Các DNBH phi nhân thọ sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh hơn các DNBH nhân thọ khi thực hiện TPP, bởi tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh, thiếu đội ngũ nhân lực, hệ thống thông tin quản lý yếu kém, nhiều DNBH phi nhân thọ chưa được xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức có uy tín trên thế giới…
Thạc sỹ Tôn Thị Thanh Huyền, Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ tại buổi tọa đàm cơ hội, thách thức của TPP và các FTAs thế hệ mới đối với ngành Bảo hiểm Việt Nam, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Điểm yếu nhân lực, hệ thống quản lý
Theo bà Huyền, TPP mang đến nhiều cơ hội cho ngành Bảo hiểm nhưng cũng đặt ngành này trước nhiều thách thức. Hiện trên thị trường BH có 30 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, trong đó có đến 16 DN cổ phần, 3 DN liên doanh, 3 DN có vốn Nhà nước, 8 DN 100% vốn nước ngoài. Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có tổng số 17 DNBH, nhưng có đến 14/17 DNBH có vốn đầu tư nước ngoài.
Có thể thấy, phần lớn các DNBH nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp này thường có công ty mẹ là các công ty bảo hiểm nhân thọ lớn từ các nước có ngành bảo hiểm phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Canada,…
“Hoạt động quản trị, thiết kế sản phẩm, ứng dụng công nghệ, hay nhân lực,… của các DNBH nhân thọ này đều được hỗ trợ, hậu thuẫn rất nhiều từ các công ty mẹ. Điều này cho thấy đa số các DNBH nhân thọ ở Việt Nam khi tham gia TPP có nhiều cơ hội hơn thách thức”, bà Huyền nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đối với các DNBH phi nhân thọ thì ngược lại, bà Huyền lý giải, hiện chỉ một số ít DNBH phi nhân thọ có năng lực tài chính, với vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ như Bảo Việt, PVI… còn phần lớn các DNBH phi nhân thọ khác có quy mô nhỏ và chỉ mới đáp ứng yêu cầu vốn pháp định. Điều này sẽ hạn chế nguồn lực của DN trong việc tăng cường năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh khi thực hiện cam kết TPP.
Một hạn chế mang tính thách thức đối với các DNBH phi nhân thọ, theo bà Huyền chính là sự thiếu hụt một đội ngũ nhân lực bảo hiểm chuyên môn cao như chuyên gia định phí, chuyên gia đánh giá rủi ro, chuyên gia phân tích,… Nhưng các công ty bảo hiểm nước ngoài mới tham gia thị trường sẽ dễ dàng lấn lướt, bởi họ có những lợi thế này.
“Thêm vào đó, khi số lượng DNBH từ các nước thành viên TPP tham gia thị trường tăng lên sẽ thu hút một lực lượng lao động bảo hiểm có trình độ hiện có trên thị trường, đặc biệt là cán bộ quản lý tầm trung và cao cấp với mức lương hấp dẫn. Điều này làm cho các DNBH trong nước, nhất là các DNBH nhỏ, sẽ khó khăn thêm khi phải đáp ứng thực hiện các yêu cầu pháp lý về nhân sự theo quy định của TPP”, bà Huyền nhấn mạnh.
Một thách thức khác phải kể đến đối với nhiều DNBH phi nhân thọ là vấn đề đánh giá xếp hạng (rating) từ các tổ chức đánh giá xếp hạng có uy tín trên thế giới như A.M. Best, Standard & Poor’s, hay Moody…, hiện chỉ có một số ít DNBH như PVI, PVIRe, VINARE,… có được mức xếp hạng này. “Được đánh giá xếp hạng là DN đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để bước vào quá trình hội nhập và quốc tế hóa thương hiệu”, bà Huyền nói.
