Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Kỳ vọng nâng cao chất lượng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tại dự thảo này, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong thời gian tới.

Tăng quyền và lợi ích của các bên tham gia

Theo tờ trình của Bộ Tài chính, đến nay, sau gần 20 năm thi hành (ban hành năm 2000, sửa đổi bổ sung vào 2010 và 2019), Luật Kinh doanh bảo hiểm đã phát huy tác dụng, là căn cứ, cơ sở để xây dựng khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng đa dạng của các tổ chức, cá nhân; đảm bảo sự hài hòa giữa quản lý giám sát thận trọng và tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).

Qua các năm, quy mô thị trường bảo hiểm ngày càng lớn, khẳng định vị thế, vai trò trong nền kinh tế – xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong giai đoạn 2000 – 2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng nhanh vượt bậc so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng được duy trì trong thời kỳ dài, bất chấp khủng hoảng tài chính thế giới hay tác động bất lợi khác. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân trên 20%/năm. Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 70 DNBH hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Cùng với đó, thị trường bảo hiểm thời gian qua đã góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội; đồng thời, các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế – xã hội với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao; từ đó góp phần bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, thị trường bảo hiểm đã góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ; cũng như góp phần thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, qua thực tiễn phát triển của thị trường bảo hiểm, đồng thời hướng tới sự phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai, nhiều khung pháp lý cho thị trường này cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn.

Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; duy trì sự công bằng, an toàn và ổn định của thị trường bảo hiểm. Đồng thời, tạo nền tảng để Việt Nam có thể trở thành thị trường bảo hiểm phát triển của khu vực châu Á thông qua việc đổi mới mô hình quản lý, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNBH, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh bảo hiểm, nâng cao chất lượng tăng trưởng của thị trường.

Hàng loạt điểm mới được bổ sung, sửa đổi

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) về cơ bản giữ nguyên bố cục của Luật hiện hành, gồm 7 chương, 168 điều, song có sửa đổi 80 Điều, bổ sung 66 Điều, bãi bỏ 29 Điều và giữ nguyên 22 Điều.

Cùng với việc sửa đổi các quy định chung, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản mới về hợp đồng bảo hiểm; DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm; đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; quản lý nhà nước về bảo hiểm;…

Chẳng hạn như, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại hợp đồng bảo hiểm, nội dung hợp đồng bảo hiểm, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thay đổi mức độ rủi ro bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, trách nhiệm trong trường hợp tái bảo hiểm, thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; bổ sung các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm, trách nhiệm cung cấp thông tin của DNBH.

Đối với DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo đã  bổ sung phạm vi hoạt động sang một số sản phẩm bảo hiểm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác cho DNBH; sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đơn giản điều kiện cho các DNBH đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập DNBH mới; bỏ tài liệu về quy tắc, điều khoản, biểu phí tại hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động; bỏ yêu cầu phải chấp thuận đối với đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện và thay bằng hình thức thông báo Bộ Tài chính trước khi có thay đổi…

Dự thảo cũng bổ sung toàn bộ các quy định về việc cho phép DNBH chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ và phương pháp tính phí; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài và những điều không được phép trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển
Dự thảo cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh; tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Các tổ chức, cá nhân sẽ có thêm nhiều lựa chọn do mọi thông tin đều công khai, minh bạch, nhiều cách thức tiếp cận với DNBH; tiết kiệm được chi phí.

Theo Thoibaotaichinh