Doanh nghiệp xây dựng: Phải mua bảo hiểm bồi thường tai nạn

laukinh.jpgTheo quy định của Bộ Tài chính tất cả các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, lắp đặt bắt buộc phải mua bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động cho tất cả người lao động của mình.

Như vậy, xây dựng và lắp đặt đã trở thành lĩnh vực sản xuất kinh doanh đầu tiên mà người sử dụng lao động phải tiến hành mua bảo hiểm bắt buộc cho công nhân của mình. Theo Bộ Tài chính, quyết định trên xuất phát từ thực tế tình hình tai nạn lao động (chưa tính bệnh nghề nghiệp) trong lĩnh vực xây dựng, lắp đặt thiết bị trong thời gian qua có xu hướng gia tăng, với lượng người chết và bị thương ngày một nhiều. Theo số liệu của Bộ LĐ-TB-XH và Tổng liên đoàn Lao động VN, trong năm 2002, lĩnh vực xây dựng, lắp đặt đã để xảy ra 66 vụ tai nạn lao động là chết 69 người, làm bị thương hàng trăm người. Năm 2003, số vụ tai nạn chết người đã tăng lên 91 vụ làm chết 96 người, làm bị thương nặng trên 100 người. Tai nạn phổ biến nhất thường xảy ra đối với người lao động làm việc trên cao, trên các công trình nhiệt điện thuỷ điện, bị điện giật, nổ bình ôxy, lũ cuốn… Tuy nhiên, trên thực tế số vụ tai nạn lao động làm chết người còn lớn hơn bởi nhiều DN và nhiều ông chủ đã không khai báo với các cơ quan chức năng. Bộ Tài chính dự kiến, trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng sẽ có 4 sản phẩm bảo hiểm là bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm lắp đặt, bảo hiểm trách nhiệm hành nghề tư vấn xây dựng và bảo hiểm bồi thường cho người lao động trong các DN xây dựng, lắp đặt. Tuy nhiên, do độ phức tạp khác nhau của từng sản phẩm bảo hiểm nên Bộ Tài chính không thể ra đời cùng lúc 4 sản phẩm bảo hiểm nói trên. Vì thế, trước mắt Bộ Tài chính mới đưa vào thực hiện loại sản phẩm bảo hiểm bồi thường cho người lao động trong các DN xây dựng, lắp đặt. Việc bắt buộc các chủ lao động trong các DN xây dựng, lắp đặt mua bảo hiểm sẽ giúp trong trường hợp người lao động bị chết hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên do tai nạn lao động hoặc bị bệnh nghề nghiệp được bồi thường 30 tháng tiền lương. Trường hợp do lỗi của người lao động thì chỉ được bồi thường 12 tháng tiền lương. Nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động dưới 81% thì được bồi thường theo tỷ lệ quy định trong quy tắc bảo hiểm nhân thọ với 30 tháng tiền lương. Nếu tai nạn do lỗi của người lao động thì mức bồi thường chỉ bằng 40% của số tiền bồi thường nói trên. Ngoài ra, người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp còn được DN bảo hiểm bồi thường tiền phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị và các chi phí y tế cần thiết khác.

Để tạo sự năng động, Bộ Tài chính chấp thuận trong trường hợp người sử dụng lao động muốn tham gia bảo hiểm với mức trách nhiệm cao hơn, phạm vi bảo hiểm rộng hơn so với các quy định tại quy tắc bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành thì có thể thoả thuận riêng với các DN bảo hiểm.

Trần Thị Sánh (Diễn dàn doanh nghiệp)

Comments are closed.