
Theo ông Huỳnh Song Hào, phó giám đốc ngân hàng Ngoại thương TP.HCM, những doanh nghiệp biết và dám sử dụng dịch vụ phái sinh forward, future, option… chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Vì theo ông, để vận dụng tốt những dịch vụ này, họ phải tiên liệu được giá ngoại tệ trong tương lai. Nếu dự đoán sai, doanh nghiệp sẽ lỗ.
Ông Lê Quốc Ân, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) lắc đầu: “Có một số doanh nghiệp trong tập đoàn đã thực hiện bảo hiểm tỷ giá, nhưng rất ít.
Vì không dễ để áp dụng những nghiệp vụ này. Nhưng việc áp dụng những nghiệp vụ này là cần thiết. Các thành viên và tập đoàn sẽ phải suy nghĩ nghiêm túc”.
Ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng TMCP Đông Á cho hay, đến nay trong các doanh nghiệp giao dịch ở Đông Á chỉ có một số nhỏ biết sử dụng nghiệp vụ này.
Ông Bình cho rằng, trong một thời gian khá dài, tỷ giá VND/USD dao động biên độ nhỏ, nên phần lớn doanh nghiệp không chú trọng đến công cụ bảo hiểm rủi ro này. Ngoài ra, theo ông, không nhiều doanh nghiệp biết đến các dịch vụ phái sinh.
Ông Phạm Quốc Thanh, phó tổng giám đốc ngân hàng An Bình cho rằng, thị trường phái sinh tại Việt Nam chưa thật sự khởi sắc. Theo ông, để đi đến việc sử dụng phổ biến các sản phẩm phái sinh, doanh nghiệp còn một chặng đường dài phải đi.
“Các giao dịch phái sinh được tạo ra là để bảo hiểm rủi ro. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp có thể ngồi tính toán để có được một tỷ giá tương lai tốt nhất”, ông Thanh nhận xét.
Sau một thời gian đối mặt với tỷ giá biến động mạnh, một số doanh nghiệp giao dịch ở Đông Á đã sử dụng dịch vụ option mua ngoại tệ và nhờ ngân hàng Đông Á tư vấn về dịch vụ.
Ông Bình cho rằng, với khả năng ngân hàng Nhà nước ngày càng nới rộng biên độ tỷ giá ngoại tệ, doanh nghiệp sẽ phải nghĩ nhiều hơn đến các dịch vụ phái sinh để tránh rủi ro.
Theo Mquiz
Comments are closed.