Đua nhau tranh khách mua bảo hiểm xe ô tô

altÔng Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết hầu hết 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kể cả các doanh nghiệp lớn đều bị lỗ trong mảng bảo hiểm xe cơ giới, cụ thể là mảng bảo hiểm vật chất xe ô tô trong những năm gần đây, do cạnh tranh giảm phí, ưu đãi cho khách để mở rộng thị phần.

Ông Lộc cũng cho biết nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khoán chỉ tiêu doanh thu xuống cho từng chi nhánh, các chi nhánh muốn bán nhanh nên dùng nhiều cách nhằm lôi kéo khách mà không quan tâm đến rủi ro của khách hàng. 

Ông Lộc đưa ví dụ rằng một hãng taxi mua bảo hiểm cho 200 xe của mình tại một công ty bảo hiểm, nhưng xe gây tai nạn nhiều khiến chi phí bồi thường tăng cao, doanh nghiệp đòi tăng phí bảo hiểm cho năm sau nhưng rất khó vì có một công ty bảo hiểm khác sẵn sàng bán bảo hiểm với mức phí cũ để giành khách hàng này.

Ông cũng cho biết hiện trung bình mức phí bảo hiểm vật chất xe ô tô của Việt Nam vào khoảng 1,3% trên giá trị tài sản bảo hiểm, trong khi các nước khác mức này cao hơn nhiều, như Lào là 6%, Nhật Bản là 4-5%. Ông Lộc nói cách đây khoảng bảy năm mức phí của các công ty trung bình là 2%, nhưng đến nay giảm còn 1,3% trong khi chi phí sửa chữa lại tăng mạnh trong thời gian qua.

Nhu cầu sửa chữa của khách hàng ngày càng nâng cao như phải thay phụ tùng chính hãng nên chi phí sửa chữa xe cho khách theo đó cũng cao hơn trong khi phí bảo hiểm thì không tăng tương ứng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, vị này nói.

Giám đốc nghiệp vụ của một công ty bảo hiểm trong nước cho rằng các doanh nghiệp trong nước bị lỗ trong mảng bảo hiểm vật chất xe ô tô cá nhân đúng là do giảm phí nhiều, đồng thời cũng là do biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô cá nhân của các công ty hiện được xây dựng theo kiểu cào bằng vốn đã được áp dụng từ xưa đến nay.

Cụ thể, đa số biểu phí của các công ty bảo hiểm hiện nay chỉ căn cứ trên năm sản xuất của xe, đời xe, dòng xe (bao nhiêu chỗ), và các điều kiện khi ký hợp đồng để tính phí. Biểu phí này không xét đến lịch sử bồi thường của chiếc xe hay kinh nghiệm lái xe của người chủ. Điều này sẽ tạo ra sự bất công giữa các khách hàng, ví dụ như người chạy xe an toàn không hề phải bồi thường và người yêu cầu bồi thường 2-3 lần/năm thì khi tái tục vẫn trả phí ngang nhau.

Công ty bảo hiểm trên trong hai năm 2010 và 2011 cũng bị lỗ ở mảng nghiệp vụ này, và đến cuối 2012 đã bắt đầu có lãi chút ít nhờ đã điều chỉnh lại biểu phí. Biểu phí mới có bổ sung thêm những yếu tố như tần suất khách hàng yêu cầu bồi thường trong quá khứ, tỷ lệ tổn thất những lần trước, thông tin chi tiết của người lái xe như có bằng lái từ khi nào, năm sản xuất của xe, và cả yếu tố địa hình mà xe chạy (ví dụ như xe chạy trong TPHCM sẽ có xác suất va quẹt cao hơn so với Vũng Tàu).

Bảo hiểm xe cơ giới nói riêng về ô tô có hai phần là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc phải mua với mức phí theo quy định của Bộ Tài chính trong Thông tư 151/2012/TT-BTC (các dòng xe khác nhau có phí khác nhau), và bảo hiểm vật chất xe cơ giới có phí được thiết kế riêng của từng công ty.

Do nghiệp vụ bảo hiểm vật chất xe cơ giới của các công ty bảo hiểm đang bị lỗ, nên ông Lộc cho biết Bộ Tài chính đang yêu cầu các công ty phải trình lại biểu phí các sản phẩm để được xét duyệt trước khi triển khai, đúng theo quy định được đề cập trong Thông tư 124/2012/TT-BTC có hiệu lực từ 1-10-2012.

Cụ thể, điều 40 của thông tư quy định trường hợp quy tắc, điều khoản, biểu phí của sản phẩm bảo hiểm không đảm bảo an toàn tài chính và ảnh hưởng đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài dừng việc triển khai sản phẩm đó để điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, các đơn vị này phải điều chỉnh các quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm bảo hiểm và báo cáo để Bộ Tài chính chấp thuận trước khi triển khai.

Theo báo cáo của Hiệp hội bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới kể cả trách nhiệm dân sự và vật chất xe của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã tăng dần từ năm ngoái đến nay. Cụ thể, quí 1-2012, tỷ lệ bồi thường là 42,8%, đến quí 2-2012 là 49,4%, quí 3-2012 là 52,5%, và đến quí 2-2013 thì tỷ lệ này là 65%.

Thông thường, phí bảo hiểm đóng vào đầu kỳ nên dù chủ xe đóng vào tháng 10-2013 thì toàn bộ số phí cũng sẽ được tính vào năm 2013 nhưng thực chất nghĩa vụ bảo hiểm sẽ phải kéo dài sang năm 10-2014, do vậy doanh thu phí bảo hiểm tính theo từng năm thường cao hơn mức bồi thường cả năm đó. Nhưng tỷ lệ này ngày càng tăng lên thể hiện dấu hiệu đáng lo ngại.

Theo thesaigontimes.vn

{fcomment}

Comments are closed.