Còn TS. Nguyễn Bình Minh, Phó trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế – Đại học Ngoại thương cho biết, quy định tại điều 11.5 chương 11 của TPP không chỉ cho phép các DNBH nước ngoài đến từ các nước thành viên TPP có quyền hiện diện thương mại tại Việt Nam, mà còn đưa ra các quy định để đảm bảo quyền tự do cung cấp dịch vụ bảo hiểm của các công ty đó ở Việt Nam. Một khi các quy định này được tuân thủ, các DNBH nước ngoài sẽ có nhiều thuận lợi để có hiện diện thương mại tại Việt Nam, gia tăng cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ khi năng lực cạnh tranh của DN nội còn yếu.
Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam Trần Hữu Huỳnh chia sẻ, theo quy định nếu Việt Nam dành bất kỳ ưu đãi nào hơn cho một nhà đầu tư trong hoặc ngoài TPP thì tất cả các nước tham gia TPP cũng sẽ hưởng mức ưu đãi đó.
“Như vậy, DN trong nước sẽ không thể nhận được sự “bảo hộ” mà phải chuẩn bị sẵn tâm thế để cạnh tranh bình đẳng với các DNBH khác, trong bối cảnh hiện nay đây cũng là thách thức đối với DNBH Việt Nam nói chung, đặc biệt là DNBH phi nhân thọ”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần đưa ra phương án tốt nhất để hội nhập
Chia sẻ tại hội thảo, bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, thách thức rất nhiều nhưng cơ hội cho DNBH cũng rất lớn. TPP và FTAs mới đều đòi hỏi mở cửa thị trường dịch vụ. Theo đó, cơ hội mở rộng tại thị trường trong nước như: Nhu cầu của các DN về dịch vụ bảo hiểm tăng khi tham gia hội nhập bởi nhiều rủi ro; nhu cầu của dân cư tăng do cơ cấu dân số thay đổi, già hóa, thu nhập tăng, tầng lớp trung lưu và đô thị gia tăng; khả năng chi trả tăng do thu nhập và các kênh hỗ trợ tăng… , đây chính là cơ hội để DNBH nắm bắt và tăng trưởng doanh thu.
Ông Minh cũng đồng ý với quan điểm này và cho rằng: “Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, nhu cầu bảo hiểm tài sản, bảo hiểm phương tiện, bảo hiểm hàng hóa, du lịch, bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm công cộng… sẽ tăng mạnh theo tập quán về nhu cầu bảo hiểm của người nước ngoài và các DN nước ngoài hoạt động Việt Nam, đây là cơ hội cho các DNBH”.
Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, các DNBH sẽ được hưởng lợi từ TPP khi luồng vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trong các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản… tăng, sẽ làm gia tăng khả năng đầu tư tài chính của các DNBH từ quỹ chủ hợp đồng, hứa hẹn mức lãi suất hấp dẫn giúp phát triển bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị…
Để tận dụng cơ hội, bà Huyền khuyến cáo: “Mỗi DNBH phải xác định chiến lược kinh doanh cho DN một cách rõ ràng và xây dựng các bước đi thích hợp và phù hợp với năng lực thực tế hiện tại của doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, trong chiến lược kinh doanh, vấn đề nhanh chóng áp dụng hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong giao dịch kinh doanh bảo hiểm cần được xác định đầu tiên. Đặc biệt với các DNBH hướng đến phát triển bán lẻ, việc áp dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ tin học là rất cần thiết để tạo thuận lợi cho việc cải tiến sản phẩm, quy trình quản lý, cũng như để hạn chế trục lợi.
Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc chia sẻ, dự báo các DNBH sẽ gặp không ít khó khăn khi hội nhập TPP, nhưng nếu biết nắm bắt cơ hội DN sẽ vượt qua. Theo ông Lộc, vấn đề chính vẫn nằm ở DN, bởi chỉ có DN mới hiểu được giá trị của mình từ đó đưa ra được phương án tốt nhất để hội nhập, hiện nhiều DNBH cũng đang trong quá trình tái cấu trúc để nâng cao sức đề kháng…
(Theo thoibaotaichinhvietnam)
Comments are closed.