(eFinance Online) – Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết tổng doanh thu phí bảo hiểm ước cả năm 2010 đạt khoảng 30.690 tỷ đồng tăng 20,3% so với năm 2009 (đạt tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm/GDP khoảng 1,7%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ (PNT) khoảng 17.000 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2009), doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ (NT) khoảng 13.690 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2009).
Doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 8.208 tỷ đồng, trong đó PNT đạt 2.300 tỷ đồng, NT đạt 5.908 tỷ (tăng 26,2% so với 2009).
Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước cả năm 2010 là 2.043 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2009. Tổng hoa hồng môi giới bảo hiểm nhận được là 265 tỷ đồng tăng 18,6% so với năm 2009.
Nhằm huy động các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư dài hạn của nền kinh tế, đến cuối năm 2010, ngành bảo hiểm đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 92.809 tỷ đồng tăng gần 26 nghìn tỷ so với năm 2009 (trong đó, PNT 19.084 tỷ đồng, NT 73.725 tỷ đồng).
Cũng trong năm 2010, các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường và trả tiền bảo hiểm gần 12.033 tỷ đồng (PNT 6.800 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 40%, NT 5.233 tỷ đồng), đảm bảo sự phát triển ổn định của các tổ chức, cá nhân không may gặp rủi ro, qua đó góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế xã hội.
Theo thống kê của Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, tính đến nay, tổng số doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường là 53 doanh nghiệp, trong đó gồm 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 12 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 11 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (hiện tại 01 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể) và 1 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định và đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tổng số đại lý bảo hiểm hoạt động tính đến hết năm 2010 khoảng 215.000 đại lý, tăng 20% so với năm 2009, trong đó lĩnh vực phi nhân thọ 55.000 đại lý, lĩnh vực nhân thọ là 160.000 đại lý.
Hiện nay có 33 Văn phòng đại diện của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong năm 2010 có 5 Văn phòng đại diện xin đóng cửa: Mingtai, JLT, Dai-ichi, Prevoir, GE.
Trong năm 2010, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm đã trình Bộ Tài chính cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho 3 Công ty (Công ty bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam và Công ty môi giới bảo hiểm Nam Á và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Fubon) và chấp thuận về nguyên tắc việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Generali. Sau khi chủ đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định, Cục sẽ trình Bộ cấp Giấy phép chính thức.
Siết chặt quản lý bảo hiểm
Thời gian qua, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm đã thực hiện, xử lý kịp thời các yêu cầu phát sinh liên quan tới các doanh nghiệp bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Từ đầu năm đến nay, Cục đã tiếp nhận và xử lý khoảng 327 đề nghị của các doanh nghiệp, VPĐD của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó: 4 đề nghị thành lập doanh nghiệp, 14 đề nghị về thay đổi vốn điều lệ, 21 đề nghị thay đổi các chức danh lãnh đạo, 21 đề nghị phê chuẩn sản phẩm, 61 đề nghị thay đổi địa điểm kinh doanh… Ngoài ra, còn trả lời 24 kiến nghị, đề nghị của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân, như các bộ, ngành, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các đơn đề nghị của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm,…
Trong năm 2010, Cục đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp bảo hiểm (Công ty bảo hiểm AAA, Công ty cổ phần bảo hiểm Nhà Rồng, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam) với tổng số tiền là 210.000.000 đồng.
Mặt khác, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã kịp thời chấn chỉnh những sai phạm như: Sử dụng đại lý không đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, chi hoa hồng bảo hiểm khi chưa đủ điều kiện hoạt động; Chấp hành không đúng các quy định về chi bồi thường, trả tiền bảo hiểm, từ chối chi trả không có đầy đủ căn cứ ; vi phạm quy định về tái bảo hiểm; trích lập dự phòng bồi thường không đầy đủ, chính xác ; quản lý ấn chỉ không chặt chẽ; vi phạm các quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới,… Hoạt động môi giới bảo hiểm cung cấp dịch vụ không đúng chức năng; sử dụng các tổ chức khác để thực hiện các công đoạn trong quá trình hoạt động môi giới không phù hợp quy định của pháp luật; trích lập không đầy đủ quỹ dự trữ bắt buộc; ghi nhận doanh thu, chi phí không chính xác. Đã yêu cầu các doanh nghiệp vi phạm hạch toán bổ sung doanh thu, bổ sung tăng quỹ dự phòng, điều chỉnh giảm chi phí hoạt động, do vậy đã tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp bổ sung vào Ngân sách nhà nước (chỉ tính riêng lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm, số thuế TNDN phải nộp bổ sung là: 544 triệu đồng, thuế nhà thầu 153 triệu đồng).
Hướng tới mục tiêu hơn 35.000 tỷ đồng năm 2011
Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm đã mạnh dạn đặt mục tiêu sang năm 2011, dự kiến tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 35.290 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2010, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 22 – 25%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khoảng 15.290 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 12 – 15% so với năm 2010.
Thị trường bảo hiểm sẽ được phát triển toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế và của người dân; nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động bảo hiểm; đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng: Phát triển thị trường bảo hiểm toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế và của người dân; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm như biện pháp đảm bảo ổn định tài chính; Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp các dịch vụ bảo hiểm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và ở vùng sâu, vùng xa cho người dân có thu nhập thấp ; Đảm bảo cam kết WTO, IAIS và xu thế hội nhập quốc tế.
Cũng trong năm tới, dự kiến Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục xem xét, thẩm định và trình Bộ cấp phép thành lập từ 3 đến 4 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm ; Tổ chức các khoá đào tạo cơ bản về bảo hiểm, quản trị doanh nghiệp bảo hiểm, kế toán bảo hiểm, đầu tư trong doanh nghiệp bảo hiểm,… cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; Tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý bảo hiểm các nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự trợ giúp kỹ thuật, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, chuyên gia v.v… ; Tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đề xuất cắt giảm quy trình, hồ sơ của một số thủ tục hành chính, hoàn thiện các quy định trong lĩnh vực bảo hiểm.
‘‘Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam (từ 2011 – 2020), với quyết tâm cao, đoàn kết một lòng, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ mà Bộ Tài chính giao cho, góp phần xây dựng thị trường tài chính ổn định, phát triển’’, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm khẳng định.
aichinhdientu.vn
Comments are closed.