Đồng thuận hạ lãi suất, ngân hàng vi phạm Luật Cạnh tranh? (webbaohiem)

(ĐTCK-online) Ngày 15/10 là thời điểm các ngân hàng thành viên của Hiệp hội Ngân hàng đồng thuận hạ lãi suất huy động xuống dưới 11%/năm. Ý nghĩa tích cực của hành động này trong bối cảnh kinh tế và doanh nghiệp khó khăn không có gì đáng nói, tuy nhiên, ở góc độ Luật Cạnh tranh thì các ngân hàng có thể bị khép là vi phạm luật.

Hành động này xét trên phương diện lý lẽ không khác nhiều so với thỏa thuận áp phí sàn (đã bị phạt) của các doanh nghiệp bảo hiểm trước đây.

Đợt đồng thuận hạ lãi suất của các ngân hàng hiện nay tương tự các đợt đồng thuận hạ lãi suất trước đây. Đơn cử ngày 22/3/2008 tại Hà Nội và ngày 24/3/2008 tại TP. HCM các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã họp và thỏa thuận áp dụng mức trần lãi suất huy động  bằng VND ở mức 11%/năm.

Thỏa thuận này theo các chuyên gia của Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, có dấu hiệu vi phạm khoản 1 điều 8 Luật Cạnh tranh và điều 14 Nghị định số 116 thỏa thuận định giá hàng hóa dịch vụ một cách gián tiếp hoặc trực tiếp. Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 cho phép các ngân hàng được quyền tự chủ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình (điều 15). Các ngân hàng cũng được quyền hợp tác và cạnh tranh hợp pháp (điều 16). Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định mức lãi suất cơ bản để làm căn cứ xác định trần lãi suất mà không bắt buộc các ngân hàng phải áp dụng một mức lãi suất huy động nhất định. Do đó, thỏa thuận áp dụng mức trần lãi suất  huy động VND của Hiệp hội ngân hành ở mức 11%/năm nằm trong giới hạn cho phép của cơ quan điều tiết ngành. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ cạnh tranh thì thỏa thuận này có những ảnh hưởng nhất định tới môi trường cạnh tranh.

Cụ thể, về mặt hành vi các ngân hàng đã áp dụng thống nhất mức giá với một số hoặc tất cả khách hàng, giảm giá ở mức cụ thể, áp dụng công thức tính giá chung, sử dụng mức giá thống nhất tại thời điểm các cuộc đàm phán về giá bắt đầu. Việc áp dụng đồng đều mức giá như trên đã gây ra hạn chế cạnh tranh vì thị trường không còn nhiều mức giá khác nhau cho khách hàng lựa chọn. Lúc này khách hàng sẽ chỉ lựa chọn các ngân hàng lớn, ngân hàng lâu năm, ngân hàng thương mại quốc doanh. Như vậy, các ngân hàng không có lợi thế về vốn, các ngân hàng mới thành lập chưa tạo dựng được tên tuổi sẽ rơi vào tình trạng khó khăn hơn.

Về hình thức, thỏa thuận này bị cấm khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan chiếm trên 30% (Khoản 2, điều 9 Luật Cạnh tranh). Hiện nay, theo thống kê, các thành viên Hiệp hội ngân hàng có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan chiếm trên 30%.

Vụ việc này sau đó đã được Cục Quản lý Cạnh tranh giải quyết thông qua buổi làm việc với Hiệp hội Ngân hàng và quyết định không xem xét bởi lý do: Tại thời điểm đầu năm 2008, tình hình lạm phát tăng cao, lãi suất cơ bản là 14%/năm tương đương lãi suất cho vay tối đa là 21%/năm (không quá 150% lãi suất cơ bản). Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn thu thêm phí nên lãi suất rất cao vào khoảng 23-24%/năm. Để đảm bảo được đủ vốn cho vay, các ngân hàng đã đưa ra các mức lãi suất huy động cũng rất cao, khoảng 17-18%/năm và cộng thêm các chương trình khuyến mại tặng tiền hiện vật cho khách hàng gửi tiết kiệm, do đó lãi suất đầu vào ở mức cao đỉnh điểm trong lịch sử ngân hàng Việt Nam. Trước tình hình đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN đã có công điện số 02/CĐ-NHNN gửi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và  các ngân hàng đề nghị các ngân hàng không được áp dụng lãi suất huy động bằng VND quá 12%/năm. Tuy nhiên, các ngân hàng đã đưa ra thỏa thuận mức lãi suất  bằng VND không quá 11%/năm, do đó tạo ra mặt bằng lãi suất mới hợp lý hơn, góp phần bình ổn thị trường huy động vốn của các ngân hàng nói riêng, ổn định kinh tế vĩ mô nói chung. Sau khi trao đổi, Cục Quản lý Cạnh tranh đã thống nhất mặc dù Luật Cạnh tranh  không quy định về việc cho hưởng miễn trừ trong trường hợp này, tuy nhiên đây cũng là một trong vấn đề có tính thời sự và cấp bách có thể đưa vào diện được miễn trừ.

Năm 2010 này, trước khó khăn của nền kinh tế, các ngân hàng tiếp tục đồng thuận hạ lãi suất. Chưa rõ kết quả đến đâu. Tuy nhiên, tại buổi công bố 10 lĩnh vực cạnh tranh tuần qua của Bộ Công Thương, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại, làm rõ vai trò của Hiệp hội Ngân hàng để tránh tạo ra tiền lệ xấu trong việc xem xét các vi phạm Luật Cạnh tranh trong các ngành nghề khác. Nếu đồng thuận hạ lãi suất là cần thiết, nó cần được xem xét và có thể đưa vào diện miễn trừ của luật trong tương lai.

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng:

 

Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi đồng thuận giảm lãi suất không phải hạn chế cạnh tranh mà để ổn định thị trường. Thủ tướng Chính phủ đã có 2 Nghị quyết số 18 và 23/2010 hồi tháng 4 và tháng 5 yêu cầu ngân hàng phải hạ lãi suất "đầu vào 10, đầu ra 12" Hiệp hội Ngân hàng đứng ra yêu cầu hạn lãi suất để thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra.

 

Hiệp hội rất đồng tình quan điểm cần khuyến khích cạnh tranh trên thị trường, vì thế Hiệp hội đã đóng góp ý kiến để Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho ngân hàng thực hiện cho vay với lãi suất thỏa thuận. Với lãi suất huy động, ở thời điểm kinh tế khó khăn, ngành ngân hàng là hoạt động kinh doanh đặc thù cần sự đồng tâm rất lớn, nếu giảm lãi suất cần thực hiện đồng loạt, nếu không sẽ lại dẫn tới sự lộn xộn như trước đây.

 

Chính vì yếu tố đặc thù và hoạt động có vai trò quan trọng với nền kinh tế nên Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước mới ban hành cũng có quy định "Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác".

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.