Đối sách nào cho ngân hàng nội?(webbaohiem)

(ĐTCK-online) Ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức cho phép Bank of Communications Co., Ltd mở chi nhánh tại Việt Nam. Trước đó, hai ngân hàng nước ngoài First Commercial Bank, Ltd và The Shenghai Commercial & Savings Bank cũng được cấp phép mở chi nhánh tại Việt Nam. Thực tế trên cho thấy, thị trường tài chính Việt Nam thực sự hấp dẫn đối với các ngân hàng nước ngoài.

Tính đến nay, đã có 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, gần 60 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trên 50 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Theo NHNN, hiện đang có hàng chục hồ sơ của ngân hàng nước ngoài xin mở chi nhánh và ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam. Dự báo trong thời gian tới, số lượng hồ sơ xin cấp phép hoạt động ngân hàng sẽ không ngừng tăng lên khi cánh cửa thị trường được mở rộng hơn vào ngày 1/1/2011 cho các ngân hàng nước ngoài theo lộ trình Việt Nam ra nhập WTO.

Công bố báo cáo tài chính năm 2009 của HSBC Việt Nam cho biết, sau một năm (2009) hoạt động với tư cách là ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam, tổng tài sản của HSBC Việt Nam là 36.689 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.018 tỷ đồng; tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh không kể chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 2.405 tỷ đồng; tỷ suất sinh lợi trên vốn đạt 19%, tỷ lệ an toàn vốn là 58%, tỷ lệ cho vay trên vốn huy động từ khách hàng đạt 51,3%. HSBC hiện nắm giữ khoảng 27.000 tỷ đồng tiền gửi từ khách hàng…

Có thể thấy, dù thời gian hoạt động với tư cách ngân hàng nước ngoài 100% vốn ở Việt Nam mới được 1 năm, nhưng lợi nhuận của HSBC đã ngang bằng với các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước có quy mô trung bình khá với bề dày hoạt động hàng chục năm. Ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam khẳng định, HSBC coi Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược của khu vực các thị trường mới nổi. Ngoài HSBC, hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài khác là Standard Chartered và ANZ dù chưa công bố báo cáo tài chính năm 2009 nhưng được dự báo cũng khả quan.

Ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu chia sẻ, các ngân hàng trong nước cần có một chiến lược đúng, mạnh mẽ hơn để tồn tại, lớn mạnh, phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài. Sự cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài cơ bản dựa trên yếu tố về sản phẩm, giá cả, dịch vụ, con người, quy mô, vốn… Ông phân tích, các sản phẩm của ngân hàng nước ngoài đa dạng hơn các ngân hàng trong nước và điểm đặc biệt là các sản phẩm đó đều được thử nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới. Những quy trình hoạt động vừa giúp đảm bảo được mức độ thuận tiện vừa quản trị rủi ro, giảm được chi phí. Hệ thống đào tạo tốt, không cứng nhắc phụ thuộc vào giáo trình mà là con người thực hiện, đi kèm với một môi trường duy trì những kết quả đào tạo đã có…

Lãnh đạo chiến lược cấp cao của NHTM cổ phần đang nỗ lực trở thành một ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam nêu quan điểm, yếu tố cạnh tranh nhất của các ngân hàng nước ngoài so với các ngân hàng Việt Nam là sự minh bạch. Minh bạch trong các cấp thẩm quyền giúp cho hoạt động đơn giản và nhanh hơn. Tất cả mọi người trong hệ thống đều biết với khoản vay này của doanh nghiệp sẽ phải thực hiện những bước gì, cần bao nhiêu thời gian để trả lời cho khách hàng. Điều này ở các ngân hàng trong nước thực sự còn yếu, kém…

Vị lãnh đạo trên nhấn mạnh thêm, sự đe dọa, cạnh tranh trực tiếp của ngân hàng nước ngoài đối với ngân hàng trong nước trong thời gian ngắn sắp tới thực tế chưa rõ rệt. Tuy nhiên, các ngân hàng trong nước cần phải “định vị” hướng đi cho “con thuyền” của mình đến đích đúng thời gian, đúng địa điểm. Những điều này phụ thuộc vào các yếu tố: thứ nhất, người lãnh đạo có năng lực dẫn dắt, kiện định về đường lối; thứ hai, một chiến lược cụ thể, khả thi; thứ ba, một đội ngũ, bộ máy vận hành phù hợp; thứ tư, không thể thiếu, là sự ủng hộ tài chính của các cổ đông.

Các ngân hàng trong nước muốn vươn lên, cạnh tranh thực sự với ngân hàng nước ngoài cần phải có thay đổi trong nội tại. Hiện nay, sự xao động của ngân hàng này hay ngân hàng kia chính là lúc họ đang thực hiện các “bài thuốc thử”. Sẽ có những ngân hàng vượt qua được “vũ môn”, nhưng cũng có ngân hàng phải dừng cuộc chơi!

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.