theo Tiền Phong Online)
Comments are closed.